Nhà văn giành giải Nobel 2015, Svetlana Alexievich vô cùng ngạc nhiên khi đạo diễn phim truyền hình của HBO đến xin phép sử dụng tư liệu từ cuốn Voices From Chernobyl (Lời nguyện cầu từ Chernobyl) để tái hiện lại sự thật lịch sử qua bộ phimChernobyl.
“Tôi đã nói với người đại diện của mình rằng họ sẽ làm một bộ phim. Tôi không tin lắm. Lúc đó, điều duy nhất thuyết phục tôi là kinh phí” - nhà văn cười và nói với phóng viên của đài phát thanh RFE.
Bộ phim gồm 5 phần, kể về vụ tai nạn thương tâm tại nhà máy điện hạt nhân Ukraina. Khoảng 1 giờ sáng ngày 26/4/1986, nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat bất ngờ phát nổ. Theo ước tính của giới khoa học, lượng bức xạ phát tán sau vụ nổ nhiều gấp 400 lần quả bom nguyên tử mà quân đội Mĩ thả xuống thành phố Hiroshima năm 1945.
“Bộ phim thực sự đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Có một điều gì đó mang tính thẩm mĩ đã chạm vào ý thức hiện đại. Đó là nỗi sợ, là nguyên nhân và cũng là vẻ đẹp. Có điều gì đó làm tôi cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi có quá nhiều thứ khó hiểu”.
Svetlana Alexievich nói thêm rằng, những người đồng bào Belarus của bà đã chịu nhiều hậu quả từ bụi hạt nhân rơi vào không khí. Đám mây bụi phóng xạ khổng lồ từ Chernobyl đã lan sang nhiều vùng, gồm phía tây Xô Viết, Đông - Tây Âu, Scandinavie, Anh và thậm chí cả miền đông nước Mĩ. Đây được coi là thảm họa nhân tạo kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại.
Đạo diễn bộ phim đã đặc biệt hợp tác với những người trẻ tuổi Belarus. “Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bạn trẻ xem Chernobyl. Họ cùng nhau xem trong các câu lạc bộ và thảo luận về bộ phim. Mỗi người có một suy nghĩ, đánh giá khác nhau, trong đó vấn đề về môi trường được quan tâm rất nhiều. Thông qua lăng kính điện ảnh, những người trẻ sẽ hiểu hơn về cuộc sống chúng ta”.
Trong khi đó, cuốn sách của Alexievich cũng nhận được đánh giá cao từ đạo diễn Craig Mazin: “Tôi đã đúc rút thông tin lịch sử và khoa học từ nhiều nguồn, đặc biệt Lời nguyện cầu từ Chernobyl của nhà văn Alexievich luôn là cảm hứng để mang cái đẹp và nỗi buồn vào bộ phim.
Từ những món đồ nội thất, thùng rác thời Liên Xô cũ cho đến các bộ trang phục, đều được nhà văn miêu tả chính xác đến từng chi tiết. Thậm chí tôi cũng đã sử dụng nguyên văn nhiều đoạn hội thoại trong cuốn sách”.
Nhà văn Alexievich nói rằng nhân vật nữ Khomyuk chỉ có ý nghĩa đơn giản là chống lại Valery Legasov – người được cho là “dọn dẹp” sau cuộc thảm họa. Theo bà, bộ phim cần có một người lãnh đạo là nữ giới. Tính nữ và thế giới của phụ nữ là một điều rất quan trọng. Một người phụ nữ có khả năng phát hiện ra sự kết nối với mọi thứ. Nếu phim có sự kết hợp đó thì sẽ rất thú vị.
Không chia sẻ nhiều về những tranh cãi sau khi bộ phim được công chiếu, Alexievich tin rằng HBO cũng đã tạo ra một tác phẩm truyền hình kinh điển với thông điệp mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức con người. “Quan trọng nhất, tôi muốn mọi người xem bộ phim và suy nghĩ về thế giới của chúng ta – nơi có những mối nguy tương tự như vậy đang bủa vây. Trí thông minh nhân tạo, robot… Đó thực sự là một thế giới hoàn toàn mới”.
Tháng 6/2019, kênh HBO ra mắt bộ phim truyền hình Chernobyl như lời cảnh báo đến nhân loại ở thế kỷ XXI. Bộ phim đã nhận được nhiều nhận xét tích cực trên báo chí và mạng xã hội từ lần đầu tiên được phát sóng. Nhà văn Belarus, Svetlana Alexievich, cũng là nạn nhân trực tiếp của thảm họa này. Bà dành 3 năm để phỏng vấn hơn 500 người trực tiếp liên quan đến vụ nổ hay những nhân chứng sống sót. Kết quả là tác phẩm Lời nguyện cầu từ Chernobyl ra đời, đóng góp tích cực vào những thành tựu giúp bà được Giải Nobel Văn học năm 2015. |
Theo Nguyễn Linh - VNQĐ