Tạp chí Sông Hương -
Một đời văn rực rỡ
08:56 | 05/02/2019

Sau nhiều năm gần như ở ẩn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh “tái xuất giang hồ” vào năm 2000 ở tuổi xấp xỉ 70 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly đình đám.

Một đời văn rực rỡ
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

1. Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời vừa được Hội Nhà văn Hà Nội trao cho ông dịp cuối năm 2018 là một sự tưởng thưởng xứng đáng sau mấy chục năm chiêm nghiệm và 2 thập niên “làm mưa làm gió” bằng một loạt tiểu thuyết được bung ra mà cuốn nào cũng dày, cũng đầy ăm ắp văn hóa, cũng hấp dẫn, lôi cuốn. Có thể nói không quá rằng kể từ sau sự xuất hiện của tiểu thuyết Hồ Quý Ly tới cuốn mới nhất xuất bản trong năm 2016 là Chuyện ngõ nghèo, Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng trong những năm qua.

Điều đáng nói là với phong cách viết cổ điển, không “shock, sex, sến” nhưng cho đến nay, những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vẫn đang giữ kỷ lục về xuất bản. Hồ Quý Ly kể từ khi xuất bản lần đầu năm 2000 tới nay đã được tái bản tới gần 15 lần, với gần 2 vạn bản sách được bán ra. Các cuốn Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa cũng đạt tới xấp xỉ một vạn bản. Riêng cuốn Chuyện ngõ nghèo xuất bản gần đây nhất cũng đã tái bản lần thứ 5. Trong đó nếu Chuyện ngõ nghèo mang dấu ấn của tiểu thuyết hiện đại, với phong cách giễu nhại, với nhiều cách tân, thì bộ 3 cuốn tiểu thuyết đồ sộ Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa đạt tới độ mẫu mực cổ điển và sức hấp dẫn đặc biệt về những vấn đề tưởng chừng rất khó ăn khách là lịch sử và văn hóa dân tộc. 

2. Làng cổ Thanh Nhàn, quê mẹ nhà văn, vào năm 2000 ấy ít nhiều vẫn còn dáng dấp của làng. Lần đầu tôi đến gặp ông là khi cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly mới xuất bản đã trở thành một hiện tượng văn học, NXB Phụ nữ tái bản liên tục và con số phát hành được công bố khi ấy là chưa tính bản in lậu ngoài thị trường. Ngôi nhà nhà văn ở vẫn là nếp nhà cũ, nhưng lúc ấy ông đã khoe số tiền bản quyền nhận được vẫn tiếp tục tăng lên sau mỗi lần tái bản. 

Và cho đến giờ, vẫn không thể nào quên được hình ảnh nhà văn năm ấy đã ở tuổi 67 (ông sinh năm 1933) vẫn nhanh nhẹn, tinh anh. Khi đọc cuốn tiểu thuyết, tôi đã không hình dung được tác giả của những trang văn đẹp mê hồn. Lúc gặp, tôi đem chuyện hỏi, rằng bác có nhiều trải nghiệm về tình yêu không mà viết hay đến thế trong cuốn tiểu thuyết lịch sử. Ông tất nhiên chỉ cười tủm tỉm, mắt ánh lên sự lấp lánh như kiểu không chấp một đứa trẻ ranh hỏi tò mò vớ vẩn. 

Buổi trò chuyện lần đầu với nhà văn rất dài, ông ưu ái dành cho cả buổi, hỏi được ông đủ thứ chuyện, từ quê mẹ Thanh Nhàn tới quê cha Cổ Nhuế của ông, về những tháng năm ông ở ẩn, tự học, tự dịch sách, tích lũy vốn sống, vốn văn hóa đầy ăm ắp. Rồi ông kể về cái trại Mai của tướng Trần Khát Trân mà ông viết trong cuốn tiểu thuyết, trải dài từ làng Thanh Nhàn xuôi xuống phía nam, nên hầu hết các làng ở đây đều có chữ Mai như Bạch Mai, Hồng Mai, Tương Mai, Tân Mai… 

Sau này, mỗi lần thêm một cuốn tiểu thuyết ra đời là mỗi lần lại được ông tiếp ở nhà riêng. Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa…, cuốn nào cũng đồ sộ, cuốn nào ra đời cũng khiến độc giả xôn xao. Làng cổ Thanh Nhàn đến những năm vừa rồi thì đã trở thành trung tâm thành phố. Ngôi nhà nhà văn ở cũng đã được xây lên mấy tầng, nhà văn càng thêm tuổi càng thêm mẫn tiệp.

Một đời văn rực rỡ

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

3. Có nhiều người đã viết về những năm tháng vất vả của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thời bao cấp, khi tác phẩm của ông viết ra lại lẳng lặng cất vào ngăn kéo vì không được phép xuất bản (cuốn Chuyện ngõ nghèo đã ở yên trong ngăn kéo tới hơn 30 năm). Nhưng nếu gặp nhà văn, không bao giờ được nghe ông kể lể hay lấy làm đau khổ gì về những năm tháng ấy. Chỉ lúc nào cũng thấy một sự hồn hậu và lạc quan. Và phàn nàn không bao giờ là phẩm chất của ông. Gặp ông và đọc những cuốn tiểu thuyết ông viết trong 2 thập kỷ vừa qua, chỉ thấy một chân lý sáng rõ: Không ai cấm đoán được tài năng. Cuộc đời nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là minh chứng cho điều đó. Những tác phẩm được ông viết ra, cho vào ngăn kéo, ở vào những thời kỳ cùng cực nhất. Nhưng rồi nếu có thực tài, đến lúc nào đó ông vẫn xuất lộ thôi, một cách rực rỡ. “Không ai cấm được ngòi bút. Kể cả lúc bị cấm in sách thì tôi vẫn viết ra. Ai cấm được tôi viết, chưa in thì tôi để trong ngăn kéo, ai cấm được. Chỉ do sự bạc nhược cá nhân mà anh mới không viết được. Tự do của nhà văn là do tự do nội tại của từng cá nhân,  sự can đảm, sự lương thiện của từng cá nhân quyết định nhiều hơn là sự bó buộc của bên ngoài. Nếu không viết được, phải trách nhất là sự tự do nội tại của nhà văn, tức là nội tự do của từng cá nhân. Chứ không phải do xã hội”- nhà văn tâm sự.

Có lần, khi tôi hỏi có bao giờ ông nghĩ rằng nếu cuộc đời ông bằng phẳng, nếu tác phẩm của ông viết đến đâu in đến đấy thì rất có thể với tài năng của ông vào những năm tháng sung sức nhất của một đời văn, ông sẽ còn viết được những tác phẩm lớn hơn Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn… Ông cười hồn hậu: “Phải có bột mới gột nên hồ, mình chỉ có trải nghiệm ngần ấy thì chỉ viết từng ấy. Cái thời bao cấp có lẽ tôi cũng chỉ viết được ngần ấy thôi, không thể viết hơn được nữa. Không thể bôi ra cái gì cũng viết được đâu. Có một số vấn đề mình suy ngẫm, phải có suy ngẫm kỹ càng, phải có trải nghiệm thì mới viết được chứ. Viết thì phải có những vấn đề thôi thúc mình chứ không phải bạ cái gì cũng viết được. Nói chung là khi đã viết cuốn sách thì phải có sự suy ngẫm chán chê mê mỏi rồi mới viết.”

Nghe tâm sự của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đột nhiên lại nghĩ tới không ít những người sáng tác khác luôn đổ lỗi cho việc chưa xuất hiện được tác phẩm lớn là bởi hoàn cảnh xã hội bó buộc. Tất nhiên, trong tâm thế của người sáng tác, không phải không bị ảnh hưởng bởi cơ chế xã hội. Nếu một xã hội biết khuyến khích sự tự do thì tài năng sẽ nở rộ hơn, còn nếu hạn chế thì đôi khi sẽ làm thui chột đi khả năng tự do sáng tạo. Khi tôi nói điều này, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh gật đầu đồng tình. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng sự tự do trong sáng tạo nhà văn nên trách ở mình nhiều hơn.

Bây giờ ngẫm lại, khi ông vừa nhận giải Thành tựu văn học trọn đời mới càng thấy ông có lý. Nhà văn có tài thì dù có thế nào cũng sẽ viết được ngần ấy tác phẩm, đạt tới tầm vóc ấy, còn xuất hiện trước công chúng vào lúc nào lại còn do số phận.

4. Giữa năm 2018 vừa rồi, tôi lại xuống làng Thanh Nhàn thăm ông. Nhà văn đã ở tuổi 85 giọng vẫn sang sảng nói vọng xuống tầng 1: “Con mời chị ấy lên đây”, khi nghe cô con dâu út bán hàng tạp hóa gọi bảo bố có khách. Bữa ấy đã thấy trước mặt ông là một túi thuốc to đùng, ông bảo vừa đi khám bệnh hôm qua. Nhưng nhà văn vẫn tĩnh tại, tinh anh, hóm hỉnh. Và khi vào câu chuyện thì vẫn rất minh triết, thấu hiểu. 

Đến gần đây nghe tin ông ốm. Rồi trước khi ông nhận giải Thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội, gọi vào điện thoại di động không thấy ông nghe. Khi tôi gọi số máy bàn, vợ nhà văn bảo ông đã được con trai đón về nhà trong quê nội, tức làng Cổ Nhuế để chăm sóc. Khi tôi liên lạc được với con trai nhà văn thì anh bảo bố tôi khỏe, chỉ là hơi lẫn nên không dùng được điện thoại di động nữa, đưa về Cổ Nhuế cũng để tiện chăm sóc hơn. 

Trí tuệ sâu sắc của một nhà văn tài năng có lẽ sau một đời văn cũng đã đến lúc mệt. Hôm ông đến nhận giả Thành tựu văn học trọn đời, chỉ có nụ cười hóm hỉnh là vẫn nguyên vẹn, ông không phát biểu câu nào. 

Từ mấy năm vừa rồi ông đã tuyên bố gác bút, giả sử từ giờ đến cuối đời ông không in thêm cuốn nào nữa thì một đời văn như thế cũng đủ rực rỡ lắm rồi. Và hạnh phúc nhất những năm tháng này của ông luôn có bên cạnh một người vợ gắn bó yêu thương cả đời và những người con rất hiếu thảo.

Theo Cẩm Anh - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng