Tạp chí Sông Hương -
Giáo sư của những khu rừng ngập mặn
13:17 | 05/07/2009
Có một ngôi nhà ba tầng cũ kỹ nép sau tán cây bàng nằm sâu trong ngõ Lương Sử B trên đường Quốc Tử Giám (Hà Nội), với một tấm biển nhỏ cũng rất khiêm tốn đề tên “Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn”. Ít ai biết ông già nhỏ bé ăn vận giản dị phụ trách trung tâm là một người nổi tiếng: GS.TS Phan Nguyên Hồng.
Giáo sư của những khu rừng ngập mặn
GS.TS Phan Nguyên Hồng - Ảnh: T.H

Giáo sư Phan Nguyên Hồng là một trong những chuyên gia hàng đầu của châu Á về rừng ngập mặn, từng được vinh danh với giải thưởng quốc tế về môi trường của Nhật Bản mang tên Cosmos (2008).

Ông bắt đầu nghiên cứu rừng ngập mặn một cách rất tình cờ, từ năm 1964. Là thành viên trong đoàn nghiên cứu điều tra quy hoạch phân vùng tự nhiên và kinh tế tỉnh Quảng Ninh, ra đến đảo Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng, Phan Nguyên Hồng khi đó là giảng viên khoa sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bắt đầu biết đến một thảm thực vật đặc biệt. Đó là những khu rừng ngập mặn ven biển mà người dân quen gọi là rừng sú, vẹt.

Say mê cả đời từ một chuyến đi

GS Phan Nguyên Hồng là nhà khoa học đi tiên phong và gắn bó lâu nhất với công việc nghiên cứu rừng ngập mặn, trở thành chuyên gia đầu ngành của VN về lĩnh vực này. Ông đã hoàn thành khoảng 50 công trình khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế, là tác giả và đồng tác giả hàng trăm báo cáo khoa học, trên 20 giáo trình và sách giáo khoa về sinh học, thực vật học. Những nghiên cứu của ông và cộng sự góp phần khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở nhiều vùng rừng ngập mặn phía Nam.

Trong đó, thành công khiến GS Hồng tự hào nhất là góp phần tìm ra tính đa dạng sinh học cao và phục hồi rừng ngập mặn ở Cần Giờ (TP.HCM). Từ vùng đất hoang hóa, nay Cần Giờ trở thành lá phổi xanh của TP.HCM, được UNESCO công nhận là khu sinh quyển rừng thứ hai trên thế giới sau khu Ranong của Thái Lan. Trung tâm của ông đã hỗ trợ kỹ thuật và tìm nguồn kinh phí để các địa phương trồng mới được hơn 20.000ha rừng ngập mặn.

Chuyến đi đã mở ra cho ông một con đường mới mà ông say mê đeo đuổi suốt cuộc đời. Ông nhớ lại: người dân địa phương đánh bắt được nhiều loại hải sản chất lượng cao từ rừng ngập mặn nhưng cũng sẵn sàng chặt hàng thuyền cây chở về làm than củi. Chỗ nào cây bị đốn chặt, chỗ đó lượng hải sản giảm hẳn. Ông nói: “Có lẽ bản năng của một nhà khoa học đã thôi thúc tôi thấy cần phải nghiên cứu, phải giúp bà con hiểu nếu tiếp tục phá rừng sẽ không còn nguồn hải sản khai thác”.

Nghiên cứu về rừng ngập mặn lúc đó ông phải bắt đầu từ con số không. Lĩnh vực này quá mới mẻ ở VN, tài liệu hầu như không có. Nguồn tài liệu bên ngoài vào thời điểm đó chỉ duy nhất có từ Nga và các nước Đông Âu thì họ chỉ nghiên cứu về rừng nhiệt đới.

Phải tự mày mò nghiên cứu, mãi đến những năm 1970 Phan Nguyên Hồng mới được tiếp cận những tài liệu của Mỹ có liên quan đến rừng ngập mặn. Ngay sau khi miền Nam giải phóng, ông lên đường vào tận các tỉnh cực Nam của Tổ quốc để đến với những cánh rừng đước, bần, tràm, dừa nước... ở Minh Hải (cũ)...

Cuộc sống và phương tiện làm việc, đi lại những năm đầu giải phóng và thời kỳ bao cấp hết sức khó khăn, có khi phải nhịn đói, nhịn khát, lạc rừng... nhưng những chuyến đi của ông vẫn đều đặn, không có khu rừng ngập mặn nào suốt dọc bờ biển VN chưa có dấu chân ông.

Khó, khổ cũng phải nghiên cứu

Các đồng nghiệp của ông vẫn nhớ hình ảnh Phan Nguyên Hồng những ngày cuối tuần bền bỉ đạp xe từ Thái Nguyên về bờ biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Ngày nghỉ đêm đi, ông đã vượt qua những chặng đường dài gần 6.000km trong chiến tranh ác liệt đến các vùng ven biển phía Bắc để tìm những bí ẩn trong các khu rừng ngập mặn.

Đi xe đạp ông phải đi rất chậm, ban ngày tránh bom trong hang đá, đêm mới đi. Bom đạn làm đường khó đi, thời chiến tranh người dân thấy người lạ cũng e dè, không dám tiếp xúc... Lăn lộn ở những khu rừng ngập mặn trong thời chiến, ông đã trải qua những lần nguy hiểm cận kề với cái chết khi gặp máy bay Mỹ thả bom.

Thành lập Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn từ năm 1987 nhưng suốt hơn 20 năm qua, trung tâm của ông chưa có văn phòng làm việc chính thức. Trung tâm ở nhà thuê tạm, tự tìm nguồn kinh phí từ các dự án do nước ngoài hỗ trợ để nghiên cứu, trả lương cho cán bộ nhân viên, trang trải công tác phí cho những chuyến đi thực địa... Khoát tay một vòng chỉ căn phòng làm việc chật chội, cực kỳ đơn sơ với món đồ giá trị nhất có lẽ là mấy chiếc máy vi tính, GS Phan Nguyên Hồng lạc quan: “Trước đây văn phòng còn tạm bợ hơn. Có được chỗ như vậy cho anh em làm việc là tốt rồi. Công việc chính của chúng tôi là thực địa, lội rừng, đi biển”.

Đây quả là một chỗ làm việc lý tưởng nếu so sánh với “phòng thí nghiệm” đầu tiên của ông trong căn nhà rộng 10m2 ở 91 phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) - nơi ông sống cùng gia đình vợ. Bên dưới là cửa hàng của mẹ vợ, giữa là tầng gác để gia đình ở, còn trên sân thượng là “phòng thí nghiệm”.

Tự học để mở cửa ra thế giới

Rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Nhìn lại cuộc đời của GS Phan Nguyên Hồng, không thể nói ông là người may mắn. Trúng tuyển vào ĐH Dược nhưng không thể đi học vì quá nghèo, ông xin chuyển sang Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành sinh vật học. Năm 1963, được cử đi Liên Xô (cũ) học, ông đã học xong tiếng Nga nhưng đến lúc làm thủ tục lên đường thì lại bị ách do những biến động chính trị ở Liên Xô khi đó. Nhưng không vì thế mà ông buông xuôi.

Ông xác định nếu muốn làm việc ở trường ĐH, tiếp tục đứng trên giảng đường thì phải tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Với suy nghĩ ấy, ông trở thành một trong ba người đầu tiên làm luận án phó tiến sĩ và bảo vệ trong nước. Sau này đến luận án tiến sĩ cũng vậy, ông nghiên cứu rồi hoàn tất, bảo vệ luận án ngay trong nước mà không có giáo sư nào hướng dẫn.

Ông chia sẻ: “May mắn nhất là nhận ra mình dốt để học hỏi không ngừng. Không được đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài thì phải tự học để mở cánh cửa ra thế giới bên ngoài”. Bằng con đường tự học là chính, ông đã thông thạo tiếng Anh để có thể viết nhiều tài liệu, báo cáo khoa học, trình bày tham luận, kết quả nghiên cứu ở nhiều hội thảo khoa học quốc tế.

Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc biệt và hiếm có mà VN là một trong những quốc gia may mắn được thiên nhiên ban tặng. Rừng ngập mặn chỉ có ở các nước nhiệt đới, á nhiệt đới và có nhiều tác dụng trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhờ những đặc trưng riêng như tầng tán dày, hệ thống rễ chằng chịt... rừng ngập mặn được đánh giá là một “bức tường xanh” vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích lũy carbon, giảm khí CO2...

GS Phan Nguyên Hồng cho biết một trong những lý do khiến trung tâm nghiên cứu của ông có thể tiếp cận nhiều dự án hỗ trợ của nước ngoài là nhờ từ năm 1990 đến nay trung tâm duy trì được việc hằng năm ra sách, tuyển tập kết quả nghiên cứu bằng tiếng Anh. “Mình làm được gì thì phải công bố người ta mới biết đến. Nhưng nếu chỉ công bố bằng tiếng Việt sẽ hạn chế vì nước ngoài không thể tiếp cận được thông tin”.

Bước sang tuổi 75, GS Phan Nguyên Hồng đã yên tâm khi phía sau ông có một đội ngũ kế cận trẻ trung đầy năng lực, tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu về rừng ngập mặn. Tháng 5 vừa qua, trung tâm của ông lần đầu tiên có văn phòng làm việc chính thức trong khuôn viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sau chừng đó năm “lang thang”.

Nhưng ông vẫn còn nguyên một nỗi niềm trăn trở, đó là tương lai của những khu rừng ngập mặn. “Bức tường xanh” quý giá này đang bị tàn phá bởi những ích lợi trước mắt từ việc nuôi trồng thủy sản, mà để lại hậu quả là chúng ta có thể sẽ mất đi lá chắn bảo vệ trước những ảnh hưởng từ nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thời gian không lâu nữa. Vì trăn trở này mà GS Phan Nguyên Hồng vẫn chưa thể yên tâm nghỉ hưu... 

Ông đã làm thí nghiệm giữ hạt bần tránh rét và tránh ánh sáng trên “phòng thí nghiệm” thô sơ đó. Đó là một thí nghiệm rất khó, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi hạt cây bần có thể nảy mầm. Đáng lẽ phải làm thí nghiệm trong nhà kính nhưng điều kiện không có, GS Phan Nguyên Hồng cùng hai đồng nghiệp tự làm nhà tạm bằng nilông, mắc đèn lấy ánh sáng.

TS Lê Xuân Tuấn không thể nào quên những đêm gió mùa đông bắc, mưa phùn cùng GS Hồng và TS Asano (người Nhật Bản) lọ mọ trèo lên nóc nhà suốt đêm vừa theo dõi ghi lại kết quả thí nghiệm vừa lạnh run người. Rồi thầy trò cùng nhau chuyển từng can nước biển từ Hải Phòng về chật vật vác lên sân thượng tưới cho những hạt cây mới nảy mầm. Từ căn phòng thí nghiệm bé xíu trên nóc nhà giữa thành phố, nhiều kết quả đã cùng GS Phan Nguyên Hồng đến với thực tiễn, góp phần phủ xanh nhiều dải bờ biển miền Bắc.

                                                                              Theo THANH HÀ - TT

Các bài mới
Các bài đã đăng