Nhìn từ phía viết văn, nghề báo giúp người làm văn chương có cảm quan hiện thực bén nhạy, tinh tế, sự dấn thân mạnh mẽ, vốn liếng ngôn từ sống động, cập nhật. Nhìn từ phía nghề báo, năng lực văn chương giúp người làm báo kỷ luật ngôn ngữ cao độ, khả năng liên tưởng dồi dào, lối viết biến hóa và linh hoạt, và nhất là khát vọng sáng tạo những tác phẩm có sức sống lâu bền.
Hỗ trợ, tôn vinh và “làm giàu” cho nhau
Thực tế, trong nền báo chí Việt Nam, đội ngũ những người làm báo, hầu hết đồng thời cũng là nhà văn hoặc nhà văn hóa. Kể từ thời học giả Trương Vĩnh Ký, rồi đến Nguyễn Văn Vĩnh, sau đó là những tên tuổi lớn trong làng báo Việt Nam như Vũ Đình Chí, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng và rất nhiều người khác, đều cùng lúc vừa làm báo, vừa viết văn và cả hai lĩnh vực đều nổi tiếng. Vũ Trọng Phụng trở thành “ông vua phóng sự đất Bắc”, Vũ Bằng là “một nhà báo kiệt hiệt” (Tô Hoài); Ngô Tất Tố một cây bỉnh bút (biên tập viên) xuất thân Nho học mà không thua kém bất cứ nhà báo Tây học nào…
Nhân ra mắt cuốn “Chuyện đời, chuyện nghề” của nhà văn, nhà báo Võ Đăng Danh, các nhà văn đồng tình, báo chí và văn chương có mối quan hệ khăng khít, đôi khi là bất phân định. Bao nhiêu tên tuổi lớn trong nước và thế giới đã chứng minh điều này. Họ đều là những nhà báo lớn, đồng thời là những nhà văn xuất sắc. Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định, ngay trong đời sống báo chí, văn chương hôm nay, cũng dễ dàng tìm ra không ít trường hợp người viết trên cả hai lĩnh vực này rất thành công. “Nhà văn, nhà báo chỉ khi viết về cuộc đời mình, gia đình mình, về những nỗi phiền muộn, bất hạnh, bất công trong đời sống xã hội mà cũng đầy tính thời sự. Những áng văn đẹp, xúc động ấy làm thức dậy những gì đẹp đẽ nhất, giấu kín nhất trong suy nghĩ của nhiều người đọc, trong đó có những vấn đề mà báo chí quan tâm”.
Nhìn từ phía viết văn, nghề báo giúp cho người làm văn chương có cảm quan hiện thực bén nhạy, tinh tế, sự dấn thân mạnh mẽ, vốn liếng ngôn từ sống động, cập nhật, hiện đại; một tinh thần trẻ và năng động. Nhìn từ phía nghề báo, năng lực văn chương giúp người làm báo kỷ luật ngôn ngữ cao độ, khả năng liên tưởng dồi dào, lối viết biến hóa và linh hoạt, ý thức về cái tôi phong cách của người cầm bút thường trực; và nhất là khát vọng sáng tạo những tác phẩm có sức sống lâu bền với cuộc đời. Nhà phê bình Ngô Văn Giá nhận xét, các nhà văn cảm nhận toàn bộ cuộc sống thông qua số phận, biến cố của gia đình, quê hương, dân tộc. Đọc văn của họ có thể thấy được lịch sử qua các câu chuyện, số phận, chứ không phải ở số liệu chung chung; bên cạnh đó là văn hóa vùng miền, hơi thở đời sống, không gian thiên nhiên, phong tục tập quán… giống công việc của người làm báo vậy.
Báo chí và văn chương không loại trừ mà hỗ trợ lẫn nhau, tôn vinh và “làm giàu” cho nhau. Sinh thời, nhà văn Tô Hoài kể, để viết được tiểu thuyết “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”, ông phải đi điền dã thực tế 8 tháng. Khi về ông viết gần chục bài báo trước, sau mới ngồi viết tiểu thuyết. Ông bảo, không nên có sự phân biệt giữa ký báo chí và ký văn học. Vẫn chất liệu ấy, khi cần thì viết báo, lúc khác lại viết văn, miễn là hiểu được đặc trưng mỗi loại hình; tránh viết báo ra văn và viết văn ra báo.
Thấm tình đời, tình nghề
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, các nhà báo hôm nay đã dấn thân vào đời sống xã hội, đi tìm tận cùng sự thật, thấy được những gì đang diễn ra. “Ngoài sự quả cảm đó, tôi nghĩ rằng những gì làm nên tên tuổi các nhà báo lâu nay theo phong cách nhà báo Việt Nam, đó là do một cây bút văn viết ra các vấn đề xã hội, được bày tỏ một cách trung thực nhất, công bằng nhất. Hay có thể nói, sứ mệnh, trách nhiệm, lương tâm nhà báo được thể hiện rất rõ trong tư cách một nhà văn”.
Từng là phóng viên báo Minh Hải, Người Lao Động, Sài Gòn tiếp thị, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, nhà văn Võ Đắc Danh cũng là cây bút nổi tiếng với thể loại bút ký, với giải Nhất bút ký Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam 2008. Ông cho biết, trong các tác phẩm của mình, ông chọn cách viết dân dã để nói lên nỗi niềm trắc ẩn, đau đáu về những thân phận người dân, cảnh ngộ quanh mình và trăn trở về xã hội, về đất nước. Những số phận rất riêng ấy tạo được sự quan tâm chung, chạm vào cảm xúc và nhận được sự đồng cảm của người đọc.
Thường thì nhân vật của nhà văn làm báo dù trong hồi ký hay những bài bút ký, bài báo của mình là những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống; về những thân phận con người oan khuất, cùng khổ, những sự bất công, phi lý đôi khi đến uất nghẹn. Các tác phẩm “Đồng cỏ chát”, “Nỗi niềm U Minh Hạ”, “Nhức nhối một vùng quê”… và đặc biệt là “Chuyện đời, chuyện nghề” của Võ Đắc Danh đã nói lên điều đó, khiến người đọc khó có thể không động lòng.
Nhà văn Võ Đắc Danh chia sẻ, ngay những lúc cuộc sống riêng đầy khó khăn, thiếu thốn, ông vẫn chọn đứng cùng phía với những người dân oan khuất để cất lên tiếng nói cho họ. Với lựa chọn này, có lúc ông phải đối mặt với nguy cơ tù tội, mất việc làm. Khi cuộc sống đã sung túc hơn, Võ Đắc Danh tiếp tục đến với người nghèo không phải chỉ bằng những bài viết mà bằng những đóng góp và vận động xây hàng chục cây cầu nông thôn. Đó là tình đời, tình nghề đã thấm vào các trang văn của một người làm báo.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng, qua sản phẩm của các nhà văn viết báo, cụ thể qua “Chuyện đời, chuyện nghề”, thấy được những câu chuyện về cuộc đời. Đó không chỉ là chuyện cuộc đời nhà văn, nhà báo Võ Đắc Danh, mà cả bối cảnh xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều câu chuyện như những lát cắt thô ráp, trần trụi, đau xót, phẫn nộ về xã hội. Ở đó không chỉ kể về số phận một con người mà còn làm hiện lên số phận cả vùng đất.