Tạp chí Sông Hương -
Trường học hạnh phúc sẽ đẩy lùi bạo lực học đường
09:19 | 11/04/2019

Tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Xây dựng trường mầm non hạnh phúc và nói không với bạo lực học đường, diễn ra sáng 9.4, chuyên gia giáo dục Đan Mạch, PGS. Jette Eriksen khẳng định, để đẩy lùi bạo lực học đường, chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục với những phương pháp sư phạm đầy nhân văn và thân thiện với trẻ, kết hợp quan điểm của trẻ em trong tất cả những gì chúng ta làm.

Trường học hạnh phúc sẽ đẩy lùi bạo lực học đường

Nguyên nhân từ nhiều phía

Những năm gần đây, vấn đề bạo hành trẻ em tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng nhiều, với nhiều mức độ khác nhau, từ tinh thần (mắng, đe nạt, dọa dẫm) đến bạo hành thể chất (đánh đập, cấu véo). Bạo hành trẻ em không chỉ xảy ra ở những giáo viên mới ra trường mà cả những giáo viên công tác lâu năm, giáo viên đang làm việc ở các trường công lập mà cả giáo viên làm việc ở các trường dân lập, tư thục.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay, trong đó, có thể kể đến như sĩ số học sinh quá tải, nhiều lớp từ 50-60 học sinh/1 lớp mà chỉ với 2-3 giáo viên phụ trách. Cùng với áp lực dạy học, thu nhập giáo viên mầm non còn tương đối thấp, một số giáo viên chưa thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn về nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật, tăng động,... Chưa kể, hiện nay, một số cha mẹ đưa con đến lớp đưa ra những yêu cầu mang tính định lượng cao như con tôi phải tăng cân,  con tôi phải học giỏi, con tôi phải luôn sạch sẽ, gọn gàng... vô hình chung gây áp lực cho cả hệ thống giáo viên đến nhà quản lý, từ đó, dẫn đến bạo hành trẻ em.

Hậu quả từ bạo hành tác động lên trẻ vô cùng nghiêm trọng, PGS. Jette Eriksen, chuyên gia giáo dục Đan Mạch khẳng định, trẻ bị bao lực về thể xác hoặc tinh thần sẽ thường có cái nhìn sai lệch về bản thân, thu mình lại, học tập không tập trung, khó khăn trong việc nhận biết cảm giác nhu cầu bản thân, thậm chí, nguy cơ cư xử hung bạo với chính người khác. “Khi người lớn - người đáng lẽ phải bảo vệ trẻ lại là người bạo hành trẻ, từ đó, trẻ có thể sẽ không có cảm giác an toàn trong các mối quan hệ tình cảm và cảm giác này có thể tiếp diễn đến thế hệ tiếp theo”, PGS. Jette Eriksen nói.

Thay đổi nhận thức và hành động

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có vị trí hết sức quan trọng trong việc hình thành tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ và nhân cách của trẻ. Trong bối cảnh toàn ngành đang triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT thì việc đổi mới để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non sẽ tạo nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và quá trình học tập suốt đời.

Tuy nhiên, để xây dựng một môi trường sư phạm đầy nhân văn, nói  không với bạo lực học đường, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, điều tiên quyết đầu tiên, chính các thầy cô giáo - người trực tiếp chăm sóc trẻ hàng ngày phải có năng lực, kĩ năng sư phạm, phải yêu nghề, yêu trẻ, phải có lòng kiên nhẫn và phải có kĩ năng ứng xử sư phạm. Ông Aoki Daisuke, Tổng giám đốc Hệ thống giáo dục mầm non Shopro Nhật Bản chia sẻ, hiện nay, các trường mầm non của Nhật Bản đều có các chương trình đào tạo nhân viên chăm sóc, giáo dục trẻ theo từng vị trí công tác khác nhau và theo các cấp độ khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao, chú trọng đến phát triển năng lực nghề nghiệp và thái độ làm việc của nhân viên, giáo viên. “Chúng tôi luôn cho rằng, giáo viên có trái tim ấm áp mới có thể nuôi dạy những đứa trẻ luôn có trái tim ấm áp, hạnh phúc”, ông Aoki Daisuke nói.

Cùng với đó, cha mẹ cũng là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Do đó, ở Nhật Bản, cha mẹ phải học tập rất nhiều để có thể nuôi dạy con đúng cách... Ông Aoki Daisuke cho biết, các trường học ở Nhật thường tổ chức các buổi tọa đàm về kinh nghiệm nuôi dạy con, tổ chức các sinh hoạt chung để gắn kết gia đình và nhà trường trong việc nuôi dạy con. Tại hệ thống giáo dục Shopro, nhà trường thường gửi các tập san hàng kỳ về cho gia đình, từ đó, cha mẹ sẽ có nhiều thông tin về những nội dung con đang được học tại trường, cũng như những gợi ý cho cha mẹ có thể mở rộng giáo dục tại nhà.

Như vậy, có thể nói, muốn có một trường mầm non hạnh phúc để mang đến tình yêu thương ấm áp và phát triển tiềm năng trí tuệ của trẻ đòi hỏi sự nỗ lực, thay đổi trong tư duy và hành động của toàn xã hội, trong đó cần lấy trẻ là trung tâm của mọi hoạt động giáo dục. “Nếu thế hệ chúng ta có thể coi việc roi vọt, ép ăn là bình thường, thì thế hệ này đã khác, hành động đó không còn là phù hợp nữa, vì vậy, tất cả chúng ta cần phải thay đổi, phải làm khác đi. Chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục với những phương pháp sư phạm đầy nhân văn và thân thiện với trẻ, kết hợp quan điểm của trẻ em trong tất cả những gì chúng ta làm”. Cùng với đó, chuyên gia giáo dục Đan Mạch PGS. Jette Eriksen  cũng cho rằng, để ngăn chặn bạo hành trẻ em ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý giáo dục cần kiểm soát chất lượng và đánh giá các tổ chức giáo dục ít nhất một lần một năm.

Theo Khải Minh - DBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng