Tạp chí Sông Hương -
Ứng xử với bảo vật quốc gia
15:02 | 08/05/2019

Tính đến đầu năm 2019, qua 7 đợt công nhận theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đang sở hữu 164 hiện vật, nhóm hiện vật được tôn vinh là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề ứng xử với các bảo vật quốc gia đang tồn tại nhiều số bất cập, nhất là tình trạng can thiệp thô bạo với không ít hiện vật khiến dư luận bất bình.

Ứng xử với bảo vật quốc gia
Bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” bị hư hỏng nặng do thiếu hiểu biết trong công tác bảo quản.

Tắc trách hay thiếu hiểu biết?

Theo quy định để được công nhận, bảo vật quốc gia phải là những hiện vật, nhóm hiện vật đảm bảo các tiêu chí là hiện vật gốc độc bản; hiện vật có hình thức độc đáo. Đồng thời hiện vật phải có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu, hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại. Hoặc hiện vật phải là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên... Có thể thấy, dù hình thức và nội dung tư tưởng có khác nhau thì tựu chung lại mỗi bảo vật đều gìn giữ và truyền tải một hay nhiều thông điệp và đã thực sự đi vào cuộc sống. Thế nhưng, đằng sau việc vinh danh các bảo vật thì cách thức bảo vệ đang bị chính những người trực tiếp quản lý, bảo quản tác động một cách thô bạo. 

Năm 2014, bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) bị xâm phạm chỉ ngay trước thềm lễ công nhận bảo vật. Nguyên nhân chỉ vì muốn “tân trang” bia “sạch sẽ” trước ngày vinh danh Ban quản lý di tích đã thuê một tốp thợ “làm sạch” bia bằng cách dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt... Kết quả là những nét cổ kính rêu phong của tấm bia cổ bị xóa sạch, không thể phục hồi. Hay trước đó ở Thanh Hóa, vạc đồng Cẩm Thủy từ thời Lê Trung Hưng, sau khi được công nhận là bảo vật quốc gia lại bị bỏ lăn lóc ở hành lang Bảo tàng Thanh Hóa khiến dư luận rất bức xúc. Chưa kể câu chuyện hai trong số ba khẩu thần công của triều Nguyễn do ngư dân Hà Tĩnh phát hiện tại một con tàu bị chìm dưới đáy biển, khi giao nộp cho chính quyền địa phương và được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013, chỉ có một khẩu đưa trưng bày và bảo quản trong phòng có cửa khóa cẩn thận, còn lại hai khẩu đặt trên đế gỗ tạm bợ, nằm chỏng chơ ngoài hành lang của Bảo tàng Hà Tĩnh…

Đặc biệt, mới đây là vụ việc bảo quản bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của cố danh họa Nguyễn Gia Trí tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã một lần nữa đặt ra một câu hỏi đây là sự tác trách hay thiếu hiểu biết của nhà quản lý? Bởi với một đơn vị có quy mô như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM thì việc giao bảo quản một bảo vật quốc gia cho một người thợ sửa sơn mài không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài là điều vô cùng khó hiểu. Theo đó, người bảo quản đã dùng nước rửa chén, bột chu, giấy nhám can thiệp quá mức bề mặt tranh. Do bị tác động vào bề mặt, tác phẩm mất đi lớp sơn bề mặt nên sự uyển chuyển, tinh tế liên kết giữa các mảng son, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng trong tranh Nguyễn Gia Trí đã không còn giữ được. Về góc độ vật chất, tác phẩm hư hại khoảng 15%, do các mảng vỏ trứng trơ ra, các mảng dát vàng bị mài mòn, mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, mất đi sự uyển chuyển giữa mảng và nét. Được biết, bức tranh này được UBND TPHCM mua với giá khoảng 100.000 USD vào năm 1990 và trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Tranh được trưng bày và lưu giữ từ đó đến nay tại đây. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí là bảo vật quốc gia.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trở lại vấn đề ứng xử với bảo vật quốc gia, thì sau một sự việc xảy ra lại là một sự tiếc nuối của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và cả người dân. Tuy nhiên, với những bài học “nhãn tiền” đó dường như với nhiều đơn vị, đặc biệt với nhiều địa phương vẫn chưa rút ra được những kinh nghiệm sâu sắc. Hiện tượng “mạnh ai nấy làm”, thậm chí “thích gì làm nấy” đã vô tình đẩy một số bảo vật quốc gia rơi vào tình trạng khóc dở, dở cười như hiện nay. Theo quy định của Luật Di sản những bảo vật quốc gia sau khi được công nhận thì bên cạnh gắn với danh hiệu còn đi liền với chế độ “bảo quản đặc biệt”. Do đó, điều kiện cần và đủ ở nơi được giao trọng trách lưu giữ bảo vật cần phải xác định thái độ trân trọng, bảo vệ đúng cách. Thế nhưng dường như sau niềm vui vinh danh nhiều bảo vật đã bị bỏ quên. 

Cùng với đó, có một thực tế là nhiều địa phương đến nay vẫn chưa đáp ứng ngay những yêu cầu cao của việc bảo tồn, gìn giữ những hiện vật vô giá này. Ngoài ra, tình trạng bảo vật được công nhận nhưng quá ít người biết đến. Nguyên do là hầu hết các bảo vật tại các điểm di tích chưa có biển chỉ dẫn hoặc giới thiệu. Người dân và du khách đến di tích chỉ tham quan, lễ Phật… chứ ít biết đến các bảo vật quý có trong di tích để chiêm ngưỡng thật kỹ. Chính bởi thiếu thông tin nên nhiều người đứng trước bảo vật quốc gia mà không hay biết đó là báu vật vô giá.

Xung quanh vấn đề này, TS Phạm Quốc Quân- thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam cho rằng: “Với những bất cập ở các địa phương, di tích hay ngay cả các bảo tàng thay vì sử dụng nguồn kinh phí tổ chức những buổi lễ đón nhận hoành tráng, tốn kém chúng ta nên dùng nó để bảo quản và phát huy những bảo vật quốc gia sao cho thật hiệu quả”. TS Phạm Quốc Quân cũng gợi ý chúng ta có thể xây dựng một quỹ tu bổ hoặc một mô hình trưng bày riêng để nhận diện, tôn vinh dành riêng cho bảo vật quốc gia. Nhiều nước đã làm cuốn sách hoành tráng, hấp dẫn về cổ vật của Việt Nam để bán và đều có sức lan tỏa, kinh doanh cũng rất tốt. “Khi được tôn vinh, ghi nhận thì vinh dự phải gắn kèm theo trách nhiệm và phải có đủ điều kiện để giữ gìn bảo vật ấy. Ở nước ngoài, các bảo vật quốc gia hàng năm có kinh phí riêng dành cho bảo quản, có chế độ bảo vệ đặc biệt”- TS Phạm Quốc Quân nói. 

Có thể thấy, muốn bảo vệ tài sản vô giá của quốc gia được trường tồn với thời gian cần phải có cơ chế bảo quản, chăm sóc đặc biệt cùng những ứng xử mẫu mực và chuẩn khoa học. Bên cạnh các giải pháp tối ưu để bảo vệ thì công tác tuyên truyền, quảng bá cần được tiến hành thường xuyên và sâu rộng. Ở đó việc xuất bản các ấn phẩm giới thiệu thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật quốc gia để cộng đồng nhận thức đúng giá trị và có ý thức trách nhiệm chung tay gìn giữ có lẽ là việc không “quá khó” với nhiều địa phương.     

Theo Minh Quân - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng