Tạp chí Sông Hương -
Những cầu nối cho văn học Việt
09:35 | 18/02/2019

Ngày 16/2, Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV đã diễn ra tại Hà Nội. Nhân sự kiện này, có thể nhìn lại đóng góp đáng quý của những người bạn văn chương quốc tế cho việc quảng bá rộng rãi hơn văn học Việt Nam ra thế giới trong những năm qua.

Những cầu nối cho văn học Việt
Đoàn nhà văn Việt Nam tham dự hội thảo văn học Việt Nam và Hàn Quốc

Bruce Weigl - “Đại sứ” văn học Việt - Mỹ

Sinh năm 1949, nhà thơ, GS.TS Bruce Weigl vẫn được giới văn chương Việt Nam xem như một “đại sứ” văn học giữa hai nước Việt - Mỹ. Không thể kể hết những lần ông đã tới Việt Nam, đặt dấu chân mình lên khắp mảnh đất hình chữ S. Ông là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc của nước Mỹ với nhiều giải thưởng văn chương uy tín đã từng nhận được như: Giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của Viện thi ca Mỹ, giải thưởng thơ Patterson, giải thưởng của Quỹ Phát triển nghệ thuật quốc gia và Quỹ Yaddo, giải thưởng Pushcart và giải thưởng văn học Lannan… Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng Bruce Weigl Huy chương Hòa bình.

Nhà thơ Bruce Weigl đến Việt Nam lần đầu tiên vào đầu thập niên 1980, ông nhận nuôi một bé gái ở Trung tâm trẻ mồ côi huyện Bình Lục (Hà Nam) tên là Nguyễn Thị Hạnh. Lúc ấy, Hạnh 8 tuổi. Để rồi sau này ở nước Mỹ có một dịch giả là Hạnh Nguyễn Weigl. Đó là nhờ cha nuôi Bruce Weigl khuyến khích Hạnh học tiếng Việt và giữ nếp văn hóa Việt. Năm 2010, tác phẩm “Vòng tròn của Hạnh” do Bruce Weigl viết ra mắt bản tiếng Việt do chính Hạnh dịch.

Tác phẩm của Bruce Weigl luôn đau đớn về sự hòa giải văn hóa giữa các quốc gia và giành được những giải thưởng văn chương lớn. Nhưng đối với ông, số tiền của những giải thưởng văn chương mới là điều đáng quan tâm. Bởi vì ông cần nó để mua vé máy bay sang Việt Nam và tặng nó cho trẻ em nghèo Việt Nam. 

Ông đã gieo hạt mầm cho giao lưu văn hóa Việt - Mỹ. Hội Nhà văn Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa cũng đã từng tổ chức đêm thơ Bruce Weigl mang tên “Trở về ngôi nhà Việt”. Và ông là người đã phát biểu đầy xúc động: “Giao lưu văn hóa không cần phải hô to và trưng biển hiệu, để hiểu và xuyên thấm vào nhau, các nhà văn giữa hai nước Việt - Mỹ phải nâng niu, kết nối lại từ việc nhỏ để có thể cùng nhau đón nhận những chùm hoa quả ngọt từ sự cần mẫn gieo hạt văn hóa trước đó”.

Như các lần trước, ở Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần này, giữa khoảng 200 bạn bè quốc tế tham dự, nhà thơ GS Bruce Weigl vẫn là một gương mặt nổi bật “gieo hạt mầm văn hóa” giữa 2 quốc gia, là cầu nối để văn chương Việt Nam được biết đến nhiều hơn trên nước Mỹ.

Những người bạn Hàn Quốc 

Hàn Quốc là một trong những quốc gia rất chú trọng đến giao lưu văn hóa và trong đó, văn học Việt Nam là một mối quan tâm thực sự của các nhà văn Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc đã có những hoạt động như: Các buổi tọa đàm văn học Việt - Hàn tại các trường đại học, gặp gỡ các nhà văn Việt Nam được yêu mến tại Hàn Quốc, hội thảo quốc tế triển vọng giao lưu văn học Việt - Hàn… Từ đầu những năm 2000, Hàn Quốc đã mời các đoàn nhà văn sang thăm Hàn Quốc. Họ lập ra Hội những nhà văn trẻ tìm hiểu Việt Nam, mời các nhà văn Việt Nam sang Hàn Quốc và cho các nhà văn Hàn Quốc sang Việt Nam.

Những cầu nối cho văn học Việt

Nhà thơ, GS.TS Bruce Weigl.

Một trong những nhà văn Hàn Quốc đến Việt Nam từ rất sớm là Bang Hyun Suk - Hội trưởng Hội những nhà văn trẻ tìm hiểu Việt Nam. Ông sang Việt Nam nhiều lần, thân thiết với nhiều nhà văn Việt Nam và thâm nhập rất sâu sắc vào đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Ông là người đã viết cuốn tiểu thuyết “Thời gian ăn tôm hùm” (đã được xuất bản tại Việt Nam) lấy bối cảnh hoàn toàn ở Việt Nam. Hiện nay ông là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Chung Ang. 

Có mặt ở Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần này còn có nhà thơ Choi Dong Ho, giáo sư danh dự của Trường Korea và giáo sư tại Trường Kyungnam. Ông từng giành được giải thưởng văn học Park Doo-jin, Giải thưởng Văn học Daesan và Giải thưởng Văn học nghệ thuật Manhae. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc (2016-2018), là thành viên của Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc, hiện là Chủ tịch Quỹ pháp nhân hội yêu thơ, là thành viên trong Ban quản lý của Giải thưởng Văn học Quốc tế ChangwonKC.

Hay đối với một số nhà văn Việt Nam, dịch giả Ha Jea Hong cũng là một người bạn thân thiết. Nhờ vào các bản dịch xuất sắc của Ha Jea Hong mà một số tác phẩm văn học Việt Nam đã trở thành tác phẩm ăn khách ở Hàn Quốc. Theo nhà văn Y Ban- một người từng tham gia nhiều chương trình giao lưu văn học Việt Nam - Hàn Quốc, nhờ bản dịch mới nhất của Ha Jea Hong (dù trước đó đã có bản dịch khác) mà “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh đã được bạn đọc Hàn Quốc đổ xô vào đọc. Ha Jea Hong cũng là người đã dịch các tác phẩm rất được hoan nghênh ở Hàn Quốc như “Chí Phèo” của Nam Cao, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, “I am đàn bà” của Y Ban sang tiếng Hàn và sắp tới là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương…

Còn nhiều người bạn khác của văn chương Việt Nam có mặt trong Hội nghị lần này. Và Hội nghị là sự kiện văn hóa lớn, kỳ vọng sẽ lan tỏa hơn, sẽ có thêm nhiều hợp tác, nhiều cơ hội để quảng bá văn chương Việt Nam và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam ra bên thế giới.

Theo Ngọc Anh - Đại Đoàn Kết

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng