Tạp chí Sông Hương -
100 năm ngày sinh Huy Cận: Lửa còn thiêng
14:53 | 31/05/2019

Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá Huy Cận là người đem tâm nguyện “làm bục nhảy đưa sự sống lên cao”. Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu có dịp quần tụ nhớ về hồn thơ Huy Cận dịp 100 năm ngày sinh của ông.

100 năm ngày sinh Huy Cận: Lửa còn thiêng
Nhà thơ Huy Cận-người mang nỗi sầu thế kỷ

NHÀ THƠ HUYỀN THOẠI

Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ lão thành cách mạng Cù Huy Cận sáng 30/5. Tới dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng nhiều vị lãnh đạo.

Cù Huy Cận sinh ngày 31/5/1919 trong gia đình nhà nho nghèo, ở làng Ân Phú, Hương Sơn, Hã Tĩnh. Ông theo học trung học ở Huế, đậu tú tài Pháp rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Huy Cận sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm 1942 Huy Cận tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh, tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào năm 1945, được bầu và Ủy ban Giải phóng (Chính phủ lâm thời).

GS. Hà Minh Đức nhận định Huy Cận là một trong những nhà thơ gắn liền với huyền thoại. Sau cách mạng, Huy Cận là một trong những nhà thơ gánh nhiều trọng trách. Cách mạng tháng Tám thành công, ông là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (cùng Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu) vào Huế tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Huy Cận nhận chức Bộ trưởng Bộ Canh nông khi mới 28 tuổi, sau này ông làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Huy Cận cũng là một nhà thơ được ở gần Bác Hồ, được kết nạp và tôn vinh là Viện sĩ Viện thơ thế giới, từng là Đại biểu quốc hội ba khóa. Huy Cận nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt 1 năm 1996. Năm 2005 ông được truy tặng Huân chương Sao vàng-phần thưởng cao nhất ghi nhận đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.

Là người đáp từ cuối cùng, con gái nhà thơ Huy Cận kể về những kỷ niệm đời thường của cha mình. Đó là những lần những người lạ không hề quen biết từ miền Trung ra Hà Nội chữa bệnh đến gặp xin Huy Cận giúp đỡ, đơn giản vì họ chỉ biết đến nhà thơ mà không quen ai khác. “Với khả năng của mình cha tôi không từ chối một ai. Ông thường nói về họ: Thật tội nghiệp quá”, Cù Lệ Duyên nói. Sau này với những ngày cuối đời của Huy Cận, con gái ông vẫn nhớ lời cha: “Không được khóc, phải ngẩng đầu lên xem ai đến tiễn đưa cha mình để còn cám ơn”.

100 năm ngày sinh Huy Cận: Lửa còn thiêng - ảnh 2

Buổi hội thảo lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Cù Huy Cận Ảnh: MINH CHÂU

LỬA CÒN THIÊNG

Nhiều nhà phê bình nhất trí gọi Huy Cận là Kiện tướng Thơ Mới. Danh xưng này dựa vào các sáng tác sớm và thành công trong Lửa thiêng (1940), Vũ trụ ca (1942). GS. Phong Lê dẫn lại đánh giá của Hoài Thanh (Thi nhân Việt Nam) để định công cho Huy Cận: “một trong không hơn 5 người có công đầu định hình gương mặt Thơ mới, cũng là thơ Việt nói chung, ở đỉnh cao và kết thúc của nó”.

Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Nhắc Huy Cận người ta không quên nhớ đến Lửa thiêng. Nhớ Lửa thiêng ai cũng bảo đó là thế giới của nỗi buồn. Với nỗi buồn ấy Huy Cận đã đưa Thơ Mới lên đỉnh cao và kết thúc trên cái đỉnh cao đó. Từ Hoài Thanh cho đến hôm nay, nhận định đó được coi như chúng khẩu đồng từ. Huy Cận xác nhận điều đó trong bài Mai sauChàng Huy Cận khi xưa hay buồn lắm/Gió trăng ơi! nay còn nhớ người chăng/Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng/Nỗi hưu quạnh của hồn buồn không cớ”.

Cách đây một năm Hữu Thỉnh có nhiều đúc kết, nhận định rất hay về Nguyễn Bính dịp kỷ niệm 100 năm sinh, thế mà đối với Huy Cận ông ít có nhận xét sắc sảo vốn có. Dù vậy Hữu Thỉnh vẫn chỉ ra giá trị của Lửa thiêng: “Hồn dân tộc trong Lửa thiêng rạo rực, đằm thắm, tha thiết bao nhiêu ở trong điệu cảm, trong cảnh vật, trong ngôn ngữ. Chúng ta gọi Huy Cận là một nhà thơ lớn là ở cái công nuôi dưỡng và truyền lại cho chúng ta chất Việt sâu thẳm đó”.

Nhà phê bình Lê Thành Nghị đồng quan điểm khi đi sâu phân tích hồn quê, hồn dân tộc trong thơ Nguyễn Bính và Huy Cận. Ông đem Nguyễn Bính ra so sánh với Huy Cận để thấy một Nguyễn Bính lo âu với chân quê, hồn quê bị mai một, còn “Huy Cận hướng đến những cảm hoài bao la về nhân thế và vũ trụ, là linh hồn của nỗi buồn trời đất với tâm trạng ngậm ngùi tiền kiếp… Thơ Huy Cận trong Lửa thiêng vượt qua lối giãi bày kể lể của cá nhân trước những khát khao trần thế, để sang địa hạt của những linh cảm, cõi hư vô của tâm thức…”.

Trong số gần chục tham luận về Huy Cận, Vũ Quần Phương như thường lệ đưa lại những nhìn nhận tổng quan, sâu sắc về sự nghiệp thơ. Ông cho rằng ngay từ Lửa thiêng xuất bản năm ông 21 tuổi, Huy Cận lập tức được giới yêu thơ nhất trí tôn vinh ông là một tài năng lớn. Sự nhất trí sớm này không có ở Xuân Diệu, Chế Lan Viên hay Hàn Mặc Tử.

“Huy Cận tìm lại mình” là tựa đề bài viết của Vũ Quần Phương, ở đó có lúc ông thẳng thắn nhận xét: Sau thành tựu Thơ Mới, Huy Cận cũng như nhiều Kiện tướng Thơ mới khá lúng túng trong thay đổi nội dung và bút pháp để rồi “hăng hái viết nhưng chất lượng thơ xuống quá. Thấy nhiệt tình, thực tế nhưng ít thấy xúc động”. Mấy bài lục bát hơi hướng ca dao ghi chép sinh hoạt hàng ngày như Quanh nơi làm việc với những câu thơ “khó có thể tin rằng tác giả của những câu lục bát này lại là người từng viết Lửa thiêng-cũng lục bát mà nỗi niềm chất chứa trong từng chữ, quánh đặc, u ẩn, trĩu nặng cả không gian trong Chiều xưaĐồn xa quằn quại bóng cờ/Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về/Ngàn năm sực tỉnh lê thê/Trên thành son nhạt chiều tê cúi đầu”.

Từ khi tham gia cách mạng, Huy Cận viết ít hơn, sau này theo giải thích của chính Huy Cận, đó là “bản lĩnh im lặng”. “Đọc lại cả đời thơ của lứa nhà thơ xuất hiện từ phong trào Thơ Mới ấy, Huy Cận là nhà thơ có ít nhất những bài thơ non lép trong chặng “nhận đường” và “lột xác”-hai khái niệm của giới văn nghệ đầu kháng chiến chống Pháp.

Lần theo cả sự nghiệp sáng tác, Vũ Quần Phương chỉ ra thời điểm Huy Cận lấy lại cảm hứng hay nói cách khác “thơ về với Huy Cận từ chuyến đi thâm nhập thực tế đời sống công nhân vùng mỏ than Hòn Gai, Cẩm Phả đầu năm 1958”. Trời mỗi ngày lại sáng in cuối năm này ghi dấu cho bước chuyển thắng lợi của Huy Cận. “Đến Đoàn thuyền đánh cá bạn đọc yêu thơ Huy Cận nhận diện được ngay hồn vía của tác giả Lửa thiêng lồng trong một Huy Cận cởi mở, tươi vui, hồn hậu: Thuyền ta lái gió với buồm trăng/Lướt giữa mây cao với biển bằng”.

Theo Nguyên Khánh - TP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng