Festival múa đương đại Hà Nội 2019 dành cho các biên đạo trẻ tài năng, khuyến khích ý tưởng mới, hợp tác đa ngành giữa biên đạo trong nước và quốc tế, cùng nhiều nghệ sĩ làm việc tại các bối cảnh văn hóa khác nhau. Đây là cơ hội để khán giả Việt Nam khám phá những giá trị thẩm mỹ được truyền tải qua múa đương đại.
Khơi nguồn sáng tạo
Tháng 7.2018, Viện Goethe hợp tác cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) và Học viện Múa Viện Nam tổ chức Trại hè Múa và Âm nhạc, dưới sự hướng dẫn của nhà soạn nhạc, đạo diễn nhạc kịch Heiner Goebbels và đồng Giám đốc Nghệ thuật, NSƯT Trần Ly Ly. Đây là chương trình đầu tiên dành riêng cho các biên đạo, nghệ sĩ múa, nhạc sĩ và nhạc công tài năng người Việt trẻ tuổi. Tiếp sau sự kiện này, dự án của các biên đạo Nguyễn Duy Thành, Huy Trần, Vũ Ngọc Khải và nghệ sĩ múa Hoàng Lan Phương tiếp tục được Viện Goethe hỗ trợ sản xuất để ra mắt khán giả trong Festival múa đương đại - Hanoi Dance Fest 2019. Đây là lần đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ biên đạo trẻ tài năng (dưới 34 tuổi) của Việt Nam, hội tụ cùng các biên đạo Pháp và Scotland trên cùng một sân khấu.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội Emmanuel Labrande, múa đương đại là một bộ môn nghệ thuật tuyệt vời, nếu ngôn ngữ là rào cản thì cử chỉ sẽ thay thế ngôn từ. Do đó, những trao đổi nghệ thuật trong lĩnh vực múa cũng trở nên dễ dàng. Màn trình diễn của các nghệ sĩ sẽ cho thấy múa đương đại ngày nay vượt qua ranh giới của vũ đạo như thế nào. “Đó là bộ môn nghệ thuật dễ dàng chia sẻ, chạm đến khán giả và sự hợp tác cùng thực hiện festival này nhằm đem lại kết quả đẹp đẽ. Chúng ta cùng băng qua đường biên giữa các quốc gia để thấy rằng múa đương đại không chỉ là chuyển động mà là một thứ rất liên đới đến rất nhiều giá trị văn hóa”.
6 tác phẩm tại Liên hoan năm nay hứa hẹn mở ra những đường dẫn công chúng đến gần hơn với nghệ thuật múa đương đại đang dần trở nên thân thuộc. Trong đó, có nhóm nghệ sĩ lựa chọn thể nghiệm chất liệu, như “Khối bất kỳ” của Baydanc Group lấy cảm hứng từ chất liệu thùng carton và chất kết dính băng keo, cơm... Sự chuyển động của các mảng khối và âm thanh ngẫu hứng là cách nghệ sĩ tạo ra mối liên hệ tự nhiên giữa con người và tự nhiên. Tác phẩm “Đa chiều” của Huy Trần nhằm mở ra cho công chúng những điểm nhìn khác nhau về cùng một vũ đạo, sự kết hợp giữa hiệu ứng thị giác với những chiều kích biên thiên bao gồm không gian, âm nhạc, ánh sáng, dàn cảnh và thiết kế sân khấu. Hay “Đáy giếng” của Vũ Ngọc Khải là hành trình người Việt tìm kiếm căn tính, vượt qua những thách thức văn hóa và soi rọi chính mình trong mối tương quan với tự nhiên. “Female” của biên đạo James Sutherland (Scotland) bàn về mối quan hệ không theo chuẩn tắc và những gì tưởng lệch chuẩn ở bên ngoài hóa ra lại hợp chuẩn ở bên trong, từ đó khám phá khả năng hay sự bất khả của mối quan hệ bền vững…
Chắp cánh tài năng
Giám đốc VNOB, NSƯT Trần Ly Ly nhớ lại cách đây nhiều năm, sau khi học tập ở nước ngoài về, chị chỉ là một diễn viên, biên đạo múa bình thường, nhưng nhờ những sân chơi đương đại mà tên tuổi nghệ sĩ được nhiều người biết đến. “Tôi từng tham gia nhiều chương trình múa đương đại như một nghệ sĩ độc lập. Sau đấy, năm 2017, Viện trưởng Viện Goethe gặp tôi và nói rằng chúng ta hãy làm điều gì đó khác đi. Chúng tôi ngồi bàn, suy nghĩ rất lâu, làm việc trong một thời gian dài để có thể tạo ra một sân chơi nghệ thuật đúng nghĩa, bắt đầu từ việc tập hợp các biên đạo trẻ, các nhạc sĩ, nghệ sĩ múa... để họ gặp nhau, cùng làm gì đó. Hanoi Dance Fest 2019 là một sân chơi như vậy”.
Kỳ vọng nghệ sĩ có thể đi vào căn tính văn hóa nhưng biết vượt khỏi biên giới đó, cùng trải nghiệm, chia sẻ trải nghiệm về căn tính hay nhân dạng của chính mình, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam Wilfried Eckstein cho rằng, nghệ thuật múa luôn đề ra thách thức để thông diễn, để hiểu. Một vở múa luôn đem đến nhiều hơn một câu chuyện, bằng rất nhiều cửa ngõ, cánh cổng để ngỏ và nghệ sĩ tài năng là người biết liên tục thông diễn điều đó. Như vậy, Hanoi Dance Fest 2019 sẽ không chỉ là câu chuyện về múa đương đại mà sử dụng cơ thể để đặt ra câu hỏi, đưa ra câu trả lời.
Huy Trần, Xuân Lê, Nguyễn Duy Thành, Vũ Ngọc Khải... đều ít nhiều thành danh trong nước và quốc tế. Những tác phẩm của họ, bởi vậy, có thể giúp soi chiếu, đánh giá xu hướng phát triển của múa đương đại Việt Nam. Một xu hướng dễ thấy là nghệ sĩ trẻ tìm về giá trị văn hóa truyền thống. Như Nguyễn Duy Thành với “Thán”, lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng và cách điệu chính ngôn ngữ hình thể của loại hình này, hay “Đáy giếng” của Vũ Ngọc Khải... “Xuyên qua những thử thách văn hóa, soi rọi chính mình, cuộc tìm kiếm bản ngã con người cá nhân sẽ được diễn đạt bằng ngôn ngữ của múa đương đại và âm nhạc dân tộc. Chất liệu Á Đông, chất liệu Việt và ngôn ngữ châu Âu sẽ cùng hòa trộn để tôi sáng tạo, làm nên màu sắc”, nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải chia sẻ.
Bằng cách gặp gỡ, thể hiện mình trên cùng sân khấu, các nghệ sĩ trẻ sẽ có cơ hội nhìn lại, chuẩn bị những bước tiếp theo. NSƯT Trần Ly Ly nhận định, đó chính là hình ảnh “tre già măng mọc”, để thế hệ các bạn trẻ bây giờ mở ra con đường mới, rộng hơn, hay hơn trong tương lai.