Tạp chí Sông Hương -
Con thuyền của Nam Lê giữa hai bờ dân tộc và nhân loại
08:58 | 31/01/2019

Nam Lê là nhà văn người Úc gốc Việt. Tập truyện ngắn mang tên The boat (Con thuyền) của anh do Thiên Nga và Thuần Thục dịch, Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2011 đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Qua việc diễn giải một số khía cạnh thi pháp của tập truyện ngắn Con thuyền, bài viết mong muốn phần nào lan toả những vẻ đẹp của văn chương Nam Lê đến bạn đọc trong nước.

Con thuyền của Nam Lê giữa hai bờ dân tộc và nhân loại

Trong tập Con thuyền, Nam Lê dành hai truyện cho chủ đề dân tộc. Nhà văn trẻ người Úc gốc Việt khao khát trở thành một công dân/ nhà văn toàn cầu nhưng không hề có ý định phủ nhận gốc gác của mình. Nói khác đi, những phẩm chất của một nhà văn “vượt lên trên bờ cõi và giới hạn” mà Nam Lê ao ước không mâu thuẫn với việc anh quan tâm đến đề tài dân tộc hay viết về dân tộc. Thậm chí, nhà văn đang sống xa cố quốc này đã từng bận tâm sâu sắc về mối liên hệ giữa mình và dân tộc trong tư cách nhà văn: “Tôi vẫn chưa hiểu mối quan hệ giữa tôi với Việt Nam trong tư cách nhà văn. Tuyển tập này là một khát vọng để minh chứng: tôi càng lúc càng ổn hơn với các băn khoăn này”(1). “Ổn hơn” là bởi qua tập truyện, người đọc có thể thấy rõ tình cảm nhà văn dành cho cố quốc sâu nặng như thế nào.

Hai truyện ngắn liên quan đến đề tài dân tộc được Nam Lê đặt ở hai vị trí quan trọng nhất của tập truyện là mở đầu và kết thúc. Cả hai đều liên quan tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước 1975: một câu chuyện về những thuyền nhân Việt Nam âm thầm rời bỏ đất nước sau cuộc chiến (Con thuyền) và một câu chuyện nói về việc vì sao viết truyện về những thuyền nhân ấy (Tình yêu và danh dự và thương hại và kiêu hãnh và cảm thông và hi sinh). Cả hai tác phẩm đều giàu tính tự truyện. Qua đó, người đọc không chỉ hình dung được nhà văn đã ra đi trong tình thế nào, mà còn cả việc nhà văn đã sống trên đất khách ra sao. Điều khiến độc giả không khỏi ngạc nhiên là tại sao một người rời xa đất nước từ khi mới ba tháng tuổi lại có thể viết được những câu chuyện sâu sắc đến thế về Việt Nam. Thêm nữa là việc Nam Lê đã đưa vào tác phẩm một lượng lớn tiếng mẹ đẻ bao gồm thành ngữ, tục ngữ, phương ngữ, các đại từ nhân xưng... mà người chuyển ngữ dù đã rất cố gắng vẫn chưa thể diễn thuật hết được. Nhưng điều tôi tâm đắc nhất có lẽ là việc Nam Lê đã viết về dân tộc trên một tinh thần nhân loại. Cả hai truyện đều không nhuốm chút màu sắc chính trị nào. Mọi chất liệu hiện thực chỉ được huy động vào mục đích văn chương. Những ám ảnh về cuộc chiến tranh tàn khốc chỉ khiến cho người ta ghê sợ (Tình yêu và danh dự và thương hại và kiêu hãnh và cảm thông và hi sinh). Nỗi hãi hùng về một sự sống quá mỏng manh trên đường trốn chạy chỉ càng làm cho người ta thêm khát sống (Con thuyền). Nghĩa là, nói như nhà văn, nó cho người ta thấy một điều gì đó “rộng lớn hơn sự oán than, hiểm nguy hơn kí ức”. Bởi thế, chủ tâm chọn một đề tài lâu nay vẫn được xem là “nhạy cảm” cho những sáng tác về dân tộc - đề tài số phận của các thuyền nhân Việt Nam, người viết không nhằm mục đích “cho mọi người biết” những điều lẽ ra đã bị chôn vùi trong đống tro tàn quá khứ, mà để “cho mọi người phải nhớ” một bài học xương máu về chiến tranh. Tinh thần phản chiến này khiến câu chuyện dân tộc không bị giới hạn trong khung khổ của nó, mà trở thành câu chuyện của toàn nhân loại, câu chuyện của muôn đời.

Đi tìm bản thể của tồn tại, Nam Lê khao khát vượt lên mọi giới hạn không gian đối với sáng tác của mình. Trừ hai truyện mở đầu và kết thúc có tính tự truyện liên quan tới chủ đề dân tộc, năm truyện còn lại đề cập đến năm địa danh khác nhau, vào những thời điểm rất độc đáo khác nhau. Đó là một vùng heo hút của nước Úc - nơi một cậu học sinh trung học phải đối diện với nỗi sợ hãi từ lời thách thức của kẻ tình địch đến cùng lúc với cái chết gần kề của người mẹ (Vịnh Halflead). Đó là một xóm ổ chuột ở Colombia - nơi chàng sát thủ mười bốn tuổi sống giữa những cảm xúc yêu thương trong sáng và bạo lực hiện hình khắp nơi, đang nhìn thấy cái chết đến gần vì đã không chịu xuống tay thực hiện hành động giết mướn một người bạn thời thơ ấu (Cartangena). Đó là một đêm Tehran ngột ngạt với cô luật sư người Mĩ trong cơn khủng hoảng tâm lí, hoang mang trước lựa chọn đánh đổi quyết liệt của người bạn gái thân (Tiếng gọi Tehran). Đó là một buổi sáng trong vắt, cô bé Mayako nhìn thấy một ánh chớp, đang liên tưởng tới đèn máy chụp ảnh trong một kỉ niệm xa xưa thì quả bom nguyên tử dội xuống, cướp đi sinh mạng của em và rất nhiều người vô tội khác (Hiroshima). Đó là tâm trạng hãi hùng của ông họa sĩ già ở New York trước cái chết đang đến bởi bệnh trĩ và sự ghẻ lạnh của cô con gái duy nhất đã xa cách tới mười bảy năm (Gặp Elise). Quả là với tập Con thuyền, Nam Lê đã “thổn thức với những vẻ đẹp cùng nỗi đau của nhiều xứ sở”.

Tuy vậy, những phương diện hình thức như đề tài hay nhân vật, bối cảnh không gian hay các sự kiện lịch sử có tầm ảnh hưởng trên diện rộng… đều nhằm phục vụ cho nội dung tư tưởng mang tầm phổ quát: vấn đề số phận con người trước những thử thách của tồn tại. Trong cuộc đời, con người có thể phải đối mặt với những cảnh huống hoàn toàn cá biệt, nhưng phía sau những ứng xử độc đáo của một nhân vị tự do, nhà văn bao giờ cũng xác tín một bản năng sống. Đọc Nam Lê, người đọc có một cảm giác rất thú vị là luôn được khơi mở để cùng khám phá và mong muốn biểu đạt những cảm xúc sâu xa, những suy nghĩ kín đáo nhất của nội tâm. Nói khác đi, ngòi bút Nam Lê đã làm cho mọi ranh giới không gian, thời gian trở nên nhạt nhòa, thậm chí biến mất, để chỉ còn con người trước con người. Nhà văn trẻ đã làm được điều ấy bằng cách chọn cho đối tượng một thứ ngôn ngữ có khả năng biểu đạt chuẩn xác nhất. Phải chăng, đó là cách “để làm cho kì lạ có vẻ quen thuộc và quen thuộc có vẻ kì lạ” như cách nói của Patricia Cohen.

Văn chương pha nhuốm sắc màu hậu hiện đại buộc người đọc, nếu muốn thẩm thấu nó, phải có một vốn liếng văn chương không tồi. Bởi nhà văn nhiều khi không muốn chập làm một cái biểu đạtvà cái được biểu đạt. Tư duy hậu hiện đại không thừa nhận một thứ diễn ngôn quyền uy và mang tính phổ quát, do đó “không có siêu tự sự tinh thần làm cho tất cả đều yên ổn”(2). Phúng dụ cần xuất hiện để cho bên trong cái hình thức có vẻ ổn định ấy ẩn chứa những biến động không ngừng, để “dự báo sự sâu lắng không thể nắm bắt cũng như sự hỗn loạn đằng sau sự sâu lắng được cấu trúc của ngôn ngữ”(3). Các diễn ngôn của Nam Lê thường chồng chất phúng dụ. Mỗi từ, mỗi câu, mỗi hình ảnh đều chứa đựng hàm nghĩa. Chúng buộc người đọc phải không ngừng tưởng tượng, suy đoán, chú thích, liên hệ, chắp nối, xâu chuỗi..., ngõ hầu mở ra một cánh cửa bước vào thế giới nghệ thuật mà nhà văn đã kiến tạo. Nghĩa là, đến lượt mình trong tư cách chủ thể tiếp nhận, mỗi người đọc thay vì tìm kiếm cái ý nghĩa cốt lõi có sau văn bản, lại có quyền và hiển nhiên cấp thêm cho tác phẩm một ý nghĩa, giá trị riêng, bổ sung và mở rộng nó.

Trong Tình yêu và danh dự và thương hại và kiêu hãnh và cảm thông và hi sinh, các phúng dụ như dòng sông, viên đạn, người đàn ông và chiếc thùng phuy đựng xăng đang cháy, Linda, con số 14, cái đầu nhỏ kì lạ giữa đống gối hay bên trên chiếc áo lông phùng phình... đều có thể giúp độc giả tới gần với những suy tưởng sâu sắc của nhà văn về câu chuyện quá khứ liên quan tới chủ đề dân tộc. Dù không ai có thể xác quyết về một ý nghĩa độc tôn của diễn ngôn này, thì vẫn phải thừa nhận, rằng việc dùng phúng dụ để biểu đạt câu chuyện thế hệ giữa những người Việt tha hương, trong hoàn cảnh này, là hoàn toàn đích đáng. Bởi vì phúng dụ mang tính thời đại, thời sự. Chúng liên tục xác lập thêm nhiều nghĩa mới chồng lên những nét nghĩa đã có. Còn bởi, phúng dụ được xây dựng dựa trên một sự sai lệch về thời gian, “ý nghĩa bổ sung được hình thành một cách liên tục, nó phải kết cấu và làm cho cái ý nghĩa đã ổn định, hiển ngôn hay ẩn dụ trở thành thứ yếu”(4). Với đặc điểm văn phong này, cho dù dung lượng của tác phẩm không lớn, Nam Lê vẫn gửi gắm được rất nhiều thông điệp. Đây cũng là điều đã được tờ The Times khẳng định: “Truyện nào cũng đòi hỏi phải đọc chậm rãi và đọc hơn một lần” (theo bìa bốn của tập truyện Con thuyền).

Con thuyền của Nam Lê có khả năng kích tạo những hứng thú tinh thần mới nơi người đọc. Đọc tập truyện, ta hiểu thêm về mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính nhân loại của tác phẩm văn học, về cái gọi là đồng sáng tạo trong tiếp nhận văn chương.

Theo Lê Tú Anh - VNQĐ

______

1. Trương Quế Chi, Lên thuyền cùng Nam Lê, http://thegioicf.com/len-thuyen-cung-nam-le/

2, 3, 4. Trương Đăng Dung, Tri thức và ngôn ngữ trong tinh thần hậu hiện đại, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1/2012, tr.3-14.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng