Tạp chí Sông Hương -
Có một Hà Nội rực rỡ cuồng si
14:52 | 18/07/2019

Người viết nên những câu thơ ám ảnh về Hà Nội năm 1972 đã ra đi. Phan Vũ (1926-2019) là một thi sĩ, họa sĩ, nhà viết kịch và đạo diễn điện ảnh, đã gọi tên một Hà Nội một cách tha thiết nhất, như ông đã viết, “và kẻ cuồng si gọi tên người thi sĩ”.

Có một Hà Nội rực rỡ cuồng si
Nhà thơ Phan Vũ

Ông là một kẻ lãng tử cuồng si mà đô thị luôn cần có. Phan Vũ có mặt ở một thời đoạn biến đổi của Hà Nội, ông ghi lại những đổi thay, hối hả gọi tên những phố những người, để như muốn vẽ trọn chân dung người tình.

“Em ơi Hà Nội phố” được Phan Vũ viết từ năm 1972, trong cảnh bom đạn và nghèo khó bủa vây thành phố, nhưng ông không trực tiếp tả lại thời khắc mà nhìn lại một bức tranh văn hóa Hà Nội của những dĩ vãng “nhợt nhạt vàng son, đậm đầy cay đắng”, để cất tiếng gọi ký ức như gọi người thương. Người Hà Nội từ đấy đã dung nạp thêm một huyền thoại, huyền thoại về bài thơ dài tưởng như không dứt, huyền thoại về những dị bản mà dị bản nào cũng có những câu thơ lấp lánh tài hoa, những “nhãn tự” thần diệu có khả năng làm rơi nước mắt bất cứ kẻ đi xa Hà Nội nào nhớ về.

ảnh 1

Hà Nội là một nơi chốn tạo ra vô số cuộc gặp gỡ của thi ca, nghệ thuật. “Em ơi Hà Nội phố” là một cuộc gặp gỡ của nhiều thứ khác, hơn cả phạm vi một bài thơ dài 443 câu của Phan Vũ, hơn cả bài hát phổ thơ của Phú Quang, đó là cả sự cộng hưởng của một không gian văn hóa. Người đọc thơ, người nghe nhạc còn giải mã nhiều câu chuyện khác về một Hà Nội mang gương mặt hằn sâu kỷ niệm “chợt nhòe chợt hiện” và một Hà Nội thanh tân “bờ môi ai đậm đỏ bích đào”. Sự sinh động, xôn xao của những từ đẹp đẽ dành cho Hà Nội khiến nhiều thế hệ đã phải lòng Hà Nội nhờ những câu thơ và giai điệu.

ảnh 2

Phan Vũ là một người lãng mạn đẹp lão, ăn mặc phong trần, tự mình đi xe máy ở tuổi cận cửu tuần, và nhất là giọng nói Hà Nội nhẹ nhàng, từ tốn

Người Hà Nội không đánh đồng những câu thơ của Phan Vũ với thơ sử ký. Những dữ kiện lịch sử xã hội được chấm phá trong bài thơ dài là một góc nhìn nghệ sĩ chứ không đóng vai trò chính luận. “Em ơi! Hà Nội - phố... Ta còn em mảnh đại bác ghim trên thành cổ/ Một thịnh, một suy/ Thời thế lẽ hưng vong/ Người qua đó hững hờ bài học sử...” Nhưng chắc chắn họ đều đồng tình đấy là những câu thơ chân thực về mảnh đất họ đã và đang sống. Khắc họa những hình ảnh Hà Nội cô đọng, gọn ghẽ, nhưng căng đầy một dung lượng ý tại ngôn ngoại.

ảnh 3

Nhà thơ Phan Vũ và tác giả Nguyễn Trương Quý

“Em ơi Hà Nội phố” nối dài một giọng điệu gân guốc sử thi của những bài hành, những áng cổ thi, những vần Thơ Mới thuở trước, những bài thơ hào sảng kháng chiến, nhưng đan xen những câu, những hình tượng rất Hà Nội đương đại: “Em ơi! Hà Nội - phố!/ Ta còn em ráng đỏ chiều hôm/ Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ/ Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá/ Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa...” Bài thơ thỏa mãn nhiều thế hệ người đọc, người lớn tuổi bồi hồi gặp Hà Nội cổ điển của mình, người trẻ xúc động thấy tuổi thơ miên man trong kỷ niệm được gọi tên. Bài thơ là một mạch cảm xúc không tuổi được giãi bày, như chính con người tác giả, vẫn giữ tâm hồn trẻ trung đến tận ngoài 90 tuổi.

ảnh 4

Một tác phẩm hội họa của nhà thơ Phan Vũ

Không chỉ riêng bài thơ “Em ơi Hà Nội phố”, Phan Vũ còn để lại những bài thơ khác, những tản văn, vở kịch và bộ phim về những nơi chốn khác, nhưng phải nói rằng, bài thơ trường thiên 24 đoạn về Hà Nội đã xác định một số phận Hà Nội của ông, cho dù ông không sinh ra ở đây và chặng cuối đời sống ở miền Nam.

Ấn tượng của tôi về ông là một người lãng mạn đẹp lão, ăn mặc phong trần, tự mình đi xe máy ở tuổi cận cửu tuần, và nhất là giọng nói Hà Nội nhẹ nhàng, từ tốn, và đầy rung cảm. Giọng nói ấy hợp với bài thơ ấy. Giọng ấy chẳng bao giờ già.

Cuối cùng Phan Vũ cũng đã hội ngộ với nữ diễn viên Phi Nga, người vợ Hà Nội đã khuất của ông, cùng những người bạn cũ, ở thế giới bên kia. Lần ra đi này, có lẽ giản dị mà như ý Phan Vũ nhất là ông đã đứng vào danh sách đề từ của mình năm xưa: Gửi những người Hà Nội đi xa.

Theo Nguyễn Trương Quý - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng