Tạp chí Sông Hương -
'Nỗi buồn chiến tranh' của Bảo Ninh phát hành tại Trung Quốc
14:22 | 04/04/2019

Tiến sĩ Văn học Hạ Lộ chuyển ngữ, tổ chức các tọa đàm giới thiệu tác giả tại Trung Quốc.

'Nỗi buồn chiến tranh' của Bảo Ninh phát hành tại Trung Quốc
Bìa cuốn "Chiến tranh ai ca".

Tiểu thuyết được dịch sang tiếng Trung với tên gọi Chiến tranh ai ca, do Nhà xuất bản Văn nghệ Hồ Nam phát hành từ cuối tháng 3. Sách có giá 48 nhân dân tệ (165 nghìn đồng).

Người chuyển ngữ cuốn sách - Hạ Lộ - là tiến sĩ Văn học của Đại học Bắc Kinh - ngôi trường hàng đầu Trung Quốc. Bà nhiều năm nghiên cứu văn học Việt Nam, mối liên hệ giữa văn học Việt Nam, Trung Quốc. Hạ Lộ từng tổ chức một số buổi tọa đàm về cuốn sách Nỗi buồn chiến tranh, giới thiệu tác giả Bảo Ninh, nội dung và giá trị của sách. Hạ Lộ đánh giá Nỗi buồn chiến tranh vượt qua những chuẩn mực truyền thống trong phong cách nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam, mang giá trị lớn về tư tưởng, nghệ thuật.

Trước khi xuất bản, cuốn sách này từng được các trường như Đại học Bắc Kinh, Đại học Nhân dân... giới thiệu trong chương trình giảng dạy. Một số tạp chí từng đăng trích đoạn của tiểu thuyết. Nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa bình luận: "Đọc một mạch hết tiểu thuyết, suy nghĩ đầu tiên của tôi là nếu tác phẩm không ra đời ở Việt Nam, ngôn ngữ mẹ đẻ không phải tiếng Việt mà là Anh, Pháp hay Đức thì nó sẽ rực rỡ, gây tiếng vang đến mức nào trên thế giới".

Trên diễn đàn sách Douban, không ít độc giả đánh giá cao tác phẩm. "Cuốn sách theo lối tự truyện. Có những đoạn sinh động đến mức tôi cảm tưởng đang xem một phim tài liệu. Lần đầu đọc tác phẩm của nhà văn Việt Nam, hay ngoài sức tưởng tượng của tôi", tài khoản Hubuhui viết.

"Bảo Ninh đâu có viết về chiến tranh, ông viết về những điều ông biết. Tôi mong sách tên là 'Chiến tranh ca', chứ không phải ai oán hay không ai oán", một độc giả khác chia sẻ cảm nghĩ.

Nỗi buồn chiến tranh in lần đầu năm 1987 với tên Thân phận của tình yêu. Năm 1991, tác phẩm được tặng Giải thưởng hội Nhà văn Việt Nam. Sách được dịch sang nhiều thứ tiếng như Anh, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Ba Tư...

Theo Nghinh Xuân - vnexpress

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng