Tạp chí Sông Hương -
Ngắm nhìn những bức tranh minh họa của “Hoàng tử bé”
14:55 | 08/05/2019

Rất nhiều thập kỉ trôi đi, tiểu thuyết Hoàng tử bé của nhà văn, phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry vẫn sống trong lòng độc giả các thế hệ, soi chiếu và làm sáng rỡ những ngõ ngách sâu thẳm của con người.

Ngắm nhìn những bức tranh minh họa của “Hoàng tử bé”

Hoàng tử bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince), được xuất bản năm 1943, là tiểu thuyết nổi tiếng và duy nhất của Antoine de Saint-Exupéry. Ông đã viết cuốn sách khi sống tại ngôi biệt thự The Bevin House ở Asharoken, New York, Long Island. Trong bản thảo gốc, chính tác giả Saint-Exupéry tự tay vẽ minh họa cho truyện. Tác phẩm đến nay được dịch sang hơn 260 ngôn ngữ, phương ngữ và bán được hơn 200 triệu bản khắp thế giới, trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.

Hoàng tử bé còn được phát triển thành sê ri truyện tranh, dựng thành phim hoạt hình, hay chính cuốn sách trở thành tài liệu cho những người muốn làm quen ngoại ngữ.

Ngay sau khi Hoàng tử bé được in ra, tháng 4 năm 1943, Saint-Exupéry, khi ấy 43 tuổi, đã xếp bản thảo gốc cùng các hình minh họa vào một cái túi giấy màu nâu, đưa cho người bạn gái Silvia Hamilton. “Tôi những muốn tặng cô những thứ đẹp đẽ và quý giá. Nhưng đây là tất cả những gì tôi có”, ông nói. Sau đó ông khởi hành đến Algiers gia nhập vào lực lượng Không quân tự do Pháp. Bấy giờ, Saint-Exupéry vượt quá tám tuổi so với giới hạn quy định cho độ tuổi phi công quân sự, nhưng ông đã không ngừng thỉnh cầu được xem xét ngoại lệ rồi được tướng Dwight Eisenhower đồng ý. Năm 1944, Saint-Exupéry tham gia một nhiệm vụ trinh sát và không bao giờ quay trở lại. Ông mất khi vừa tròn 44 tuổi – một sự kết nối kì lạ với cuốn truyện của ông, khi hoàng tử bé ngồi trên hành tinh nhỏ, ngắm mặt trời lặn 44 lần.

Nhiều năm sau, người ta tìm thấy các mảnh vỡ từ máy bay của Saint-Exupéry. Một ngư dân gần Brussilles đã nhặt được chiếc vòng tay bạc, trên đó có khắc tên Saint-Exupéry, tên vợ, địa chỉ nhà xuất bản Mĩ, địa chỉ của ông và dòng chữ NYC USA.

Sau khi Saint-Exupéry qua đời hai năm, Hoàng tử bé mới được xuất bản tại Pháp. Ở Mĩ, cuốn sách cũng mang tới thành công vừa phải, trong khi đó những cuốn hồi kí hàng không khác cùng thời đều nằm trong danh sách bán chạy một thời gian dài. 

Khi nhìn lại những bình luận đầu tiên về Hoàng tử bé, thật ngạc nhiên khi biết rằng nó đã không nhận được sự chào đón nồng nhiệt như là một câu chuyện ngụ ngôn tuyệt vời, mà thay vào đó, nó khiến độc giả bối rối. Họ cho rằng, Hoàng tử bé thuộc phạm trù những điều kì quặc, khó hiểu, mộng mơ, chỉ xảy ra trong thế giới tưởng tượng dưới hình thức của một câu chuyện trẻ con nhưng lại hàm chứa tính ngụ ngôn triết lí cho người lớn. Trong số những nhà phê bình thời đó, chỉ có P.L. Traver – tác giả người Anh, nổi tiếng với bộ truyện thần thoại Mary Poppins, là người thực sự nắm bắt được các chiều cạnh, tầm quan trọng của Hoàng tử bé.

Qua thời gian, sự ngưỡng mộ với Hoàng tử bé ngày càng nhiều lên và nó đã thực sự trở thành một tác phẩm kinh điển. Tuy nhiên ý nghĩa rộng lớn của tác phẩm này luôn làm dấy lên sự băn khoăn rằng thực ra Hoàng tử bé viết về điều gì là chính: chiến tranh, chính trị, tình yêu, tình bạn, sụp đổ suy tàn hay những tín hiệu lạc quan tích cực…

Năm 1968, Thư viện Morgan ở New York - nơi lưu giữ những kho báu tranh ảnh, bản thảo gốc của các nghệ sĩ nổi tiếng - có được bản thảo gốc của Hoàng tử bé.

Năm 2014, Bảo tàng này tổ chức một triển lãm mới trưng bày những bản thảo gốc của Saint-Exupéry đã bị tác giả loại đi trong bản thảo cuối cùng. Bản thảo chứa 30.000 từ, gần gấp đôi số từ trong cuốn sách được xuất bản và cả những bản vẽ minh họa bằng màu nước nguyên bản ít được biết đến của ông trong các văn bản khác.

Gần đây nhất, năm 2018, Thư Viện và Bảo Tàng Morgan lại tổ chức triển lãm khác tiết lộ những bức minh hoạ gốc của Saint-Exupéry.

Điều khiến Saint-Exupéry trở thành một nhà văn độc đáo bởi vì ông là một trong số những nhà văn hiếm hoi tự vẽ minh họa cho các tác phẩm của mình, cùng với các nhà văn khác như Maurice Sendak, J.R.R. Tolkien và Maira Kalman. Hình ảnh và câu chữ trong câu chuyện luôn bổ sung ý nghĩa và có giá trị ngang nhau, truyền cảm hứng cho nhau để làm nên một vẻ đẹp với những giá trị dịu dàng nhân văn về ý nghĩa cuộc sống.

Những bức tranh gốc đều in dấu cá tính con người Saint-Exupéry. Sinh thời, ông có thói quen kì quặc không điều độ: luôn làm việc hiệu quả vào ban đêm, luôn kè kè tách cà phê hoặc trà và điếu thuốc vắt vẻo trên miệng. Do vậy, vết cà phê, tàn thuốc có thể vương vấn trên bản thảo đầu tiên củaHoàng tử bé này.

Cuộc triển lãm tại Thư Viện và Bảo Tàng Morgan còn trưng bày tấm ảnh tác giả Hoàng tử bé do phóng viên John Phillips chụp khi khai thác về nguồn cảm hứng tạo nên tác phẩm:

“Khi tôi hỏi Saint-Exupéry, Hoàng tử bé đã bước vào cuộc sống của ông ấy như thế nào, ông ấy nói với tôi rằng một ngày ông nhìn xuống thứ mà bình thường ông chỉ nghĩ là một tờ giấy trắng, và bỗng nhiên nhìn thấy một hình hài nhỏ bé. “Tôi đã hỏi xem cậu ấy là ai”, Saint-Exupéry nói. Và hình hài kia trả lời: “Tôi là Hoàng tử bé”.

Đó là giây phút đầu tiên để nhân vật Hoàng tử bé ra đời và sau đó bằng vẻ tinh tế lạ lùng nhân vật này đã cuốn hút, chinh phục không chỉ tâm hồn trẻ thơ mà tâm hồn tất cả người trưởng thành. Không hề có một ranh giới nào giữa trẻ con và người lớn khi tiếp cận tác phẩm này. Hoàng tử bé sẽ luôn chiếu sáng, bằng cách nào đó, len lỏi, kiên trì và tỏa rạng đến tâm hồn mỗi chúng ta…

* Một số minh họa gốc của tác giả:

Theo Bảo Hân - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng