Văn hóa luôn được coi là giá trị cốt lõi để phát triển sản phẩm du lịch trên khắp các vùng miền Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển du lịch sáng tạo sẽ phát huy tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, cung cấp những hoạt động đa dạng cho khách du lịch, tăng tính độc đáo, hấp dẫn của điểm đến.
Phát huy “quyền lực mềm”
Chia sẻ tại hội thảo “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch” mới đây, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Phát triển du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng: Văn hóa chính là “quyền lực mềm” của quốc gia và du lịch đóng vai trò quan trọng để đẩy mạnh, phát huy quyền lực ấy hữu hiệu nhất. Văn hóa là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển và quảng bá du lịch, đồng thời du lịch phát triển cũng thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Với Việt Nam, văn hóa là thế mạnh, là cơ sở, môi trường, tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nước ta có một kho tàng văn hóa vô cùng quý báu, có giá trị cho phát triển du lịch. Đến nay, Việt Nam đã có 24 di sản vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có hơn 3.000 di sản cấp quốc gia, 7.500 di tích cấp tỉnh, cùng với hệ thống lễ hội, di sản văn hóa - nghệ thuật, văn nghệ dân gian, ngành nghề truyền thống, sự đa dạng về ẩm thực của các vùng miền, dân tộc... tạo nên sự hấp dẫn cho chuyến đi của khách du lịch. Trong các chiến lược phát triển du lịch, phát triển sản phẩm và thương hiệu du lịch Việt Nam đều nhấn mạnh tới du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham quan tìm hiểu văn hóa lối sống của địa phương, phát triển du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng...
Theo cuộc khảo sát tìm hiểu về nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam của Tổng cục Du lịch, giá trị di sản văn hóa được đánh giá cao, chỉ sau du lịch nghỉ dưỡng biển. Bên cạnh đó, vai trò của văn hóa ngày càng gia tăng khi du lịch đang chuyển dần sang “thế hệ thứ 3” (theo cách gọi của UNESCO, là du lịch sáng tạo - loại hình có nhiều hoạt động tương tác với văn hóa bản địa, những hoạt động mang tính giáo dục, cảm xúc với điểm đến, với văn hóa và con người tại đó), để phân biệt với du lịch thế hệ 1 (du lịch biển, nghỉ ngơi và thư giãn) và thế hệ 2 (du lịch văn hóa, tour du lịch tới các di tích văn hóa, bảo tàng).
Có thể thấy, du lịch sáng tạo là một loại hình của du lịch văn hóa, nhưng khác với du lịch văn hóa, khách du lịch không chỉ dừng lại ở những hoạt động chiêm ngưỡng, tham quan, ngắm nhìn, mà còn trực tiếp tham gia, hòa nhịp vào cuộc sống nơi đến, trải nghiệm với vai trò như là một thành viên của vùng đất - họ không chỉ là người thụ hưởng, mà đồng sản xuất sản phẩm du lịch trong quá trình trải nghiệm. Hình thức du lịch này nhấn mạnh sự kết nối, tương tác giữa khách du lịch và văn hóa, giúp họ học hỏi những kinh nghiệm sống mới mẻ, tiếp cận tri thức độc đáo của cư dân bản địa. Giá trị cốt lõi, tính đặc trưng của văn hóa mỗi vùng đất được đề cao sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt, thú vị của điểm đến.
Lấy tính nguyên bản làm nguồn lực sáng tạo
Dựa trên các đặc trưng của du lịch sáng tạo, có thể thấy, những năm gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện các sản phẩm có ý tưởng khác biệt, tạo ấn tượng, cảm xúc cho du khách trải nghiệm và mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành du lịch như một số điểm du lịch homestay ở Tây Bắc, Hội An, Tây Nam Bộ... Dù được du khách đánh giá cao, nhưng các mô hình này mới chỉ là những điểm sáng nhỏ, bởi tính tự phát, dừng lại ở ít tour được thiết kế dành cho khách phương Tây đến Việt Nam. Trong khi đó, chủ yếu khách vẫn sử dụng các sản phẩm du lịch truyền thống, dựa trên tài nguyên văn hóa và thiên nhiên sẵn có.
Nhiều người trong ngành nhận định, du lịch sáng tạo chưa được định hình rõ nét, nước ta đang rất thiếu sản phẩm độc đáo, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Ngay cả ở các trung tâm du lịch lớn của đất nước, cũng “bí” sản phẩm để giữ chân khách. Tính đơn điệu, na ná nhau về sản phẩm du lịch ở những địa phương trong cùng vùng miền là thực trạng đã tồn tại nhiều năm qua, và được coi là “nút thắt” khó gỡ trên con đường phát triển của du lịch Việt Nam.
Phát triển du lịch sáng tạo có thể là một hướng giải quyết những tồn tại hiện nay, giúp du lịch Việt Nam phát triển bằng cách tối đa hóa những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong phát triển du lịch, đa dạng sản phẩm du lịch mang tính khác biệt, riêng có, khó lặp lại, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho đầu tư vào các sản phẩm sáng tạo; cộng với gia tăng vai trò kết nối của doanh nghiệp lữ hành, và sự chung tay của truyền thông, cộng đồng để phát huy các giá trị của sản phẩm du lịch. Đặc biệt, ngành du lịch cần tập trung nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, dựa trên tài nguyên sẵn có để thiết kế các sản phẩm du lịch đủ sức hút. Bởi chắc chắn, nếu khai thác hiệu quả, bản sắc văn hóa của 54 dân tộc sẽ là nguồn tài nguyên dồi dào cho du lịch sáng tạo Việt Nam.
Những năm qua, tốc độ phát triển du lịch cao đã tạo ra những hệ lụy nhất định, làm biến đổi của phong tục truyền thống, tác động tiêu cực đến di sản... TS. Đỗ Thị Thanh Hoa góp ý, khi phát triển du lịch sáng tạo, cần có các giải pháp để vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị văn hóa trong du lịch, đồng thời bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Sáng tạo nhưng vẫn phải giữ được tính nguyên bản của điểm đến để phát triển bền vững.