Tạp chí Sông Hương -
Trụ sở Tòa soạn Báo Tiếng Dân được công nhận là di tích cấp tỉnh.
14:16 | 26/04/2019

Sáng ngày 26/4, Sở văn hóa Thể thao phối hợp với Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố Quyết định Trụ sở Tòa soạn Báo Tiếng Dân là di tích cấp tỉnh.

 Trụ sở Tòa soạn Báo Tiếng Dân được công nhận là di tích cấp tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho Bảo tàng Lịch sử

Ngày 4/6/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 1225/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) trụ sở tòa soạn báo Tiếng Dân là di tích cấp tỉnh. Đây là bước đi quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử này.

Chủ tịch UBND Tỉnh Phan Ngọc Thọ tham quan di tích


Trụ sở tòa soạn báo Tiếng Dân được phân ra thành 2 khu: Khu tòa soạn hướng ra đường Đông Ba (đường Huỳnh Thúc Kháng hiện nay) và khu nhà in hướng ra đường Gia Long (nay là đường Phan Đăng Lưu). Trải qua thời gian dài, di tích được sử dụng làm nơi ở của các hộ dân thuộc khu tập thể Trường đại học Y Dược Huế, việc cải tạo di tích làm nơi sinh sống một phần đã làm biến dạng, mất đi yếu tố gốc ban đầu của di tích.

Trụ sở tòa soạn báo Tiếng Dân tại đường Huỳnh Thúc Kháng


Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ông Cao Huy Hùng - giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế cho biết : “Bảo tàng sẽ tiến hành lập dự án phục dựng lại một số hạng mục công trình theo hiện trạng ban đầu gồm: Biển hiệu báo Tiếng Dân, làm lại cửa đi và một số nội thất bên trong di tích, đồng thời cho tháo dỡ phần cơi nới của các hộ dân sống trong di tích sau 1975 cũng như lắp dựng bia giới thiệu, biển chỉ dẫn đến di tích, cắm mốc, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, tham quan tìm hiểu di tích”.

Khu nhà hai tầng của tòa soạn báo Tiếng Dân hướng ra đường Phan Đăng Lưu


Về lâu dài, Bảo tàng Lịch sử sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, đề xuất phương án xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, xây dựng nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa với chức năng giao lưu trao đổi, nghiên cứu, dịch thuật... về các vấn đề lịch sử văn hóa Huế, miền Trung - Tây Nguyên.

 

Ngày 10/8/1927, Báo Tiếng Dân ra số báo đầu tiên do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút. Đây là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ ra đời đánh dấu một sự kiện lịch sử quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam

Báo Tiếng Dân là nơi tập hợp tiếng nói của các lực lượng có tinh thần dân tộc, dân chủ của tầng lớp trí thức tiểu tư sản miền Trung trong cuộc đấu tranh đòi độc lập, dân chủ ở Việt Nam nửa đầu thể kỷ XX. Hoạt động liên tục từ 1927 đến 1943, báo Tiếng Dân trở thành tờ báo lâu năm nhất (17 năm) đã ra được 1.766 số, phản ánh những sự kiện lịch sử diễn ra ở Trung Kỳ.

Mặc dù ra đời muộn hơn so với báo chí miền Nam và Bắc, song báo Tiếng Dân có vai trò trong việc công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Qua báo Tiếng Dân, Cụ còn công bố nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Báo Tiếng Dân có ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội ở miền Trung và cả nước với sự cộng tác của nhiều nhà trí thức có tinh thần dân tộc như Đào Duy Anh, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng