Tạp chí Sông Hương -
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: MỘT ĐÓA HỒNG XƯA
15:41 | 07/08/2019

NGUYỄN THANH VĂN

... có một đóa hồng trong bó hoa dành tặng riêng em ngày nào đã bị vò nát. Sỏi đá muộn màng hẳn đang tự hỏi liệu còn cần tới nhau nữa không! Hồ xanh ơi, hình như em đã già cỗi thật rồi chăng?

Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: MỘT ĐÓA HỒNG XƯA
Ảnh Internet

                              “Làm sao em biết bia đá không đau…”

 

Căn nhà có mái ngói cổ đã ố màu một thời là địa chỉ quen thuộc của bốn thằng trong nhóm chúng tôi. Mấy chục năm qua, đi khá nhiều nơi, tiếp xúc với bao nhiêu hạng người, tôi ngờ rằng những chủ nhân hiếu khách đến bậc đó hình như sắp tuyệt chủng. Những lúc Kiều tiếp chúng tôi dưới bóng mấy cây mận lớn ở góc vườn, hai cụ gần như biến mất đâu đâu. Thỉnh thoảng mới nghe hai cụ gọi con gái. Tiếng cụ bà trong vắt, trẻ và nũng nịu y như cô bé mười bốn, mười lăm tuổi: "Diễm ơi! Lệ ơi? Tiểu Kiều à?... Đem mứt ra cho mấy anh ăn, con!". Tiếng cụ ông cao, ngắn gọn: "Diễm!", "Lệ!" và bóng Diễm Kiều, Lệ Kiều lật đật chạy hầu bố, trông ngồ ngộ và rất thương. Chúng tôi đặc biệt thú vị khi nghe tiếng Tiểu Kiều - cô con gái út đang học tiểu học - sẵn sàng cự lại ba mẹ "Kêu chi mà kêu hoài rứa không biết... khó tính quá hà!". Rồi tiếng ông cụ nổi tiếng khó tính thực cười ha hả, mắng "Nó đám chửi tui nè, mụ nó ơi"'.

Một lần thằng Vịnh cận đặt câu hỏi:

- Vì răng hai cụ chỉ gọi là Diễm và Lệ, mà phải gọi con gái út đầy đủ là Tiểu Kiều?

Hùng đen lém lỉnh pha trò: 

- Mi thử bỏ bớt chữ Kiều thì con bé út thừa kế chữ chi chi của ông bà già, hử?

Đại giáo sư Vĩnh Viễn ri gật gù:

- Chính xác?

Cả bọn bụm miệng cười nhưng Kiều đã trở lại, những bước đi nhanh, đầy duyên dáng, tay bưng một đĩa nhỏ xíu, cố ý nâng thật cao như đang bưng lễ vật vào cúng chùa, chắc để tạo sự ngạc nhiên cho chúng tôi. 

- Hôm nay ông cụ đãi các anh bốn người bốn điếu Philip thơm bạn ông cụ mới gửi tặng... nhìn nè!

Thế mà quan hệ của chúng tôi lúc ban đầu ở Trường Sư phạm không hoàn toàn êm thắm lắm. Còn nhớ hôm tôi vừa về quê lên, không kịp dự lễ khai giảng trước đó hai ngày. Nhóm bạn vừa mới làm quen, cũng cùng đến trường muộn, ra quán cà phê gần trường nghe nhạc và tán gẫu. Cái cát-xét ở quán chơi bài Hạ Trắng, tiếng kèn saxon luẩn quẩn mãi trong không khí buổi sáng. Ngoài kia trên cánh đồng còn sót lại của thành phố nắng cũng đang rỡ lên, dù trời đã sang thu. Giờ vào lớp bắt đầu lúc nào tôi không rõ. Có lẽ ở đoạn cuối ca khúc rạo lực thắm thiết của Lê Uyên Phương với linh cảm bàng hoàng một ngày sẽ mất hút bóng nhau, cũng có thể ở đoạn đàn bò của nhạc sĩ họ Trịnh đang chậm rãi nối đuôi nhau đi vào thành phố chiến tranh, vừa ngơ ngác tìm cỏ hoang... 

Vị giáo sư có giọng nói sang sảng, từ cầu thang chúng tôi đã nghe tiếng, đang trịnh trọng phổ biến chương trình học, cho khiêng một cái ghế dài đặt ở hành lang để bốn thằng đi trễ chúng tôi ngồi "dự thính", vì chưa xứng đáng được ngồi vào đội ngũ những con người mẫu mực tiên phong cho con em học tập trong tương lai. Đại giáo sư Vĩnh Viễn, biệt hiệu của thằng bạn học giỏi nhất lớp và hơi nhiều hạnh kiểm, có vẻ ân hận thực sự. Nếu tôi không xì xào nhắc nhở Vịnh cận đã rút thuốc lá để sẵn trong túi ra mồi, và có thể kết thúc luôn đời sư phạm.

Trong không khí mở màn không được thuận tiện đó, chúng tôi tỉnh táo hẳn khi trưởng lớp xuất hiện. Ôi, con gái nhà ai mà điệu đà đến thế này? Sau mấy giây thộn mặt ra, cả bọn chúng tôi chưa kịp trở lại bộ mặt khinh khỉnh cũ, đã nghe tiếng người đẹp:

- Vui lòng ở lại vào cuối giờ học để anh chị trong lớp có ý kiến... Tui là Trần Thụy Diễm Kiều, trưởng lớp VH1.

Suốt nửa năm thứ nhất, Trần Thụy Diễm Kiều cao kỳ, quyền cao chức trọng nhất lớp, người đã dám kiểm điểm đạo đức khi thậm chí chưa biết tên họ quý danh chúng tôi, đã trở thành "kẻ thù tập thể" của bốn thằng chúng tôi. Diễm Kiều nhiều phen đỏ hoe cả mắt vì bị chúng tôi chọc quê là chức trưởng lớp của cô bị thiếu mất bốn phiếu.

Dần dà, chúng tôi quên bẵng chuyện cũ. Cả bọn cố gắng xoá đi hình ảnh tương đối phi thẩm mỹ lúc ban đầu bằng cách tích cực tham gia sinh hoạt trường lớp. Ngoài kiến thức "thông kim bác cổ" của Vĩnh Viễn, các bạn cùng khóa bắt đầu kháo nhau về giọng đơn ca của Vịnh cận, song ca Hùng-Vịnh và tốp ca Bốn Con Ma, tên cả lớp đặt cho chúng tôi. Tôi cũng được xem là một cây viết kịch thơ tài tử với những vở kịch thường có cốt truyện hao hao giống nhau. Một chàng trai trẻ xung phong đi dạy học ở vùng cao, dần dần ít dịp về thăm thành phố và gia đình. "Xen" tiếp theo là sự xuất hiện của một sơn nữ có vẻ đẹp liêu trai, siêng năng làm rẫy suốt mùa, nhưng không hiểu sao vẫn giữ được làn da trắng như trứng gà bóc, thuận tiện cho các tiểu thư thành nội nhập vai.

Mùa đông Huế lạnh thấu xương. Đêm đến chúng tôi thường ở lại nhà Vịnh cận, khi thì ở nhà đại giáo sư học bài chung, sáng sớm phân công một đứa nấu nước sôi làm mì tôm, pha cà phê, rồi động viên nhau tới trường. Tôi thường nằm vật xuống sàn nhà trọ, vừa đợi cà phê vừa lắng nghe Vịnh cận và Hùng đen hát. Vịnh cận hát "Suối mơ bên rừng thu vắng..."?, và "Chiều ơi, lúc chiều về là lúc..." Hùng đen hát "Xác người nằm trôi sông treo trên gầm cầu..." và "Hát cho dân tôi nghe lửa cháy lên trại giặc thù...". Lạ lùng thật, hai đứa hai cá tính, hai giọng hát gần như nghịch nhau, mà lần nào tôi cũng lén quay mặt vào tường, ứa nước măt. Còn đại giáo sư, thì lẩm bẩm "Mẹ kiếp!" rồi co giò đạp bắn cuốn tự điển Việt-Anh - Anh-Việt của Lê Bá Kông văng xa mấy mét.

Những lúc được ngồi ở góc vườn của Kiều, nhìn mái ngói rêu phong, nhìn những tàn lá mận xanh xanh nổi lên giữa trời, và những đám mây trắng phau lững thững trôi, tai nghe những âm thanh ríu rít, nũng nịu của mẹ con nàng Kiều, chúng tôi bồi hồi như đang được hạnh phúc cưu mang. Cả cái ý nghĩ sắp kéo bộ về nhà, băng ngang con đường vắt ngang hồ Tĩnh Tâm mát rượi, đi hàng ngang, tràn ra giữa con đường Đinh Bộ Lĩnh vắng ngắt, và bàn cãi đủ mọi chuyện trên đời, cũng làm cho chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Ở cổng vườn, ngay dưới gốc ngọc lan hương hoa nồng nàn bảng lảng, trưởng lớp VH1 dựa đầu vào thân cây, đưa tay vẫy vẫy và nhìn theo chúng tôi cho đến khi khuất dạng. Hùng đen trịnh trọng tuyên bố phải có một thằng xung phong vào Cao đẳng Mỹ thuật để ghi lại hình ảnh tuyệt vời này dành cho các thế hệ mai sau, rồi hắn tự đặt tên cho danh phẩm là "Dưới gốc ngọc lan".

Không có đứa nào trong chúng tôi thành họa sĩ cả. Nhưng giọng hát của Hùng và Vịnh sâu lắng hơn, và tôi cũng hoàn thành được tập thơ đầu tay, định cậy Mạnh Thường Quân giúp đỡ in ấn. Riêng đại giáo sư bỗng lười biếng đọc sách, chăm nghe nhạc hơn, thường tỏ ra bất an và biểu lộ tinh thần "phản chiến" bằng cách chửi thề nhiều hơn mỗi lần gục cái đầu tóc tai bù xù lên bàn học, theo dõi tin tức chiến tranh từ cái Philip cũ đã xuống cấp trầm trọng của Hùng đen.

Trong khi bè bạn trong lớp có vẻ ganh tị với tình bạn của chúng tôi thì thật ra chúng tôi thường cãi nhau đều hơn, vô cớ hơn. Sau khi xem phim Vĩnh biệt tình em của David Lean, chúng tôi cãi nhau ầm ĩ lên. Đứa thích Omar Shariff trong vai Zhivago, đứa mê vai Strelnikov, đứa tội nghiệp cho bà vợ của cha bác sĩ đa tình, đứa mơ được gặp người tình Lara vĩ đại. Chúng tôi về nhà muộn hơn. Rời quán cà phê, cả bọn líu ríu bám vai nhau. Một đứa nhận ra nhóm bạn của nhạc sĩ họ Trịnh bên kia đường, cũng đang lảo đảo đi ngược chiều. Nghe có tiếng huýt sáo bài Diễm xưa, chàng nhạc sĩ trẻ đưa tay vẫy, cười hiền từ. Một cuộc tranh luận nổ ra quyết liệt giữa bọn chúng tôi. Đứa nào đó mào đầu có thể vừa khóc cho thân phận quê hương vừa đêm đêm uống rượu ngoại ngay giữa trung tâm thành phố không. Một đứa khẳng định thần tượng của mình đã làm xong nhiệm vụ nghệ sĩ. Đứa khác thì nhiệt tình tấn công cái hắn gọi là nghệ thuật salon và bọn "outsiders".

- Outsiders, outsiders... cái con khỉ mốc!

Một tên sốt tiết đốp lại ngay trước bộ mặt ngơ ngác như hoa lạc giữa rừng gươm của Diễm Kiều. Rồi cũng chính hắn, sau đó mấy phút, ngần ngừ hỏi nhỏ tôi:

- Outsiders là gì... Có phải là người đứng bên lề không mày?

Có tiếng trưởng lớp VH1 rụt rè nêu ý kiến - chắc vì sợ bộ mặt lạnh như tiền của hai đấu sĩ - liệu có thể có những cách dấn thân khác nhau hay không.

- Thế giới sáng tác có mặt phức tạp của nó - Tôi đồng tình với người phụ nữ duy nhất trong nhóm. Âm nhạc Trịnh Công Sơn đang góp phần thức tỉnh lương tri bao nhiêu người...

Có đứa đang trầm ngâm đóng vai người hững hờ, bỗng vọt miệng nói giọng ray rét:

- Còn chúng ta đây... chúng ta cũng đêm đêm uống cà phê đen, nghe tiếng đại bác vọng về thành phố rồi ngủ thật ngon giấc. Có gì khác không! Liệu hòa bình có tự đến nhờ lời cầu nguyện thống thiết này không?

Cả bọn bất giác cúi đầu thật thấp, khi băng qua bóng tối dưới vòm cây long não ven đường, phân vân tìm câu trả lời.

Hình ảnh đậm nét nhất đọng lại trong tâm trí tôi là buổi chiều Kim Long bất hạnh đó. Cả bọn chúng tôi ngồi cả bên này, và Kiều một mình bên kia hố bom rộng băng một cái ao nhỏ. Trong hố sâu và đất đá tan tác chung quanh, có lẫn xương thịt bà ngoại và mấy đứa em con bạn dì gọi Kiều băng chị. Bom đã về tận thành phố. Đại bác không ru đêm từ cự li an toàn nữa. Buổi chiều chiến tranh với nửa vườn măng cụt mất đầu, những đám mít, dừa bật gốc, xạm đen đè nặng lên ngang trái tim bất lực của lũ con trai chúng tôi. Cả bọn chờ một tiếng khóc, không, một tiếng thét thì tốt hơn, của đứa cháu cưng của ngoại để giảm bớt tiếng thét của chính mình đang ứ lại ở ngực và cồn cào ở cổ. Nhưng Kiều vẫn ngồi thừ ra đấy, bất động, bé xíu, tóc tai rũ rượi và hoàn toàn mất an toàn giữa cảnh đổ nát tàn nhẫn chung quanh.

Chiều biến mất lúc nào, rồi thình lình tay ai lén treo một mảnh trăng non mong manh, dễ vỡ, giữa bầu trời Kim Long mờ tối, như muốn minh họa cho lời thơ thống thiết của ai "Từ mái nhà tang chế - hiện một vầng trăng non". Mãi sau này, trong những ngày đằng đẵng xa quê, khi lục lọi từng mảng ký ức tuổi trẻ tôi thường gặp lại bức tranh cũ lạnh lẽo và đầy tuyệt vọng này. Và lời đề từ làm nhân chứng vẫn là những con chữ thơ bằng máu cong queo, rúm ró quyết sống sót dù đã bị thời gian nhiều lần cố tình bôi xóa.

Diễm Kiều khóc thảm thiết ướt cả mẩu giấy có mấy dòng tạm biệt của Hùng đen. Nó đi bưng theo ngõ Truồi. Chúng tôi chuyền tay nhau mẩu giấy đã ngã màu, nhỏ thêm mấy giọt nước mắt thương bạn lên non, trên hàng chữ đã méo xệch đi vì nước mắt Kiều. Ở cuối thư nó viết "Chào tất cả các bạn. Vĩnh biệt Diễm xưa".

Cái thằng trực tính mà cộc cằn này chỉ có tài nói xúi quẩy... Sao lại vĩnh biệt? - Tôi gượng gạo nói.

- Mẹ kiếp! - Vịnh cận chửi thề, nước mắt ràn rụa - nó phê Trịnh Công Sơn nát nước mà còn bày đặt hỏi "Làm sao em biết bia đá không đau!".

Vĩnh Viễn đang ngồi loay hoay như con gấu trong chuồng, nói giọng gắt gỏng:

- Cỏ cây sỏi đá còn lên tiếng... thì những thằng người có bó chân, bó cẳng mãi được không, hứ! Tao muốn bỏ học. Tao muốn làm một cái gì đó. Tao sẽ làm ngay lập tức đây...

Hắn vùng lên, đi dần ra cửa, rồi quày quả trở lại, ngồi bệt xuống, mặt mày ngơ ngác.

Một buổi tối thứ bẩy, ở quán Chiều, đợi khi vãn khách, Kiều rón rén mở một hộp giấy phong kín lộ ra một bó hoa hồng đã héo, mếu máo kể: 

- Khuya đó... đang mất ngủ, Kiều nghe tiếng xe dừng lại ở cổng, cả nhà đã đi ngủ... Kiều lắng nghe, nhưng không có tiếng ai gọi cổng... Sáng ra tưới cây sớm, Kiều nhặt được bó hồng này... mười chín bông cả thảy. Có ai đó nhớ đúng ngày sinh nhật của Kiều. Xin lỗi dạo đó đang mùa thi, Kiều phải giấu chuyện sinh nhật... Có điều người ta đã tính lộn mất một bông. Sinh nhật này Kiều đã hai mươi...

- Thôi, chắc thằng Hùng đen rồi, cái chu đáo của người sắp đi xa! - Tôi nói ngay điều mình cần phải nói.

Kiều gục xuống bàn, đôi vai nhỏ rùn lại. Viễn lúng túng vỗ về bạn, khuôn mặt nghiêm trang, khổ sở y như bố già. Mới mấy năm mà sao mi già nhanh đến như thế, hở? Vịnh cận ngơ ngác gỡ kiếng ra, lau lia lịa. Còn tôi tựa vào lưng ghế, cố hít càng nhiều không khí càng tốt. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là trái tim tan nát!

"Làm sao em biết bia đá không đau... trên bước chân em âm thầm lá đổ... chợt hồn xanh buốt..."

Ai hát chi buồn, mênh mang buồn đến thế! Bóng ai từng chìm mất tăm trong giông bão của thời cuộc, của tháng năm lạnh lùng trôi, bỗng rờn rợn thoáng hiện về trên bậc thềm xưa. Và tiếng xưa, y như dấu hài bé nhỏ giẫm lên bờ kỷ niệm, làm lộ dần những vết thương chưa hề lành lặn!.

Tôi tránh ánh mắt hơi soi mói của Kiều, nhìn lảng về phía bóng tối, nơi phong kín tâm hồn u uẩn của thế gian, và u uẩn chút tình tôi...

- Mẹ nhắc chuyện chồng con. Mẹ nhắc con gái sắp ra trường lên non cao, về biển vắng khó lấy chồng vừa ý lắm. Nhưng Hiển... ơi, liệu có phải anh Hùng đã tặng hoa sinh nhật cho Kiều không? Ôi, anh Hiển biết không, Kiều không muốn giấu làm chi nữa, khi câm bó hoa hồng vẫn còn tươi lên, Kiều đã khóc, đã tự hứa thầm rằng sẽ tìm cho được người tặng hoa...

Cả bọn đã ngủ vùi, đứa trên giường, đứa nằm ngay trên sàn nhà trọ. Tôi rón rén giở bài tập ngày mai ra học rồi vớ tập của đại giáo sư ra dò một từ đọc không rõ. Ngay dưới đề bài, tôi lặng người nhìn mấy dòng chữ đã bị gạch bỏ nhưng vẫn còn đọc được của đại giáo sư Vĩnh Viễn "Diễm Kiều! Anh yêu em, nhưng... ".

Thôi, đại giáo sư ơi, đừng nhưng... và nhưng làm gì nữa. Tớ hiểu, còn ai hiểu cậu bằng tớ nữa - Tôi thừa nhận, có lẽ cũng không dễ dàng gì - Thằng Hùng xứng đáng hơn tất cả chúng ta. Tên nó xứng đáng được khắc lên trái tim đẹp nhất trần gian mà chúng ta từng biết Vĩnh Viễn ơi, đừng làm gì vẩn đục tình bạn mà Hùng đã dày công vun xới, hy vọng nữa. Đừng làm gì khuấy động, sứt mẻ kỷ niệm thiêng liêng về Hùng nữa! Tình yêu vẫn còn tồn tại nhưng với thế hệ chúng ta, có lẽ không còn chọn lựa nào khác. Dù muộn màng cũng sẽ có một bài ca chung, nghẹn ngào dành cho ngày mai gặp lại, và cả bài ca dành riêng cho những người yêu nhau phân vân dừng lại bên cầu...

Khoảng thời gian chuẩn bị thi tốt nghiệp, chúng tôi nhận được tin Hùng đen mất. Diễm Kiều mặc đồ đen hôm chúng tôi bí mật làm lễ tưởng niệm. Trông Kiều gầy, hốc hác đúng dáng thiếu phụ mà nao lòng. Hơn một nửa sinh viên trong lớp đến với chúng tôi. Không còn ai ganh tị với một nhóm bạn đã mất đi một thành viên thân thiết. Không ai muốn mình bé mọn trước người đã mãi mãi ra đi vì việc nghĩa!

Vĩnh Viễn không bỏ học. Ông cụ đã ra tay kịp lúc. Hắn chịu trở lại "cày bừa" ở giảng đường và thư viện đại học, có lẽ để chuẩn bị cho sự nghiệp của một học giả tương lai chăng. Nhưng sách vở và kiến thức không ngăn hắn nhào ra đường mỗi lần có một đoàn biểu tình đi qua thư viện mà hắn cho là có chính nghĩa, cần ủng hộ. Người thành phố quen bộ mặt ngơ ngác như vừa bước ra khỏi một trang tiểu thuyết Nga thế kỷ 19 của hắn, nhưng khi nhìn ở cự ly gần, bên bàn cà phê, có thể nhận ra có cái gì lấp lánh y như những đốm lửa, đang chầm chậm di động trong đáy mắt của hắn. Tử vi của hắn là hoặc sẽ trở thành một tài năng, hoặc một thằng điên. Diễm Kiều và Vịnh cận cầm giấy quyết định, gượng cười, vì cùng chia sẻ vai Lạc Long Quân và Âu Cơ. Kiều về một ngôi trường nhỏ ở miệt biển mà xưa nay chúng tôi chỉ thấy trên bản đồ. Có dạo tôi nghe tin Kiều sắp lấy chồng, và cả hai bác dự định sẽ ở với con gái, vì việc xin chuyển gần nhà cho Kiều bất thành. Vịnh cận xách va-li rời thành phố. Nó mất hút đâu trên cao nguyên một thời gian, cho đến khi tình cờ tôi đọc lác đác mấy bài thơ của hắn trên báo Sài Gòn. Hắn có giải thích với Vĩnh Viễn chuyện từ bỏ dự định sáng tác ca khúc vì "Trời đã sinh Vịnh, còn sinh Trịnh". Thơ hắn có cái lạnh lẽo, mông lung của khí hậu vùng cao, nơi mỗi sáng mờ sương, huyện lị nhỏ trên đồi thông như một ốc đảo chơi vơi vô định với đất trời. Trái tim nhạy cảm của thằng bạn, vốn được cả nhóm bạn chúng tôi dạo đó rất cưng, dường như tê dại hẳn vì cô độc và bị đột ngột tách khỏi cuộc sống thị thành đang hồi sôi động nhất. Sau những bài thơ loáng thoáng những "bể dâu" và "vô thường" ở tuổi đôi mươi, hắn im tiếng hẳn. 

Tôi cũng xách khăn gói về một trường huyện không xa làng cũ lắm, nhờ nhà trường chiếu cố cảnh con một và cha mẹ già. Trường tôi nằm gần ngọn núi cao nhất vùng, mỗi lúc đến gần cửa sổ, lại thấy đỉnh núi chót vót, cô độc trên cao. Vào những ngày nghỉ, tôi theo mấy đứa học trò người dân tộc lên bản chơi và tập tành sưu tầm văn học dân gian miền núi theo gợi ý của các thầy hồi còn ở đại học. Có khi tôi theo mấy đứa học trò lớn lên núi lấy cây, thỉnh thoảng ở lại đêm để có cảm giác gần trăng sao hơn. Từ lưng chừng núi nhìn xuống thấy nhà cửa, làng xóm nhỏ bé hẳn, ngạc nhiên vì bao nhiêu vui buồn, thương ghét phức tạp lại xảy ra trong có chừng đó không gian!

Ba và mẹ tôi mất, người đầu năm, người cuối năm, tôi làm con diều đứt dây bay cao và xa hơn nữa. Tôi từng gặp những người vùng cao ngô nghê, cơ cực y như vừa từ hang động thời nguyên thtỉy bước ra, từng chiêm ngưỡng những ngọn cây cao vút muốn hút tầm nhìn, còn sót lại sau những đợt bom càn tàn bạo. Tôi từng lặng người suốt buổi đăm đăm nhìn về phía một cánh đại bàng thình lình bay bổng lên, chao mình và biến mất bên kia núi thiêng.

Một lần một ông già hươi mũi súng săn về phía một ngọn đồi khuất sau sương mù, nói gì đó về những nấm mồ. Ông già nói tiếng Kinh pha tiếng dân tộc dù không hiểu rõ ràng lăm, tôi cũng đủ liều lĩnh băng qua một loạt suối khe để thình lình nhận ra tên của Hùng đen trên vách đá. Những dòng chữ nguệch ngoạc được viết bằng một thứ mủ cây gì đó đỏ như máu. Tôi ngồi suốt buổi chiều ở đó, lặng người nhớ đêm cuối cùng Hùng đen đánh thức tôi dậy ra ngồi ngoài hiên nhà. Nó lặng lẽ, không nói một lời, ngón tay và điếu thuốc Ruby hút dở run run trong đêm khuya. Tôi gọi tên nó, Hùng ơi... Hùng ơi! Nhưng không có tiếng trả lời. Đến chim rừng cũng bỏ núi đồi quê hương đi đâu mất. Kỷ niệm lãng mạn thời học trò sống dậy, cùng với Lamartine, tôi ồ ra khóc, thương những lóng xương khô dưới mô đất nhỏ, bơ vơ, bỗng thân thiết, gần gũi gan ruột với mình hơn bao giờ hết. Chiến tranh và thói quen đốt rừng của bà con vùng cao tạo ra một vạt đất trống và gió núi, không còn bị cây rừng cản lồng lộn quanh chỗ tôi ngồi suốt buổi...

Tôi viết mấy dòng vội vã gửi cho hiệu trưởng, gọi nhóm học trò thân tín lại, dặn dò, bàn giao tất cả mọi thứ lỉnh kỉnh dưới núi. Mặc các em nằm ôm nhau rì rầm, thút thít, tôi quay lại ghềnh suối, mò mẫm khắc lên thân cây thêm mấy chữ, hy vọng một ngày hoà bình, nếu còn sống sót, sẽ trở lại tìm cách đưa Hùng đem về phố cũ. Vĩnh biệt thời thư sinh nghiên bút! Vĩnh biệt những ngày tháng trăn trở! Vĩnh biệt Diễm xưa! Giữa khoảng tối đen mênh mang trước mắt và xa vời vợi dưới kia, tôi giật thót mình nhận ra một quầng sáng mờ mờ thoáng ẩn, thoáng hiện, y như một ảo ảnh: Huế - Huế của tôi! Hùng ơi, tao đang hiểu những gì sâu sắc, khắc khoải nhất mà mày đã ngần ngừ không nói hết với tao. Tao đang đứng trên mảnh đất, có lẽ ngay đúng chỗ ngày nào mày từng đứng, đăm đăm vọng về phố xưa. Cái quầng sáng mờ ảo, hư hư thật thật này là tất cả, là tình yêu và số phận của một đời người. Sự sống còn của quê hương lớn lao, kỳ vĩ và là DANH DỰ đối với những người đã ra đi vĩnh viễn và cả những người đã sẵn sàng cho chuyến đi xa nhất của thế hệ mình! 

Tôi dừng ở cổng chờ Diễm Kiều, gật đầu cám ơn lúc nghe một chị hàng xóm giải thích. 

- Dạ ông muốn hỏi ni cô Tịnh Hồng à. Bây giờ trong khu phố người ta gọi chị Kiều là Tịnh Hồng!

Kiều bận đồ lam rộng thùng thình. Hai em đã theo chồng, Lệ Kiều đang ở nước ngoài, ông bà cụ lần lượt đi, sau nhau chỉ vài năm. Chỉ một đoạn ngắn từ cổng vào phòng khách, và mới nghe tôi hỏi thăm, Kiều đã kịp thông tin đầy đủ về toàn bộ thành viên gia đình. Có lẽ bắt gặp ánh măt không được tự nhiên lắm của tôi, Kiều giải thích thật nhanh:

- Vườn rộng, neo người nên mình có sáng kiến biến thành Tịnh Cốc... vào dịp rằm, mùng một gặp bà con tín hữu quanh khu phố cho vui chứ tu hành chi mô!

Phải mất một lát, tôi mới hiểu đúng là mình đang ngồi trong khu vườn kỷ niệm, và trong những cái tên chủ nhà nhắc tới có người đã đi xa, có người đã khuất và ủ trong chiếc áo lam rộng thùng thình này đúng là cô bạn rượu của bốn thằng chúng tôi ngày nào.

Những chiếc bánh in Huế xinh xắn, bùi ở kẽ răng và lưng trà sen. Kiều nói năng càng lúc càng hoạt bát, tựa như từ lâu đã quen vị trí chủ thiền viên, và dường như không chút thắc mắc lúc suốt già nửa câu chuyện, khách chỉ ừ hữ không trả lời câu hỏi nào của mình.

Rồi thình lình có tiếng gì thoảng qua, y như tiếng lá rơi hay tiếng ai vừa thở dài.

- Ông mô cũng đòi thủy chung với Huế... rồi bỏ đi cưới người mô mô trên non dưới biển.

Tôi giật mình, loay hoay một lúc, rồi thử bắt chước giọng thời sinh viên:

- Nè, hai thằng Vịnh cận, Vĩnh Viễn có lợi dụng lúc tụi này ở xa nói chi với Kiều không đó? Khai thiệt đi!

Tôi ra dấu sẽ đấm vỡ mặt kẻ phản bội vắng mặt.

- Nói chi là nói chi chi hè! - Kéo chéo áo lam lên che mặt, Diễm Kiều cười rũ ra. Khi ngẩng mặt lên, bóng nụ cười trên môi còn vương vấn, những chấm đỏ hồng trên má, cổ vẫn nấn ná chưa lặn, vẫn còn ngọt ngào quanh đây chút hương vị trần gian, có lẽ y như những con người tu hành chưa đắc đạo khác.

Chúng tôi trở lại câu chuyện một chiều như cũ. Chủ nhà nói, cười, kể chuyện, khách ầm ừ, lặng người đi. Cũng vẫn giọng nói ríu rít, nũng nịu như ngày nào. Cũng những cành mận la đà và một góc trời đầy mây trong. Nhưng trong tôi không còn cảm giác yên bình, hạnh phúc cũ, tựa như một cái gì đó mơ hồ, không rõ tên tuổi, đã gãy đổ. Có âm sắc hiu hắt gì thỉnh thoảng lẫn vào, dù cũng đúng khung cảnh này, không khí này và con người đó- có lẽ âm sắc của thời gian!

- Nè, có nghe chuyện ông Vịnh cận của tụi mình sau ngày giải phóng làm trưởng phòng giáo dục huyện không? Thi sĩ cũng có khiếu hành chánh đó chứ!

- Tin lành! - Tôi trả lời - Nếu nó tiếp tục sản xuất thơ lục bát và trường ca mới là sự đại bất hạnh cho vợ con nhà nó.

Tôi không khỏi tủm tỉm cười khi liên hệ vẻ mặt ảo não của Vịnh cận lần gặp sau cùng và dáng dấp đĩnh đạc nhất định cần phải có của một quan chức.

- Rứa mà ở Huế mình, vẫn còn khối người thủy chung với thơ ca y như ngày xưa đó!

Tôi ậm ừ nhăc qua chuyện ghé thăm Vĩnh Viễn nhưng không gặp, nó đang dự hội thảo gì ở Hà Nội.

- Có gặp vợ Vĩnh Viễn không? Nghe xinh xắn lắm mà!

Giọng Kiều trong, vui vui nhưng không hẳn hoàn toàn thoải mái.

- Tất nhiên phải trắng trẻo hơn vợ thằng Vịnh cận rồi!

Lần đầu tiên chúng tôi cùng cười xòa với nhau, nhớ chuyện cựu thi sĩ phải lòng một cô học trò người dân tộc ngay ở năm dạy học đầu tiên.

Không biết vô tình hay cố ý, suốt câu chuyện Diễm Kiều không một lần nhắc đến Hùng đen. Và tôi cũng thầm quyết định tạm không đề cập tới chuyện trở về vào mùa hè này để thực hiện lời hứa với người đã khuất.

- Rứa Hiển định răng chừ rời Huế?

- Vâng, ngày mai mình sẽ ra ga sớm... một mình trên sân ga...

Tôi định nói đùa nhưng nửa chừng mất hứng thú, nhỏ giọng lại, lúng túng cúi mặt trên tách trà đã cạn còn ngan ngát chút hương sen..

Không biết mấy phút đã trôi qua khi tôi nghe tiếng bạn, cũng hạ giọng thật nhỏ, như vừa lỡ nói với chính mình:

- Ở khu vườn cũ này, mình cũng một mình...

Tôi ngẩng mặt lên một cách khó nhọc, sửng sốt nhìn người đang lặng lẽ quay đi. Mấy phút trôi qua, tôi vẫn chưa thốt lên được một lời nào, và Kiều vẫn trong tư thế cũ, hàng mi cong vút và sống mũi thanh tú nổi rõ trên nền vườn khuya. Người năm xửa năm xưa vẫn giữ mãi được vẻ sáng láng, đài các như đoá hồng kỷ niệm, đoá hồng đã từng cào rách tay tôi đến rướm máu, héo tàn dần với thời gian, chỉ riêng hồn hoa còn bùi ngùi mãi; đoá hoa hồng của một đêm thương đau tuyệt vời khi tôi đã vụng về bứt ra một đóa cho riêng mình, trước khi ném qua cái cổng sắt đóng chặt gần hai mươi năm trước! 

Tôi rồ xe, cố tránh nhìn Kiều, dù thật ra ở cổng vườn, bóng tối hoàn toàn che mất khuôn mặt chủ nhân của Tịch Cốc. Trái với việc huyên thuyên, nũng nịu suốt cả buổi gặp, cái bóng nhỏ xíu của cựu hoa hậu trường Sư phạm dựa hẳn vào thân cây ngọc lan đã hoàn toàn hóa đá, như muốn cỏ cây cùng chia sẻ khúc vĩ thanh vô lường của những kiếp người.

Tôi chầm chậm đi dọc theo đường xóm, rồi rẽ vào con đường nhỏ băng ngang qua hồ Tĩnh Tâm. Con đường tự dưng trắng bệch dưới ánh trăng khuya, y như một dải nón lụa cố giấu bớt nét Kiều buồn rười rượi của các o tôn nữ. Dựng xe sát thành cầu tôi đi ngay đến bậc cấp xuống hồ, nơi mặt hồ ngày nào vẫn còn lồng lộng bóng trăng. Và như một diễn viên kịch câm, tôi nhẹ nhàng rút tay ra khỏi túi quần, xòe ra trước mặt, ngay giữa trời khuya và dưới ánh trăng nội thành càng lúc càng vằng vặc.

Máu - những giọt máu lấm tấm đỏ hồng! Vâng, những giọt máu rỉ rỉ từ những vết xước của kỷ niệm. Diễm Kiều ơi, đúng như em thường dằn vặt, hoài nghi, có một đóa hồng trong bó hoa dành tặng riêng em ngày nào đã bị vò nát. Sỏi đá muộn màng hẳn đang tự hỏi liệu còn cần tới nhau nữa không! Hồ xanh ơi, hình như em đã già cỗi thật rồi chăng? Liệu ký ức của em còn ủ giùm tôi những cánh hoa của tuổi xuân? Những cánh hoa bây giờ phiêu dạt đâu rồi hay vẫn còn giấu mình dưới mặt hồ u uẩn này, thỉnh thoảng lung linh hiện về, thì thào an ủi những mối tình câm!

N.T.V

(SH số tháng 8 - 2002)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng