Tạp chí Sông Hương -
Tết Việt trong dòng chảy thời đại
09:04 | 31/01/2019

Trong xã hội dịch chuyển, Tết với mỗi thế hệ mang giá trị, ý nghĩa khác nhau. Nếu nhiều gia đình trẻ có thể đóng cửa dắt nhau đi du lịch, đón và chơi Tết ở một nơi xa thì với không ít người cao tuổi, ngày Tết vẫn mang giá trị truyền thống bất biến. Tuy nhiên, một điều chung nhất dễ nhận thấy, đó là trong tâm thức mỗi người Việt luôn trân trọng những giá trị linh thiêng ngày Tết cổ truyền.

Tết Việt trong dòng chảy thời đại
Ông đồ bận rộn cho chữ

Níu giữ Tết xưa

Trong ký ức của cụ Nguyễn Tư, 82 tuổi, (Đống Đa - Hà Nội), Tết xưa vẫn mãi đẹp và chẳng có gì thay thế được. Cụ Tư nhớ lại: “Thế hệ chúng tôi trước đây, nhắc đến Tết là nhắc tới “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”; là gia đình sum vầy với biết bao lời chúc tốt đẹp, trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo mới nhất... Từ ngày 25 - 29, 30, Tết khắp làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng thơm nức mùi khói bếp luộc bánh chưng. Bà con, làng xóm cùng nhau vớt bánh, chia sẻ cho nhau từng cân miến dong, hạt bí, lạng măng khô… Tết xưa thiếu thốn mọi bề nhưng lúc nào cũng thấy ấm áp và mong đến Tết”.

Tết xưa trong trí nhớ của nhiều người cao tuổi là hình ảnh các bà, các mẹ tất bật lo thực phẩm cho ba ngày Tết. Trong thúng, làn đi chợ chắc chắn sẽ có nải chuối xanh, dăm ba loại quả bày mâm ngũ quả, rồi thịt mỡ gói bánh chưng, lá dong xanh mướt, các loại rau cho ba ngày Tết… Còn với những người đàn ông trong gia đình nhận trách nhiệm lớn hơn là lau dọn lư hương, bàn thờ thật sạch sẽ, bày biện mâm ngũ quả, dâng lên tổ tiên những lời cầu khấn xin một năm bình yên, no đủ…

Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt - bước vào tuổi 75 (Thụy Khuê – Hà Nội), chia sẻ: Người xưa có câu “Đói quanh năm no ba ngày Tết”. Phải chăng chính vì vậy mà Tết xưa được đón nhận một cách háo hức. Cuộc sống xưa còn nhiều khó khăn thiếu thốn, vất vả, quanh năm không đủ ăn thì những ngày Tết là dịp để mỗi người quây quần vui vẻ, không phải lo toan công việc chỉ tập trung hưởng thụ ăn uống no say.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng khẳng định, việc chuẩn bị những nhu yếu phẩm phục vụ Tết thời xưa khá lâu và tất bật tạo thành không khí háo hức chung trong xã hội. Tất cả những yếu tố đó khiến con người cảm nhận không khí ngày Tết trước hàng tháng.

Còn ngày nay, cách nhìn nhận về Tết đã có nhiều thay đổi. Tết về, nếu con cháu bận công việc, học hành ở phương xa thì không nhất thiết phải có mặt để quây quần. Công việc bếp núc, chế biến thực phẩm ngày Tết cũng được thay thế bằng đồ làm sẵn, đồ hộp của siêu thị, cửa hàng. Thậm chí, nhiều người phải giảm khẩu phần ăn uống để giữ dáng, tránh các loại bệnh tật.

Tết với nhiều người giờ đây hướng tới giá trị tinh thần nhiều hơn nên cảm nhận về không khí Tết có phần lắng đọng, lặng lẽ hơn. Người ta cũng thay thế ba ngày Tết cổ truyền bằng những chuyến du lịch… Suy nghĩ ăn Tết đã được thay thế bằng chơi Tết.

Đón nhận dịch chuyển

Đứng trước thực tế không khí đón Tết cổ truyền của người dân có sự dịch chuyển về tâm thức, hình thức… các nhà văn hóa khẳng định sự biến đổi là có thật, thậm chí biến đổi nhiều. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với sự phai nhạt, thờ ơ hay chối bỏ Tết truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Ví như trước đây để chuẩn bị cho Tết, mọi người trong gia đình ai nấy tất bật, lo lắng trước cả tháng trời, song hiện nay với điều kiện kinh tế phát triển các gia đình chỉ lo sắm Tết trước vài ngày đến một tuần. Ở góc độ nào đó thì cảm nhận không khí chuẩn bị Tết có phần giảm háo hức, nhưng nói về sự phấn khởi, vui vẻ, thoải mái hưởng ứng Tết, sự thư giãn, dự định, gặp mặt chúc mừng… lại có phần tưng bừng hơn.

Hình ảnh nhiều bạn trẻ khoác ba lô đi du lịch dịp Tết cũng gợi cảm giác có sự phai nhạt trong những ngày Tết hiện nay nhưng thực chất vẫn nhiều bạn trẻ, đặc biệt những người công tác xa gia đình coi trọng Tết. Họ chuẩn bị đặt vé tàu xe, máy bay trước cả tháng để được đoàn tụ bên gia đình. Đó rõ ràng là sự chuẩn bị, chờ đợi đối với ngày Tết. Cách hưởng thụ Tết của giới trẻ tưởng như muốn rời xa truyền thống nhưng cần hiểu tích cực hơn đó là cơ hội để có thể thực hiện được mong muốn của cá nhân. Nó chỉ khác biệt ở cách thức đón Tết mà thôi.

Có thể thấy, các sự vật hiện tượng, con người, suy nghĩ nhận thức trong xã hội trải qua thời gian không tránh được sự biến đổi. Mà Tết là phong tục do con người sáng tạo nên khi cuộc sống, suy nghĩ thay đổi thì các nghi thức, nghi lễ của Tết nay khác xưa là tất yếu.
 

Sự thay đổi trong tâm thức, cách thức đón Tết là một tất yếu bởi không có gì nhất thành bất biến. Sự biến đổi đó mang theo cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Chúng ta khó có thể giữ mãi giá trị văn hóa truyền thống trong một xã hội đầy biến chuyển. Điều cần làm hơn cả là bảo lưu, giữ gìn văn hóa truyền thống hài hòa phù hợp với nền tảng, tâm lý của con người Việt hiện nay. Làm sao để Tết Việt dù biến đổi nhưng giá trị cốt lõi của Tết vẫn được bảo tồn, phát huy tích cực.


Theo Hà Anh - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng