Tạp chí Sông Hương -
Điệu múa Sạp và 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
15:54 | 06/05/2019

65 năm qua điệu múa Sạp để lại cho ta một ấn tượng đẹp về ngôn ngữ múa, về giai điệu nhạc.

Điệu múa Sạp và 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều người đã từng xem và tham gia múa Sạp – còn được gọi là điệu múa "Cây tre Việt Nam" – rất thịnh hành trong kháng chiến chống Pháp, sôi nổi, tha thiết, vừa hùng tráng vừa trữ tình.

Tiền thân, Sạp là điệu múa dân gian có từ lâu đời của dân tộc Mường. Bà con Mường Hòa Bình, Mường Thanh Hóa và các tỉnh miền Tây Bắc, vào những đêm trăng, thường rủ nhau đi múa Sạp. “Đạo cụ” múa thì chỉ đơn giản có hai khúc tre dài thẳng tắp, không có mấu. Hai bạn múa ngồi xuống lấy dóng tre đập vào nhau, vừa đập vừa hát dân ca Mường theo nhịp 4/4. Vào giữa khoảng cách chừng một sải tay đó của hai dóng tre, có hai bạn khác – tất nhiên là một đôi nam nữ - cùng nhau nhảy múa. Nhảy theo nhịp hát 4/4 đã đành, và nhảy làm sao cho hai dóng tre kia không dập phải chân mình, đó mới là điều quan trọng. Và cứ thế, mà thay nhau dập tre và nhảy múa hàng tiếng đồng hồ không biết mệt.

Cho đến những ngày hội được mùa thì quang cảnh múa Sạp lại tưng bừng khác thường. Trên bãi rộng, dưới ánh trăng, không phải là một cặp gậy tre đập vào nhau mà là mấy chục cặp gậy tre thi nhau gõ nhịp trong đêm thâu. Và không phải là một đôi múa trong mỗi cặp tre mà là năm bảy đôi trai tài gái sắc cùng nhảy vào mỗi cặp tre, các bạn đó sẽ mặc sức trổ ra những ngón múa tài hoa nhất, thi nhau bay lượn trên những dóng tre ngà. Phụ họa vào đấy là tiếng chiêng tiếng trống, càng làm tăng độ dồn dập của nhịp 4/4 cố hữu.

Sòn sòn sòn đô sòn

Sòn sòn sòn đô rê…

Cho đến năm 1954, đoàn văn công Tây Bắc với sự tham gia tích cực của các nhạc sĩ và nghệ sĩ như: Mai Sao, Hoàng Bội, Thúc Hiệp… cùng đội múa đã có công chỉnh sửa và nâng cao điệu Sạp lên và được về tham dự Hội diễn nghệ thuật toàn quân lần thứ nhất tổ chức ở Thái Nguyên.
 
Người xem ngạc nhiên nhìn thấy nhiều đội hình mới xuất hiện: Hàng ngang, hàng dọc, vòng tròn sinh động. Các cặp trai gái cầm tay nhau bay lượn trên Sạp. Các chị tay quạt, tay khăn, động tác thuần thục và hấp dẫn. Điệu nhẩy hòa vào nhạc xòe Thái, càng làm tăng thêm tính hấp dẫn của múa Sạp. Nhạc và múa ăn ý nhau càng làm cho nội dung của tiết múa nổi bật lên ý nghĩa tình đoàn kết Thái Mường, đoàn kết trong nghệ thuật cũng như trong quan hệ đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Sự ra mắt của Sạp được ban giám khảo và người xem trong hội diễn hoan nghênh nhiệt liệt.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn Ca múa Tổng cục chính trị bàn cách nâng cao điệu múa Sạp lần thứ hai. Lần này các nghệ sĩ Trần Minh, Doãn Khôi, Minh Hiền cùng đội múa đảm nhiệm để chuẩn bị đưa Sạp về chào mừng Thủ đô giải phóng. Các nghệ sĩ ấy đã không phí công khi múa Sạp đã được nâng lên một bước mới. Có múa đôi, múa từng tốp và múa tập thể trên Sạp. Có cả xòe Thái, có người đánh đàn, có cả anh bộ đội mặc áo trấn thủ vừa chiến thắng trở về. Sân khấu lộng lẫy hẳn lên vì những bộ trang phục mới, áo xiêm rực rỡ; đội hình múa càng phức tạp được nâng lên với phần nhạc được cải tiến phong phú. Cho đến phần cuối tiến mục, khi điệu múa càng dồn dập khẩn trương và những đoạn tre ngà dơ lên cao như lớp lớp rừng tre trung điệp – rừng che bộ đội, rừng vây quân thù, thì quần chúng hò reo tán thưởng, tiếng vỗ tay kéo dài không dứt.

Các đoàn múa hát Việt Nam mỗi lần đi biểu diễn nước ngoài đều không quên mang theo Sạp, tiết mục độc đáo, cây tre anh hùng bất khuất Việt Nam. Mỗi chuyến đi như vậy, Sạp lại được cải tiến, bổ sung thêm vài chi tiết nhỏ. Múa Sạp đã có mặt ở Campuchia, Italy, Pháp, Nhật Bản... Khỏi phải nói, bạn bè các nơi đều đánh giá Sạp, coi nó là tiết mục độc đáo, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lại vừa lạc quan trữ tình.

Cái đẹp của múa Sạp chưa dừng lại ở đấy. Người trong nghề gọi nó là tiết mục đã định hình, nhưng vẫn còn nhiều đất tốt, nhiều khả năng để phát triển và nâng cao múa Sạp.

Cuối cùng, một câu hỏi được đặt ra: Ai là tác giả chính của điệu múa vui nhộn khéo léo hấp dẫn này? Tác giả của điệu múa này không phải là của một cá nhân nào cả mà nó là sáng tác dân gian, được tập thể sáng tạo nâng lên nhân chiến thắng Điện Biên Phủ. Phần thưởng của múa Sạp thuộc về đồng bào Mường, đồng bào Thái, thuộc về tập thể anh chị em múa trong và ngoài quân đội. Với những người đã trải qua cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống thực dân Pháp, và cả những người trong thời đại hiện nay, 65 năm qua điệu múa Sạp để lại cho ta một ấn tượng đẹp về ngôn ngữ múa, về giai điệu nhạc. Đó là tiết mục dân tộc mà hiện đại, đã hay và còn hay mãi…

Theo NS Dân Huyền - VOV

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng