Tạp chí Sông Hương -
Giá trị trường tồn về Dân tộc, Tổ quốc, Nhân dân
16:35 | 02/09/2019

Từ khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn canh cánh bên lòng ước nguyện cháy bỏng là “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Giá trị trường tồn về Dân tộc, Tổ quốc, Nhân dân

GS.TSKH. VŨ MINH GIANG - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, tâm nguyện ấy đã được thể hiện xuyên suốt hai văn kiện mà Người để lại, đó là Tuyên ngôn độc lập và Di chúc; đồng thời được khẳng định trong thực tế lịch sử dân tộc Việt Nam.

Ba từ, sáu chữ

- Mặc dù ra đời vào hai thời điểm, song Tuyên ngôn độc lập và Di chúc đều thể hiện rất rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề độc lập dân tộc. Ông có thể phân tích rõ hơn tư tưởng này của Người?

“Xét cho cùng, từ những bài học trong lịch sử, xâu chuỗi hai văn bản Tuyên ngôn độc lập và Di chúc, có thể rút ra kết luận: Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải hiểu sâu sắc điều khắc cốt ghi xương của Người, là suốt một đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm sao để đưa Việt Nam có thể sánh vai các cường quốc năm châu”.

GS.TSKH. VŨ MINH GIANG

- Tuyên ngôn độc lập là văn kiện tuyên bố chấm dứt thời kỳ đất nước mất độc lập, mất chủ quyền, là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Với Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ mai sau những mục tiêu và lý tưởng và ước nguyện của Người về tương lai của đất nước. Tôi thấy tình cảm xuyên suốt hai văn kiện này là ba từ, sáu chữ, đó Dân tộc, mà Hồ Chí Minh quen dùng từ Giống nòi; Tổ quốc - Đất nước; và Nhân dân hay Đồng bào - cội nguồn sức mạnh.

“Dân tộc - Tổ quốc - Nhân dân”, mọi tư tưởng, triết lý, học thuyết, phương pháp của Người chỉ xoay quanh 6 chữ này. Để hiểu nguồn căn, chúng ta trở lại thời kỳ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Lúc Người ra đi Dân tộc mất độc lập, Đất nước mất tự do, Nhân dân sống lầm than trong thân phận của kẻ nô lệ. Biết bao cuộc nổi dậy đã bị dìm trong bể máu, biết bao người con ưu tú đã phải máu chảy, đầu rơi… nhưng rút cục vẫn không giành lại được độc lập. Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi để mở mang tầm mắt và để hiểu hơn phải làm gì trên con đường giải phóng dân tộc. Với ý chí quyết tâm của một người con yêu nước, Người đã chọn cho mình bí danh Nguyễn Ái Quốc và giải thích lý do đến với chủ nghĩa Lênin cũng vì đây là học thuyết bênh vực và ủng hộ những dân tộc bị áp bức. Nguyễn Ái Quốc tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin lúc đầu không phải vì hệ thống lý luận của học thuyết này mà là tìm thấy sự hậu thuẫn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nói cách khác, Người đã tìm thấy con đường đem đến độc lập cho dân tộc, tự do cho đất nước, và hạnh phúc cho nhân dân.

Giữ niềm tin trong nhân dân

- Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn 6 chữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc làm tiêu ngữ của tên nước và là mục tiêu phấn đấu trọn đời mình, thưa ông?

- Có thể giải thích, độc lập là dân tộc, tự do là thể chế của một quốc gia, hạnh phúc chính là vì nhân dân. Nước Việt Nam có tiêu ngữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, chính là điều tôi muốn nói đến, về dân tộc, Tổ quốc và nhân dân.

Dân tộc Việt Nam so với nhiều dân tộc khác trên thế giới, có lịch sử khá đặc biệt. Chúng ta có những trang sử oai hùng, nhưng cũng có những thời kỳ đau thương mà khó có dân tộc nào sánh được. Chúng ta là một dân tộc từng phải chịu kiếp nô lệ, liên tục bị đồng hóa cả nghìn năm, nhưng cuối cùng vẫn giành lại được độc lập. Rồi sau đó lại kiên quyết bảo vệ nền độc lập của mình bất chấp những thế lực mạnh nhất thế giới xâm phạm. Đó chính là khát vọng của một dân tộc mà Hồ Chí Minh đã khái quát thành chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đem hết tâm huyết, gan ruột của mình để tỏ bày với đồng bào, với thế giới, bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh vì thế mãi mãi có giá trị thời sự, không phải là câu chuyện của lịch sử nữa, mà hôm nay nhắc lại vẫn nguyên giá trị.

Việt Nam là một đất nước không lớn, có vị trí địa chiến lược rất đặc biệt nên thường xuyên phải đối phó với các thế lực ngoại xâm. Để vượt qua những thử thách hiểm nghèo, chúng ta đã phải huy động lực lượng lớn trong toàn dân. Thời Trần, Hưng Đạo Vương đã chỉ ra nguyên nhân ba lần đại thắng quân Mông - Nguyên là do vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước nhà góp sức. Nguyễn Trãi cũng đã khái quát dân như nước, chính quyền như con thuyền. Chở thuyền hay lật thuyền cũng đều do dân. Chính từ đây mà các vị anh hùng dân tộc trong lịch sử và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra vai trò của nhân dân là nhân tố quyết định vận mệnh đất nước. Cho nên phải giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân, giữ lấy niềm tin trong nhân dân, mất dân là mất nước. Nhà Hồ thất bại do cậy thành cao, hào sâu, binh lực mạnh mà không có được lòng dân. Nhà Nguyễn thất bại nguyên nhân chủ yếu là mất lòng dân, “sợ dân hơn sợ giặc”…

Mục tiêu cao cả tạo ra sức mạnh dân tộc

- Trong câu cuối Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Trong thời điểm hiện nay, mong muốn này được hiểu như thế nào?

- Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, tình đoàn kết trong phong trào Cộng sản quốc tế vốn bị sứt mẻ nghiêm trọng từ trước vẫn không được cải thiện. Việc này có nhiều lý do, bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà Đảng không thể thực hiện được như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai chữ “đoàn kết” là bởi trong tư tưởng của Người hai chữ này là mục tiêu cao cả tạo ra sức mạnh dân tộc. Ở phạm vi trong nước, chúng ta làm được bao nhiêu kỳ tích không thể thiếu hai chữ “đoàn kết”, đoàn kết trong lãnh đạo, lãnh đạo với nhân dân và trong nội bộ nhân dân. Câu chuyện này không phải những điều có tính nguyên lý mà xuất phát từ thực tiễn. Xã hội Việt Nam đoàn kết đùm bọc nhưng sự đoàn kết ấy trải qua một thời kỳ lịch sử dài, được hình thành trong điều kiện phải đối phó với hoàn cảnh, với thiên tai, địch họa. Khi gặp phải nguy cơ ấy đều rất đoàn kết. Khi những nguy cơ đó thuyên giảm hoặc gần như không thấy thì tính đoàn kết dần dần bộc lộ mặt trái là chủ nghĩa cá nhân, là lo vơ vét cho bản thân, dẫn tới xung đột, lợi ích nhóm. Hồ Chí Minh từng dặn đi dặn lại rằng: “Phải giữ gìn đoàn kết như giữ con ngươi của mắt mình” bởi đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh.

Thế thì, điều căn dặn của Hồ Chí Minh về đoàn kết, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh cũng vì dân tộc, cho Tổ quốc và cho nhân dân.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng