Tạp chí Sông Hương -
Văn thờ tự và tục xin - cho chữ
14:38 | 26/02/2019

Xã hội phát triển, các khu đô thị mọc lên ngày một nhiều. Dạng nhà chung cư cao tầng, nhà ống, nhà liền kề, biệt thự phát triển mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về sinh hoạt của người Việt. Từ đó dẫn đến thay đổi đáng kể về vị trí, vai trò và chức năng của Ban (bàn) thờ gia tiên…

Văn thờ tự và tục xin - cho chữ
Xin – cho chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Vị trí đặc biệt

Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày 24/2 vừa qua, Tại Hội quán Di sản đã diễn ra Tọa đàm “Văn tự thờ và tục xin - cho chữ đầu năm của người Việt” với sự tham gia của TS Trần Trọng Dương, TS Phạm Văn Tuấn và Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng. Đây là 3 thành viên của nhóm thư pháp Tiền Vệ (là nhóm tiên phong cách tân nghệ thuật thư pháp Việt Nam vào giai đoạn đầu những năm 2000).

Các diễn giả đã cùng thảo luận về không gian thờ truyền thống của người Việt. TS Trần Trọng Dương đã đưa ra nhận định rằng cấu trúc nhà ở từ thành thị đến nông thôn những năm trở lại đây đã thay đổi đáng kể. Các khu đô thị phát triển rộng khắp trên toàn quốc, đặc biệt dạng nhà chung cư cao tầng, nhà ống, nhà liền kề, biệt thự phát triển mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về sinh hoạt của người Việt, từ đó dẫn đến thay đổi đáng kể về vị trí, vai trò và chức năng của ban (bàn) thờ gia tiên. Sự thay đổi không chỉ về kiểu dáng, vị trí mà sự thay đổi từ lõi của cấu trúc chính là nhận thức vai trò và phản ánh tầm quan trọng của tục thờ cúng tổ tiên. Từ việc nhận thức chưa đúng hoặc vì nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhìn nhận sai lệch đang và sẽ tiếp tục diễn ra.

Hội quán Di sản đã đưa ra khảo sát trong hơn 2 năm điền dã, khảo cứu thực tế từ thành thị đến nông thôn cho thấy gia chủ rất chú trọng từ việc nghiên cứu vị trí, lựa chọn kiểu dáng, thiết bị... của ban (bàn) thờ gia tiên. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, nhận thức của từng gia đình, đa phần đều mong muốn có một không gian tín ngưỡng Tốt - Đẹp nhất thể hiện đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn - tri ân đấng sinh thành - thờ cúng tổ tiên...” thể hiện đạo Hiếu và phát huy truyền thống giáo dục đã được kế thừa qua nhiều thế hệ và mong muốn cũng như ứng xử liệu đã phát huy đúng với truyền thống. 

Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập “mối liên hệ” giữa người sống với người chết. Là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Với người Việt Nam, chết chưa phải là hết, tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh người sống, “như tại” trên bàn thờ mỗi gia đình, động viên, trợ giúp cho con cháu trong cuộc sống thường ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam trong quá trình hình thành, tồn tại đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước. Vì thế tín ngưỡng thờ cúng tổ có thể nói là vĩnh hằng cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. 

Hiếu với tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ còn được nâng lên cao hơn, đẹp hơn, đó là “hiếu với dân, với nước”. Các diễn giả cũng khẳng định rằng, trong đời sống xã hội hiện đại, đã có thời kỳ người ta nghĩ đơn giản rằng xã hội càng phát triển, khoa học kỹ thuật càng tiến bộ thì con người càng bớt đi niềm tin vào thế giới vô hình, con người sẽ sống tỉnh táo hơn, khoa học hơn. Có lẽ điều này chỉ đúng một phần, vì thế khi thế giới càng chia nhỏ rành mạch, con người càng mở rộng tầm nhìn thì những khoảng trống, những điều chưa thể giải thích càng lớn. Đó là điều bí ẩn của thế giới tâm linh, đặc biệt là mối liên hệ ràng buộc vô hình nào đó giữa những người cùng dòng máu. Vì thế càng ngày tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên càng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người Việt Nam, nó là một trong những nhân tố góp phần quan trọng để bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tập tục mang đậm nét văn hoá của người Việt.

Xin chữ ngày nay

Khi bàn về tục xin và cho chữ của người Việt, Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng cho biết, tục xin chữ - cho chữ truyền thống bị lãng quên gần hết thế kỷ XX, bởi Nho học như là một cản trở cho công cuộc Tây hóa và kinh dinh đất nước. Những ông đồ cho chữ, những người xin chữ vắng đi khắp nơi từ thị thành đến thôn quê, cứ tưởng tục tập này sẽ bị chôn vùi không có cơ may tái xuất hiện trong đời sống đương đại. Vậy mà hơn ¼ thế kỷ qua, sự trở lại một cách mãnh liệt của tục xin chữ - cho chữ, như làm dấy lên một trào lưu mới của học hành - thi cử, ai cũng mong muốn có được nhiều con chữ hơn để lập nghiệp khi vào đời. 

Hiện nay, đông đảo nhất khi đến Văn Miếu xin chữ là lứa tuổi học trò, đặc biệt là học sinh lớp 12. Các em thường đi thành tốp, hoặc theo cha mẹ để bậc phụ huynh chứng kiến nghi thức này, có khi chính cha mẹ chủ động và thuyết phục con em tiến hành một cách trọng thể tục xin chữ, mà cho đó là dấu hiệu của sự thành đạt sắp tới. 

Có một sự thật là, người đi xin chữ, khi đứng trước các thầy đồ, thường lúng túng, không biết nên xin thầy chữ gì? Thầy cũng ngỡ ngàng với người xin chữ, và cách duy nhất là người xin chữ nêu ý tưởng và mong muốn trong tương lai, từ đó người cho chữ tìm cho người xin chữ, những chữ có thể thích hợp, để thầy phóng bút. Theo truyền thống, thì chữ Hán được ưa thích nhất, bởi nghĩa sâu xa của nó; nhưng đến nay chữ Nôm cũng rất thông dụng trong tục xin chữ - cho chữ, và chữ Việt, bằng nhiều thể chữ đã và đang được những người xin chữ - cho chữ thể hiện.

Theo Uyên Nguyễn - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng