Tạp chí Sông Hương -
Ngô Quyền với sự nghiệp trung hưng đất nước
09:23 | 26/03/2019

Ngày 25/3, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Ngô Quyền với sự nghiệp trung hưng đất nước” mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 - 2019).

Ngô Quyền với sự nghiệp trung hưng đất nước
Các đại biểu tại Hội thảo.

Dấu ấn linh thiêng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Xuân Quý khẳng định: “Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ “đồng hóa” của chủ nghĩa Đại Hán tộc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam.

Chiến thắng đó đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý, nhất là nghệ thuật đánh bại quân xâm lược ngay từ cửa ngõ đất nước. Đồng thời, chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở có ý nghĩa quyết định để mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa - kinh đô của Nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944”.

Ông Ngô Văn Quý cũng cho biết, trải qua 1.080 năm, để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến vị Vua, vị Tổ Trung hưng của đất nước, từ đó, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tự chủ, tự cường và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống kiên cường của các thế hệ ông cha, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai kế hoạch nghiên cứu và phát huy giá trị các nguồn tư liệu liên quan đến Ngô Quyền tại Cổ Loa.

Tại Hội thảo, theo khẳng định của các chuyên gia văn hóa về quê hương của Ngô Quyền, đa số các nhà khoa học đều nhất trí là ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nhưng bên cạnh đó một số ý kiến chưa thống nhất, cho rằng quê hương ông ở Đường Lâm (Thanh Hóa). Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và đưa đến kết luận khi có đầy đủ chứng cứ khoa học.

Về chiến thắng Bạch Đằng năm 938, các bài tham luận đều đánh giá cao trận chiến lẫy lừng đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, giành lại nền độc lập tự chủ cho đất nước. Các đại biểu cho rằng việc Ngô Quyền xưng vương, đóng đô, đặt quan chức, triều nghi thời ấy tuy còn đơn giản, nhưng có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Ông là người tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X, người có những đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc.

Về những di sản liên quan đến Ngô Quyền, Hội thảo cho thấy khối thư tịch cổ viết về Ngô Quyền không nhiều. Dấu tích, chứng tích về Ngô Quyền cũng rất ít ỏi. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, tiến hành điều tra và thống kê những nơi thờ Ngô Quyền, những di tích và dấu tích liên quan đến ông tại Cổ Loa, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ...

Còn đó những băn khoăn

Tuy nhiên, tại Hội thảo vẫn còn đó những băn khoăn. Theo TS Lưu Minh Trị- Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội, cần sớm xây dưng công trình lịch sử - văn hóa về Ngô Quyền trong Khu di tích Cổ Loa. Bởi Hà Nội hiện nay có 2 nơi thờ Ngô Quyền. Ở quê hương và ở nới ghi dấu chân hành quân của ông. Còn trên Cổ Loa, nơi Ngô Quyền sau khi đánh tan quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng – Hải Phòng, rồi lên ngôi Vua và đóng đô từ năm 938 đến năm 944. “Thế mà, nới đây không còn dấu tích gì về Ngô Quyền và họ Ngô. Thiết nghĩ, chúng ta, cần phải khắc phục thiếu sót này cho lịch sử. Theo tôi, nên cần sớm tạo dựng công trình lịch sử - văn hóa về Ngô Quyền”- ông Trị đề nghị. 

Có thể thấy, công lao của Ngô Quyền đã được nhiều nơi lập đền thờ tưởng nhớ. Hiện nay ngoài vùng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) có đền và lăng thờ Ngô Quyền thì còn có gần 50 nơi khác có liên quan đã lập đền thờ tưởng nhớ Ngô Quyền và triều đại Ngô Vương, trong đó nhiều nhất thuộc vùng đất Hải Phòng (34 di tích), ngoài ra tại Thái Bình (3 di tích), Hà Nam (1 di tích), Phú Thọ (1 di tích), Hưng Yên (3 di tích). Tuy nhiên, tại mảnh đất Cổ Loa lịch sử, nơi Ngô Quyền chọn để định đô cho triều Ngô đến nay vẫn chưa có một công trình nào tưởng niệm ông.

Về việc xây đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa, trước đó, GS. Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tại cuộc Hội thảo khoa học “Ngô Vương Quyền với Cổ Loa” tổ chức năm 2014, đã từng nhấn mạnh: “Không chỉ xây dựng tượng đồng, bia đá, đền đình mà nhà tưởng niệm Ngô Vương phải là một công trình tầm cỡ, vĩ đại và có quy mô”. Một khu di tích lưu niệm về Ngô Quyền trong quần thể di tích Cổ Loa là việc cần sớm triển khai để ghi nhận công lao của Vị Tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam, người chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc và mở đầu kỷ nguyên độc lập của các vương triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê… 

Theo Hoàng Minh - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng