Tạp chí Sông Hương -
Di sản văn hóa và phát triển bền vững
09:05 | 07/03/2019

Di sản văn hóa đã trở thành khái niệm quen thuộc tại Việt Nam, tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, trên thế giới, khái niệm này đã được hiểu rộng hơn, và cách hiểu mới ấy kéo theo nhận thức lại về nghiên cứu và bảo tồn di sản nước ta. Theo đó, nếu được bảo tồn bền vững, di sản văn hóa sẽ có những đóng góp phục vụ cho phát triển.

Di sản văn hóa và phát triển bền vững

Trụ cột của phát triển bền vững

Tại Tọa đàm khoa học “Văn hóa và phát triển”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức chiều 5.3, khi trình bày về chuyên đề “Di sản văn hóa và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay”, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho biết: Tháng 9.2015, Liên Hợp Quốc đã đưa ra “17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030” để thay thế cho “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”. Trong các mục tiêu phát triển mới, di sản văn hóa được xác định là một trụ cột của phát triển bền vững. Mục tiêu 11.4 kêu gọi tất cả các nước trên thế giới làm cho các thành phố và khu vực sinh sống của con người trở nên toàn diện, an toàn, thịnh vượng và bền vững thông qua việc tăng cường bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên của loài người. Sự thay đổi mang tính đột phá về mô hình và mục tiêu phát triển sang hướng mang tính nhân văn và sinh thái hơn của Liên Hợp Quốc; đồng thời cũng đòi hỏi phải có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về chức năng, vai trò cũng như nội hàm của di sản văn hóa trong sự phát triển bền vững của loài người.

Trong nhận thức mới, di sản văn hóa - sản phẩm sáng tạo của con người - không chỉ đóng vai trò mang tính quyết định đem lại sự phát triển kinh tế bao trùm, giúp xóa đói giảm nghèo, tạo ra sự thịnh vượng về mặt kinh tế, mà còn là nền tảng tạo ra sự gắn kết xã hội, bảo đảm sự phát triển bình đẳng, nhân văn và có bản sắc. “Nhận thức được đầy đủ hơn về vai trò, chức năng của di sản văn hóa cũng đồng thời đòi hỏi phải mở rộng nội hàm khái niệm di sản văn hóa. Di sản văn hóa, theo cách hiểu đầy đủ hơn, không còn chỉ đơn thuần là các di sản vật thể đơn lẻ (một ngôi đình, một cái nhà cổ...) hay di sản văn hóa phi vật thể, mà còn nhiều khía cạnh khác như các cảnh quan văn hóa, các thành tố lịch sử, thành tố văn hóa có tính tương liên, đặc biệt là hệ các thực hành văn hóa phi vật thể (tri thức địa phương, vũ trụ quan sinh thái, tinh thần tương thân, tương ái, nhân văn, lễ hội, nghi lễ, phong tục...)” - PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm khẳng định.

Từ cách hiểu về di sản rộng mở như vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hành di sản văn hóa và nghiên cứu, bảo tồn di sản hiện nay cũng cần được nhìn nhận lại. GS.TS. Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nhận định: Có thể thấy, các khía cạnh của cuộc sống đều có văn hóa, và cần được nghiên cứu “chân tơ kẽ tóc”, được đầu tư cả về kinh phí và con người. Từ nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra chính sách phù hợp, tránh tình trạng “không quản được thì cấm”.

Bảo tồn và phát triển

Nói về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Quốc Hưng cho rằng: Hiện có 2 xu hướng, bảo tồn nguyên trạng, hoặc bảo tồn phát huy. Với ngành du lịch còn có quan niệm bảo tồn khai thác, đưa di sản văn hóa vào cuộc sống, đóng góp cho kinh tế - xã hội. Trong quá trình đó, lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời phát huy giá trị của nó phù hợp với thực tiễn.

“Hiện nay, các cơ quan quản lý văn hóa dường như chưa theo kịp cách nhìn mới về di sản, nên vẫn bảo tồn theo cách truyền thống: Bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn kế thừa và bảo tồn phát triển” - PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm đánh giá. Bảo tồn phát triển đã được đặt ra, nhưng trong thực tế, bảo tồn di sản văn hóa chưa gắn bó chặt chẽ với phát triển bền vững. Các cơ quan quản lý chủ yếu bảo tồn di sản ở khía cạnh cấp bách, để di sản không mất đi, trong khi bảo tồn mở hiện nay là làm cho địa phương, cộng đồng có di sản chung sống được, coi đó là một phần cuộc sống và giữ di sản một cách tự nhiên.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm cũng chỉ ra thực tế: Một số di sản văn hóa khi được UNESCO và Nhà nước công nhận thì sức sống không còn như trước, hoặc hơn trước nhưng lại thiếu bền vững. Ví dụ, với dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản đã bị thương mại hóa, mất đi tính tinh hoa. Nhiều cộng đồng bị “ngoài lề hóa” với chính di sản của mình và họ không có hoạt động gìn giữ nó. Vì thế, “Nhà nước hóa” hoặc “hành chính hóa”, “sân khấu hóa”... góp phần làm cho sức sống của di sản văn hóa thiếu bền vững.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chính, Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, Đảng ta đã xác định văn hóa và đa dạng văn hóa là nguồn lực phát triển. Quan điểm này có sự tương đồng với Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, chúng ta chưa đưa được văn hóa như một nguồn lực phát triển. Do đó, cần nghiên cứu tính đa dạng của văn hóa, bảo tồn và sử dụng nó như tri thức bản địa, lối sống, di sản... phục vụ phát triển bền vững. PGS. TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam góp ý: Cần kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu quản lý, mở rộng và cố gắng bao trùm nhiều lĩnh vực của văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển.

Theo Ngọc Phương - DBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng