Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Tấm lòng thiết tha với Hà Nội
15:53 | 28/01/2019

Cho dù được biểu đạt bằng thể loại gì, từ tản văn, truyện ngắn hay du khảo, thì người đọc vẫn nhận ra ở Nguyễn Trương Quý một tấm lòng thiết tha với Hà Nội. Anh vừa ra mắt cuốn sách thứ 8, du khảo Một thời Hà Nội hát (NXB Trẻ ấn hành), cũng nằm trong mạch nguồn đó.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Tấm lòng thiết tha với Hà Nội

Được dung hòa giữa văn chương và rất nhiều tư liệu quý giá, cuốn sách là một công trình nghiên cứu thú vị và hấp dẫn cho những ai quan tâm đến Hà Nội giai đoạn bản lề trước và sau năm 1954.
 

* PHÓNG VIÊN: Có thể xem cuốn sách thứ 8 là câu trả lời cho câu hỏi, cũng là tên cuốn sách ra mắt 5 năm trước của anh - Còn ai hát về Hà Nội?

* Nhà văn NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ: Đúng là có một sự liên quan giữa 2 cuốn sách. Cuốn sách trước là một cuộc tổng quan về hình thái, hiện tượng khi có rất nhiều bài hát lấy Hà Nội làm trung tâm, làm đối tượng nghệ thuật, giống như một cuộc kể chuyện về Hà Nội bằng ca từ. Đến cuốn này, như một câu trả lời phức tạp hơn, thông qua một câu chuyện, một hoàn cảnh lịch sử của giai đoạn trước và sau năm 1954, là giai đoạn bản lề của thành phố.

Trong bối cảnh đó, tôi muốn đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Liệu cảm hứng lãng mạn được giữ gìn, phát triển ra sao? Cơ chế nào để xây dựng nên câu chuyện này, biến nó thành một huyền thoại, làm nên một câu chuyện về Hà Nội mà bây giờ gần như là một bảo chứng cho giá trị lãng mạn của Hà Nội? Trong khi những hình thái thuộc địa, những khung cảnh, kiến trúc, con người hay phong tục đã thay đổi rồi thì người ta vẫn nhìn vào đây giống như một di sản phi vật thể, một bảo tàng ký ức về vẻ đẹp xưa cũ của một Hà Nội mà người ta truyền tụng. Và cuốn sách ra đời xuất phát từ đó.

* Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh ra ở Hải Phòng. Vậy, âm nhạc và con người Đoàn Chuẩn tiêu biểu như thế nào cho con người và vùng đất Hà Nội?

* Câu chuyện có nhiều nhân vật nhưng tôi chọn nhân vật chính là Đoàn Chuẩn với nhiều bài hát, rạp Đại Đồng, hay cuộc đời sáng tác nghệ thuật, chuyện tình cảm của Đoàn Chuẩn làm trung tâm. Vì ở ông, vô tình hội tụ tất cả đặc điểm của giai đoạn đó, khi ông là người cuối cùng của giai đoạn tân nhạc ở miền Bắc. Và những hoạt động của ông cũng chứng kiến những thay đổi của đất nước.

Đương nhiên, chọn Đoàn Chuẩn vì cuộc đời ông thỏa mãn được những dữ kiện đặt ra. Đoàn Chuẩn tuy không phải là người sinh ra ở Hà Nội nhưng ông lên Hà Nội học từ lúc nhỏ, rồi lấy vợ Hà Nội. Cuộc sống vật chất và năm tháng hoạt động sôi nổi nhất, kể cả những thăng trầm của ông cũng diễn ra tại đây. Quan trọng nhất là những bài hát, những giai điệu ấy, câu chuyện ấy đi vào vốn văn hóa đại chúng Hà Nội. Rất nhiều thế hệ người Hà Nội đã coi những điều đó là sản phẩm của địa phương. Vậy nên, hoàn toàn có thể xem những câu chuyện đó là của Hà Nội.

* Như vậy, anh không gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện cuốn sách này, dù là người “sinh sau đẻ muộn”?

* Có một số khó khăn, như các văn bản đó rơi vào đúng giai đoạn chuyển đổi và bị lắng xuống một lớp bụi nên tôi cũng phải gạt đi rất nhiều mới tìm được những câu chuyện chính xác. Ngoài ra, vì đây là những bài hát tình cảm, mang tính sở hữu cá nhân giai đoạn rất riêng tư của con người, đi kèm rất nhiều ngoại truyện, giai thoại nên làm sai lệch và biến dị nhiều với câu chuyện gốc. Người ta truyền tụng rất nhiều, dù xuất phát từ tình cảm yêu mến, nhưng điều đó vô tình làm bồi đắp nên nhiều chân dung khác nhau.

Tất nhiên, bản thân tôi cũng không thể nào đi đến chân dung Đoàn Chuẩn chính xác 100% vì những người trong cuộc hầu như đã mất cả rồi. Đương nhiên, tôi muốn tránh sự áp đặt lên mọi người, cho rằng đây là chân dung chính xác. Tôi chỉ đưa ra một chân dung nghệ thuật, về giai đoạn nghệ thuật của một đô thị mà tiếng nói của nghệ thuật, của văn hóa được định hình rất đậm đặc.

* Còn câu chuyện, vấn đề gì về Đoàn Chuẩn hay của giai đoạn đó mà anh lấy làm tiếc nuối khi không được thể hiện trên sách?

* Có nhiều thứ tôi mong muốn được đi tới cùng nhưng chưa thể giải quyết được ngay. Chẳng hạn, về mặt khảo sát các giấy tờ, các văn bản riêng tư, tôi chưa được tiếp cận đến nơi đến chốn vì vấn đề gia đình, nhân thân và nhiều nguyên nhân khác nữa mà mọi người chưa sẵn sàng công bố với người khảo sát là tôi.

Tôi nghĩ, nếu như có được nhiều dữ liệu hơn nữa, chính xác hơn nữa thì khả năng nghiên cứu sẽ mở rộng ra thêm. Tuy nhiên, mỗi cuốn sách chỉ giải quyết được một câu hỏi đặt ra thôi, mình không thể làm tất cả công việc gọi là phục dựng hết được.

* Vậy anh có dự tính gì cho một cuốn sách tiếp theo?

* Thực ra trong nghiên cứu, đất rất rộng và có nhiều cách để tiếp cận. Giống như cuốn sách này, nếu câu chuyện chỉ khoanh vùng ở cuộc đời Đoàn Chuẩn thì cuốn sách sẽ đi theo hướng khác. Mình phải đặt trong bối cảnh rất rộng, Đoàn Chuẩn liên quan đến những ý niệm về giới, về định nghĩa thị dân như thế nào. Mình phải khảo sát cái mà người ta gọi là không gian hóa, với những đồ vật, hiện tượng mà tự nó đã là không gian rồi. Như bài hát của Đoàn Chuẩn chẳng hạn, nghe là coi đấy là không gian của Hà Nội. Cũng có thể sau này sẽ có những cuốn khác về chủ đề Hà Nội, vì trong sách, tôi cũng có mở những hướng khác nữa. Đến một lúc nào đó, khi có đủ dữ liệu, tôi sẽ bắt tay vào làm.

* So với những cuốn sách được ra mắt trước đây và ít nhiều tạo được tiếng vang, với Một thời Hà Nội hát có ý nghĩa như thế nào với anh?

* Trước cuốn sách này, tôi có cuốn tản văn Mỗi góc phố một người đang sống, tôi có một vệt bài đi đi lại lại quanh chủ đề người ta hình thành nên ý niệm Hà Nội là quy tâm trong âm nhạc, trong nghệ thuật như thế nào. Nhưng lúc đó tôi chưa có đủ lý thuyết để “gói” lại, thì cuốn này tôi quyết tâm “gói” bằng được. Nó cũng đánh dấu bước trưởng thành về mặt tư duy, về nghiên cứu.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng