Bén duyên nghệ thuật và giáo dục cho thiếu nhi gần 15 năm nay, khi động lực đã đủ, MC Nguyễn Anh Luân (Giám đốc điều hành ALU Academy) thực hiện một trong những ước mơ lớn: Vận hành sân khấu cộng đồng cho trẻ em.
Phóng viên (PV): Trong khi nhiều người đang ưu ái nghệ thuật hiện đại để thu hút khán giả, tại sao một người trẻ như anh lại muốn phát triển sân khấu cộng đồng hướng về nét văn hóa xưa?
MC Anh Luân (AL): Cách đây mấy năm, khi tổ chức chương trình nghệ thuật thiện nguyện phục vụ trẻ em vùng sâu, vùng xa, tôi nảy ra ý định phải làm điều gì đó để kích thích sự sáng tạo của những đứa trẻ đầu khét nắng, ít có cơ hội tiếp cận các loại hình văn hóa nơi đây.
Tự mình tạo kế hoạch, kết nối những người cùng sở thích và kêu gọi sự hỗ trợ, đồng hành của bạn bè trong giới nghệ sĩ, đến nay, tôi đã chính thức vận hành dự án “Sân khấu cộng đồng” của mình. Hiện tại, tôi và các cộng sự đã đưa vào hoạt động sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp, lấy văn hóa Việt Nam làm gốc với vở kịch nghệ thiếu nhi đầu tiên - “Cuộc phiêu lưu của cậu bé Tít” - được rất nhiều khán giả yêu thích. Đây là bước đầu của dự án. Diễn viên của sân khấu này là các em nhỏ tài năng được chính tôi cùng các đồng nghiệp trong ALU Academy chọn lựa và đào tạo.
PV: Thông qua tác phẩm của mình, anh muốn gửi gắm đến người xem điều gì?
AL: Tôi có tham vọng không chỉ giới thiệu đến khán giả những tác phẩm mang dáng dấp của trẻ thơ mà còn phải chở cả tuổi thơ của người lớn. Ai đã qua thời tuổi thơ thật đẹp chắc khó có thể quên “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Chúng tôi chọn chuyển thể tác phẩm văn học độc đáo này thành kịch theo hình thức mới mẻ, gần gũi các em nhỏ trong giai đoạn hiện nay. Tình yêu thương, tính nhân văn và sự đoàn kết là điều chúng tôi muốn gửi gắm đến bạn trẻ thông qua vở kịch lần này.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tái hiện lại hình ảnh các nhân vật lịch sử như Trần Quốc Toản, Đinh Bộ Lĩnh… Cùng với đó, là việc cộng hưởng các loại hình nghệ thuật dân tộc như tuồng cổ, cải lương, câu hò, điệu lý hay ca dao, tục ngữ, lời ru… Tôi tin mọi người sẽ hào hứng với những chương trình này.
PV: Cùng với các chương trình biểu diễn tại sân khấu cộng đồng, anh còn có những hoạt động nào để ươm mầm nghệ thuật cho trẻ em?
AL: Sẽ khá nhiều hoạt động. Số tiền tích lũy từ hoạt động biểu diễn của sân khấu, bên cạnh việc duy trì dự án, chúng tôi còn trích ra một phần để mang các tác phẩm nghệ thuật thú vị đến với các mái ấm, nhà mở tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, sau phần biểu diễn miễn phí, tôi sẽ tìm kiếm và ươm mầm những diễn viên nhí cho sân khấu của mình.
Chúng tôi sẽ đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa và vùng cao, những nơi ít có điều kiện tiếp cận các hoạt động nghệ thuật. Chúng tôi dự định sẽ xây dựng một hệ sinh thái gồm có biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, dạy kỹ năng sống và tiếng Anh dành cho tất cả các em nhỏ. Chúng tôi muốn thông qua lăng kính nghệ thuật giúp trẻ em mọi nơi sống nhân văn và yêu văn hóa Việt Nam hơn. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không mong điều gì to tát.
PV: Cùng với sân khấu cộng đồng đang dần được học sinh, phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh đón nhận, được biết Hội làng Gióng là một hoạt động văn hóa cũng được anh đặt nhiều tâm huyết. Hoạt động này có điểm gì đặc biệt?
AL: Đây là điểm hẹn văn hóa được tôi và các đồng nghiệp dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để thực hiện nhằm tạo ra một không gian kết nối mọi người với nhau. Trong một không gian hoài cổ với cổng làng bằng tre, khách tham quan không chỉ được tìm hiểu, thưởng thức những món ăn thuần Việt ngày xưa mà còn được chơi những trò chơi dân gian quen thuộc như bịt mắt đập heo, nhảy bao bố, kéo co, ném lon, lò cò… hoặc thưởng thức cải lương, hát đối, tìm hiểu về áo dài và nhiều trang phục truyền thống khác. Tại đây, mọi người đặc biệt là các em nhỏ sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị của văn hóa Việt.
PV: Điều hành một học viện nghệ thuật cho trẻ, vận hành một sân khấu cộng đồng cùng khá nhiều chương trình thiện nguyện, có bao giờ anh thấy quá sức không?
AL: Được làm điều mình yêu thích thì chưa bao giờ tôi thấy mệt mỏi, ngay cả lúc khó khăn nhất. Tôi chỉ mong lan tỏa được các dự án của mình đến người cần nó và kết nối được những trái tim có cùng tâm huyết để làm được nhiều điều ý nghĩa hơn.
Là dự án quan trọng nhất giai đoạn này nhưng sân khấu cộng đồng chưa là đích đến mà tôi còn đang ấp ủ một dự định lớn hơn. Đó là xây dựng một ngôi trường đặc biệt, nơi dạy thuần về văn hóa Việt Nam, những điều mới mẻ, thậm chí xa lạ với không ít trẻ em thành phố hiện nay. Ở đó, học sinh sẽ được tìm hiểu sâu về văn hóa, con người Việt Nam để tự hào và giữ gìn mỗi ngày. Ở đó, văn hóa Việt được dưỡng nuôi bằng những điều bình dị nhất như vun đắp tình yêu gia đình, tình yêu quê hương với phong tục tập quán đáng quý của người xưa.
Phát triển là quy luật, chúng ta không thể nào ngăn cản được. Nhưng khi phát triển nhiều quá mà bản thân của chúng ta, đặc biệt là người trẻ không có cốt cách thì rất dễ bị hòa tan, mất đi cái gọi là bản sắc. Vậy nên, những cái thuộc về văn hóa cần được dưỡng nuôi từ nhỏ và lâu dài để thế hệ trẻ thấu hiểu và tự hào với văn hóa của dân tộc mình.
PV: Xin cảm ơn anh!
Theo Mỹ Dung - Thời Nay/Nhandan