Tạp chí Sông Hương -
Trùng tu đình làng - Có tâm, có tiền là chưa đủ
08:08 | 04/07/2019

Thời gian qua, không ít ngôi đình sau khi tu bổ đã bị biến dạng, thêm hoặc thay mới tùy tiện; thậm chí có những ngôi đình được trùng tu một cách khoa học, nhưng sau đó vẫn bị can thiệp làm mất đi yếu tố gốc. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm phản khoa học, hủy hoại các di tích cổ…

Trùng tu đình làng - Có tâm, có tiền là chưa đủ
Đình Trần Đăng - Ảnh: KTS. Lý Trực Dũng

Trùng tu tốt, giữ gìn khó

Làng xã có sớm, nhưng đình làng - ngôi nhà cộng đồng - phải đến thế kỷ XVI mới được xây dựng. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Thế kỷ XVII, các làng xã đất rộng người thưa, chỉ khoảng 100 người/làng; đến những năm 1930, ở đồng bằng Bắc Bộ, dân số mới lên đến 300 người/làng. Như vậy, ngôi đình là sản phẩm đóng góp không nhỏ của nhân dân các làng. Đình được các nhà nghiên cứu xác định có 3 thời kỳ xây dựng chính là thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Cho đến nay chỉ còn lại vài ngôi đình ở thế kỷ XVI, như Tây Đằng, Lỗ Hạnh, Trường Phiêu, Thanh Lũng…

Thường qua khoảng 300 năm, trong điều kiện nóng ẩm của Việt Nam, gỗ tốt cũng bị tiêu hủy. Do đó, để các ngôi đình đứng sừng sững nhiều thế kỷ, trước đây, vài chục năm đến trăm năm, các làng phải duy tu cho bền chắc, thay thế những chỗ mục hỏng. KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, phương pháp truyền thống của các cụ ngày xưa là không bao giờ làm mới toàn bộ, hỏng đâu thay đấy, từ những chi tiết nhỏ nhất. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều ngôi đình trùng tu sai, trùng tu ẩu, kém hiệu quả. Có những ngôi đình được hạ giải để trùng tu nhưng lại giống như đập đi xây mới; một số đình làng dùng sơn đỏ công nghiệp sơn lại toàn bộ hoặc một phần… làm mất vẻ đẹp của di tích.

Không những vậy, như đình làng Chu Quyến tuy được trùng tu và từng nhận giải thưởng về Bảo tồn di sản của Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2010) hay đình Trần Đăng (xã Hòa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội) bảo tồn tối đa yếu tố nguyên gốc nhờ trùng tu không cần hạ giải (năm 2009)... thì việc giữ gìn nét đẹp di sản sau đó vẫn là thách thức. Với đình Chu Quyến, các ngôi nhà cao tầng đã vươn cao hơn mái đình, cảnh quan đình làng đang bị phá vỡ bởi xu hướng đô thị hóa. Hay với đình Trần Đăng, sau khi trùng tu, những người quản lý đã xây dựng thêm tiền tế với mái tôn đỏ rực choán hết lối vào (hiện mái tôn đã được tháo dỡ nhưng khung sắt vẫn giữ nguyên), rồi gắn thêm máng thoát nước ngay trên mái… Vì thế, di sản đã trùng tu, nhưng ứng xử với di sản như thế nào cũng cần được quan tâm.

Hiểu biết thì đình còn

 Đình làng ra đời với ba chức năng: Thờ Thành Hoàng làng, trụ sở hành chính và tổ chức hội lễ. Ngô Thì Nhậm viết: “Trời lấy đình để nuôi muôn vật. Đất lấy đình để chứa muôn loài. Người ta lấy đình làm nơi tụ họp”. Có nhà nghiên cứu cho rằng, đình làng và điêu khắc đình làng là sản phẩm duy nhất nói rõ tính cách Việt. Trong đó, điêu khắc đình làng là phần quan trọng, xác định vai trò văn hóa nghệ thuật của ngôi đình đối với văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, đến mức, người ta nhìn thấy ở đó sự thuần Việt, phi tôn giáo, hơn các công trình kiến trúc và điêu khắc khác.

Thời gian qua, việc trùng tu một số di sản nhận được sự quan tâm rất lớn của không chỉ nhà chuyên môn, nhà quản lý, mà còn cả dư luận xã hội. Thực tế, đã có những công trình đình làng được trùng tu một cách khoa học, giữ được tối đa yếu tố nguyên gốc, nhưng chỉ là số ít, còn trùng tu ẩu, sai thì nhiều.

Là người trực tiếp tham gia thi công trùng tu đình Trần Đăng, KTS. Lý Trực Dũng cho rằng: Bảo tồn trùng tu di tích là vấn đề khoa học liên quan đến các lĩnh vực kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật, không tương đồng với sửa chữa nhà cửa. Công tác trùng tu phải dựa trên công tác khảo cổ, nghiên cứu, đánh giá, lập hồ sơ đầy đủ trước khi can thiệp vào di tích. Bảo tồn, trùng tu ưu tiên sử dụng các vật liệu, chất liệu truyền thống và các quy trình kỹ thuật thi công truyền thống, hạn chế càng nhiều càng tốt sự can thiệp vào di tích. Bởi vậy, khi trùng tu đình Trần Đăng, một giàn giáo đặc biệt chống đỡ gần một nửa mái đình đã được thiết kế và thi công tại chỗ, giúp thợ mộc thay được câu đầu, cột cái, kèo xó… mà không cần hạ giải, hạn chế ảnh hưởng đến yếu tố gốc.

Mỗi đình làng là kho lịch sử, gửi gắm biết bao tình cảm, trí tuệ của tổ tiên, cần được gìn giữ. Tuy nhiên, KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, khi trùng tu, bảo tồn, phải xem nhân dân làng cần gì, cấu trúc làng xã đang biến đổi như thế nào. Điều tích cực là hiện nay có công nghệ mới, các chi tiết, cấu kiện có thể làm nhanh, nhưng “hỏng” là từ tiếp cận. Có thể khẳng định, về bảo tồn di tích, chúng ta làm được, nhưng muốn làm hay không mà thôi. Thực tế cho thấy, những người quản lý, trông coi có hiểu biết thì di tích mới còn!

Không phải cứ có tâm hoặc có tiền là tu bổ, tôn tạo được di tích, quan trọng là phải có nhân lực có trí tuệ, thực hiện một cách khoa học mới giữ được vốn di sản cho các thế hệ sau. Theo dõi các công trình được trùng tu thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đứng trước nhiều thách thức. Đó là nhận thức của xã hội, cộng đồng với di sản chưa chính xác, phụ thuộc vào các nhu cầu khác nhau, dẫn tới quá trình trùng tu làm thay đổi di tích khá nhiều. Do đó, phải nâng cao nhận thức cộng đồng, tác động đến những nhà quản lý và trực tiếp bảo vệ di sản...

Nhiều chuyên gia cũng hy vọng không chỉ Luật Di sản văn hóa và các quy định về trùng tu, mà những bài học kinh nghiệm trùng tu ở đình, đền, chùa được thực hiện với kỹ thuật tốt, có quan niệm đúng, được phổ biến rộng rãi, để cộng đồng và các nhà quản lý văn hóa rút được những bài học hữu ích trong công tác bảo tồn.

Theo Thảo Nguyên - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng