Ngày 22/9, Omega Plus Books phối hợp cùng với Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đã tổ chức buổi tọa đàm ra mắt tác phẩm “Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 – 1944” của Nhiều tác giả; do dịch giả Lưu Đình Tuân tuyển dịch.
Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 là cuốn sách do Lưu Đình Tuân tuyển chọn và dịch lại những bài viết quan trọng về Việt Nam từ năm 1941 đến 1944 của tuần báo minh họa Indochine viết bằng tiếng Pháp, thuộc Hội Alexandre de Rhodes, số đầu tiên ra ngày 12-9-1940.
Sách gồm 47 bài viết được chọn lọc lại và sắp xếp theo bố cục thời gian; với nhiều đề tài đa dạng khác nhau được dư luận xã hội Việt Nam quan tâm, chắc chắn là tài liệu tham khảo hữu ích đối với độc giả hiện đại.
Nhiều tác giả có bài viết được chọn trong cuốn sách này là những học giả, chuyên gia: G. Coedès, L. Malleret, Henri Parmentier, Louis Bezacier, Jean-Yves Claeys… Ngoài ra còn có Trần Văn Giáp, bà Trịnh Thục Oanh (hiệu trưởng trường École Brieux, nay là trường THCS Thanh Quan, Hà Nội)…
Indochine là một tờ báo đa diện và đa dạng với ưu thế gồm những tên tuổi lớn người Pháp và người Đông Dương lúc đó, có nhiều người là thành viên Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đưa lên mặt báo mọi vấn đề, chính trị cũng như nghệ thuật, kinh tế cũng như văn chương.
Indochine có phần kết tinh hoặc vay mượn của các tập san Pháp ngữ “đàn anh” như Revue Indochinoise illustré, Amis du vieux Hue, Bulletin de l'Ecole française de l'Etrême-Orient, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, l'Ecole française de l'Extrême-Orient, Les Pages Indochinoises... Nhưng khác với các tập san trên, Indochine đáp ứng được nhiều tầng lớp độc giả, hàn lâm cũng như bình dân. Đó là nhờ sự súc tích và trong sáng của các bài viết.
So với thế hệ tiên khởi, những người Pháp viết cho Indochine là những người sống muộn hơn và lâu hơn ở Đông Dương vào lúc văn hóa Pháp-Nam đã giao thoa với nhau nhiều hơn. Họ Đông Dương hơn, tự nhận mình là người Đông Dương (Indochinois), người Bắc kỳ (Tonkinois)..., thậm chí có người, như nhà khảo cổ Henri Parmentier, nhận Đông Dương là tổ quốc thứ hai của mình. Vì vậy, dịch Indochine ra Việt ngữ là việc cần thiết, đặc biệt khi đó là những bài viết của một quá khứ vừa mới diễn ra mà nhiều người còn cảm nhận được, trước khi tất cả thành nhạt nhòa, tranh cãi.
Dịch giả Lưu Đình Tuân chia sẻ: “Indochine là một bộ máy mà nhiều báo, thậm chí ngay hiện nay, phải mơ ước! Sau này, có thể thấy phong cách Indochine trong các báo ảnh Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước khác nữa, nhưng không một tờ nào chúng tôi biết có thể sánh được với Indochine về hàm lượng tri thức và phổ đề tài, cũng như kỳ hạn ở cấp tuần.”
Phương Anh