Tạp chí Sông Hương -
'Tự tình cùng cái đẹp' - tùy bút cuối của Chu Văn Sơn
09:22 | 23/04/2019

Sách của nhà phê bình khơi gợi tình yêu cuộc sống qua những vẻ đẹp giản dị, nhân văn.

'Tự tình cùng cái đẹp' - tùy bút cuối của Chu Văn Sơn

Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn qua đời ngày 18/4 tại Hà Nội ở tuổi 58. Nhắc tới ông, người ta nhớ ngay tới một tấm lòng trĩu nặng với thơ ca. "Người thơ phong vận như thơ ấy" (trích bài Xuân đầu tiên), chút thi hứng của Hàn Mặc Tử có thể xem như vần điệu dành tặng Chu Văn Sơn.

Nhưng với Chu Văn Sơn, cái đẹp không chỉ tồn tại trong thế giới thơ ca. Là người cởi mở và hào sảng, ông rất thích trò chuyện, chia sẻ với mọi người về mọi góc cạnh của cuộc sống. Trong giờ lên lớp, thỉnh thoảng thầy Sơn kể cho sinh viên nghe những kỷ niệm về quãng đời giáo, về những lần đi đó đây, cùng nhiều trải nghiệm của một kiếp người.

Những cảm thức đẹp ấy đã được nhà phê bình ghi lại trong tập tùy bút Tự tình cùng cái đẹp. Trên trang viết của ông, dù là đình đền, chùa tháp nguy nga hay ngọn cỏ ven đường đều là hiện thân của cái đẹp. Ông viết như một cách khơi gợi mọi người chiêm ngưỡng chúng qua trang sách, từ đó soi lại chính mình.

Cái đẹp trong tâm thức của một người hay ngẫm ngợi

Một nhành bằng lăng tím, vài mẩu ký ức đơn sơ về cánh cò thuở bé trên đồng quê... hay một Angkor cổ kính uy nghi, một Đà Lạt mộng mơ như ảo ảnh, một nước Italy thơ mộng và rất tình, đều mang đến nhà phê bình Chu Văn Sơn những cảm thức khác nhau về cái đẹp.

Với Chu Văn Sơn Angkor mang trong mình những đối cực của cái đẹp. Ngoài ý nghĩa biểu thị cho văn hóa, tôn giáo và quyền lực, khu quần thể lịch sử của Campuchia còn là minh chứng hùng hồn cho sự khéo léo của đôi bàn tay con người. Cả nghìn, cả vạn đôi bàn tay thợ giỏi đã tụ hợp về đây để tạo nên kiệt tác.

Angkor trong mắt Chu Văn Sơn mang một vẻ đẹp sống động và luôn khao khát tái sinh. Cây cỏ, rêu phong, đất đá như hòa vào làm một. Nếu những đình đền tượng tháp kia không có rêu phong để hòa hợp, thì vẻ cổ kính, hoang sơ cũng trở nên nhạt nhòa và giả tạo. Tác giả rất ấn tượng về một cây cổ thụ ở nơi này. Dù chỉ còn một chút cội rễ, vẫn kiên cường vươn lên, để mấy trăm năm sau lại là cây lớn, huy hoàng bên những vũ điệu của đất đá và thời gian.

Vẻ đẹp còn là cánh cò trắng phau phau, nơi đồng Màng quê nhà thuở nhỏ. Có chú bé lũn cũn đi học trường làng, không may sa xuống ổ trâu, bị một cái bóng trắng dọa cho chết khiếp. Tưởng là ma, nào ngờ là cánh cò kiếm ăn buổi sớm, nghe tiếng động liền hốt hoảng bay lên.

Làng xưa có gốc đa già, cành lá sum suê. Ở nơi ấy, bầy cò vẫn thường trú ngụ. Đi học về, ngửi trên vành mũ còn mùi nước dãi cò tanh lòm, ngoài chiếc áo phòng không để tránh máy bay, từng vệt phân cò trắng xóa. Thế rồi, cây đa bị chặt mất, bầy cò trắng cũng đi đâu, những thương nhớ chỉ còn trong kí ức.

Xuyên suốt Tự tình cùng cái Đẹp là một dòng văn khoan thai, có chút âm hưởng trầm buồn phảng phất. Không cần nói về văn chương hay thi ca, người đọc vẫn thấy hình ảnh một Chu Văn Sơn quen thuộc, lãng mạn, hào sảng và đầy chiêm nghiệm.

Sự cẩn trọng, chi tiết của một nhà phê bình văn học dường như đã ngấm vào máu của ông. Với Chu Văn Sơn, nhìn ngắm không chỉ bằng mắt mà là sự cảm nhận để thấy được chiều kích của cái đẹp. Dù là một bông lau nhỏ, một nhánh bằng lăng trước nhà, hay thành phố Venezia (cách viết khác của Venice) đều mang sự mỹ lệ đa chiều.

Cái đẹp với nhà phê bình Chu Văn Sơn không chỉ để ngắm, để thưởng thức. Trên hết, cái đẹp là để yêu thương, để đánh thức phần thiện lương và chôn vùi những phần "ma quỷ" bên trong con người. Nếu biết yêu cánh cò trắng thanh khiết, hiền lành hãy biết thương thân cò yếu ớt, dễ dàng bị người ta nhổ lông, xẻ thịt. Nếu biết yêu hoa mơ, hoa ban dịu dàng của miền Tây Bắc, hãy biết thương đồi núi ngàn xanh, thương Mẹ Thiên Nhiên oằn mình gánh nặng.

Yêu phải đi liền với thương, đó mới là nhân từ và văn hóa. Yêu mà không thương chỉ là chút mê mải, hời hợt bề ngoài. Đó là điều nhà phê bình Chu Văn Sơn muốn gửi tới bạn đọc qua Tự tình cùng cái Đẹp..

Theo Quỳnh Anh - Vnexpress

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng