Tạp chí Sông Hương -
Vĩnh biệt NSND Phùng Há: Tài đức vẹn toàn
09:08 | 07/07/2009
NSND Phùng Há, tên thật Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911, từ trần lúc 0 giờ 30 phút ngày 5-7-2009, thọ 99 tuổi, đã dấy lên trong lòng công chúng yêu thích cải lương nỗi niềm thương tiếc.
Vĩnh biệt NSND Phùng Há: Tài đức vẹn toàn
NSND Phùng Há (trái)

Cải lương, thuở bình minh...

Lâu nay hình ảnh của bà và nghệ sĩ (NS) cùng thời với bà đã trở thành biểu tượng của một lớp tiên phong, bằng tài năng và đức độ đã dấn thân cả cuộc đời mình để hoàn thành một loại hình nghệ thuật mới.

Trong tác phẩm khảo cứu Nghệ thuật sân khấu cải lương, nhà nghiên cứu Trần Văn Khải có viết những nét chính-mà ngay cả học giả Vương Hồng Sển cũng phải trích lại trong Hồi ký 50 năm mê hát và khẳng định “rành rẽ, đầy đủ, không ai chối cãi được”. Ta thử lướt đôi dòng: “Qua lối năm 1910, ở Mỹ Tho có ban nhạc tài tử của Nguyễn Tống Triều tục gọi Tư Triều (đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba Đắc (ca). Ban tài tử này đờn ca rất hay vì phần đông đã được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt tại cuộc triển lãm ở Pháp mới về.

Kế năm 1911, tài tử Nguyễn Tống Triều muốn đưa ca nhạc ra trước công chúng, nên thương lượng với chủ nhà hàng “Minh Tân khách sạn” ở ngang ga xe lửa Mỹ Tho - Sài Gòn để ban tài tử đờn ca giúp vui, thực khách đến nghe càng ngày càng đông. Nhận thấy sáng kiến này có kết quả khả quan, Thầy Hộ - chủ rạp hát bóng Casino phía sau chợ Mỹ Tho - muốn cho rạp hát mình đông khán giả bèn mời ban tài tử Tư Triều đến trình bày tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu, trước khi chiếu bóng. Lối ca trên sân khấu được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt” (tr.83).

Ít lâu sau, khoảng năm 1915-1916 có một khách tài tử mê cầm ca là ông Phó Mười Hai, (tức Tống Hữu Định) ở Vĩnh Long đến Mỹ Tho thưởng thức. Sau khi nghe cô Ba Đắc ca rất ngọt những bài cổ điển, ông có sáng kiến là nghệ sĩ phải đứng trên sân khấu vừa ca, vừa diễn xuất thì mới thật sự hấp dẫn. Lối diễn này gọi là “ca ra bộ”. Với sáng kiến quan trọng này, từ nay nghệ sĩ không còn ngồi đờn ca đơn thuần mà phải có động tác phù hợp với lời ca. Điều này đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả, không những nghe giọng hát hay mà họ còn được xem trình độ diễn xuất của nghệ sĩ.

Những vai diễn để đời

Qua những thông tin trên, ta biết Mỹ Tho - quê hương của NSND Phùng Há - là cái nôi của cải lương miền Nam, nhưng Sài Gòn là nơi nuôi dưỡng và phát huy nội lực của nó thành ma lực hấp dẫn để chinh phục công chúng cả nước. Trong thời điểm này, Phùng Há đầu quân cho gánh Tái Đồng Ban của ông Hai Cu, cha của NS Hai Giỏi. Khá khen cho “con mắt tinh đời” của ông Hai Cu. Bấy giờ, bà Phùng Há chỉ mới 11, 12 tuổi phải đi làm mướn trong một lò gạch, nhưng chỉ một lần nghe giọng ca lanh lảnh của bà cất lên là ông biết một “mầm non văn nghệ” sẽ tỏa sáng. Thế là ông nhận về gánh hát. 
 

Linh cữu NSND Phùng Há được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3) từ 18 giờ ngày 5-7. Đến 10 giờ ngày 8-7, linh cữu sẽ được đưa về quàn tại chùa Nghệ sĩ (116/6 Thống Nhất, P.11, Q.Gò Vấp). Động quan lúc 8 giờ ngày 10-7. An táng tại nghĩa trang Nghệ sĩ.

Nhờ người thầy đầu tiên hết lòng dạy dỗ là “thầy tuồng” Nam Mạnh (Nguyễn Công Mạnh) nên bà đã vào vai rất “ngọt”. Vai chính đầu tiên của bà là vai Thúy Kiều của soạn giả Trương Duy Toản. So với đương thời, gánh hát này diễn cải lương nhưng pha tuồng Tàu, họ quan niệm “đẹp phải thật” và “thật phải đẹp”. Chính vì thế, các NS phải học võ do võ sư dạy, phải sử dụng binh khí “như thật”... Nhờ luyện tập võ đạo bài bản nên bà Phùng Há đã “hớp hồn” công chúng qua các vai như Điêu Thuyền, vợ Thôi Tử, vợ Hoàng Phi Hổ...

Năm 1928, Bạch Công Tử (tức Phước Georges)-một tay chơi khét tiếng - từ Pháp về lập gánh Huỳnh Kỳ. Khi bà Phùng Há trở thành người đầu ấp tay gối với Phước Georges, gánh hát này mang tên Huỳnh Kỳ-Phùng Há. Gây chấn động trong dư luận lúc bấy giờ là lúc “thầy tuồng” Nam Mạnh tung ra vở lịch sử Giọt máu chung tình. Các suất diễn đều “cháy vé”. Thiên hạ tranh nhau mua vé cho bằng được, họ muốn được xem Phùng Há trong vai Bạch Thu Hà, Năm Thiên trong vai Võ Đông Sơ, Ba Thâu trong vai Triệu Tuấn... Khán giả như “chết mê chết mệt “lúc NS Phùng Há đứng trước quan tài Võ Đông Sơ cất tiếng than ai oán:

Thanh gươm ái quốc chàng treo đó
Giọt máu chung tình thiếp tưới đây

Giọng ca não nùng diễm tuyệt của bà đã lấy nước mắt của biết bao nhiêu công chúng mộ điệu. Trong vở Sĩ Vân công chúa, bà đóng chung với danh tài Năm Phỉ đã tạo nên đôi uyên ương độc nhất vô nhị của thời bấy giờ...


Phùng Há trong Khúc oan vô lượng (ảnh trái), trong vai Lữ Bố vở Phụng Nghi Đình (ảnh giữa), cùng Năm Phỉ trong vở Sĩ Vân công chúa (ảnh phải)

Không chỉ “làm mưa làm gió” trong mà NS Phùng Há còn tạo được tình cảm ái mộ của công chúng phía Bắc qua vở Khúc oan vô lượng. Hồi ký của NSND Sĩ Tiến cho biết: “Cuối năm 1933 khán giả Hà Nội được xem lối đóng trò sôi nổi nhanh nhẹn của đôi bạn nghệ thuật: Phùng Há, Năm Châu và toàn ban Trần Đắc; quả danh bất hư truyền”. Về tài năng của NS Phùng Há, Sài thành họa báo nhận xét: “Ôi! Còn nói gì đến cái biệt tài của ngôi sao nước nhà là cô Bảy Phùng Há. Cô đóng trò, ai xem rồi hồn phải vẩn vẩn vơ vơ, mơ mơ màng màng theo tiếng ca ngân lảnh lót của cô, lại thêm có Năm Châu kép chánh thì ai hơn nữa...”.

Năm 1936, NS Phùng Há kết hôn với kỹ sư Bửu và lập gánh Phụng Hảo. Gánh hát của bà đã thu hút được nhiều ngôi sao sáng chói nhất thời ấy như: Năm Châu, Ba Du, Tư Chơi, Kim Thoa... Tuy thành công vang dội qua các tuồng xã hội như Tô Ánh nguyệt, Đời cô Lựu... nhưng tuồng Tàu vẫn là một nét đặc sắc riêng của gánh Phụng Hảo. Tài liệu của GS Hoàng Như Mai cho biết một thông tin thú vị, bà còn “mời cả nhạc sĩ Trung Quốc về chơi nhạc, y phục thì mua từ Thượng Hải, Hồng Kông về".

Của tin còn một chút này...

Từ đây người bỏ đời sân khấu
Bỏ cả vinh hoa lẫn bụi đời
Pha loãng niềm đau trong bọt rượu
Uống hoài mộng cũ vẫn chưa phai

Câu thơ của thi sĩ Kiên Giang khóc NS tiên phong Tư Chơi (tức Huỳnh Thủ Trung) đã được bà Phùng Há ghi lại trong tâm khảm và nhắc lại nhiều lần với thế hệ sau. Hơn ai hết, bà đã chứng kiến sự “ra đi” trong bần cùng của nhiều bạn diễn tài danh.Chẳng hạn, NS Năm Phổi, Năm Út chết ngoài vỉa hè Sài Gòn, Paul Tấn chết dưới gầm cầu Khánh Hội... Cách đây mười năm, tôi thấy bà rơm rớm nước mắt nhắc lại cái chết của NS Tư Tín, bị vi trùng lao đục nát hai lá phổi, lúc sắp chết nhưng vẫn phải ra sân khấu phùng mang trợn mắt giễu hề mua vui cho thiên hạ...

Chính những cái chết thương tâm này đã khiến bà nghĩ đến việc lập một nghĩa trang cho nghệ sĩ. Sau một cuộc đua ngựa ở Phú Thọ, toàn bộ số tiền lãi đã được trao cho bà để tìm mua một lô đất ở Gò Vấp. Bấy giờ ông bầu Xuân - nguyên chủ bầu Dạ Lý Hương - nói với tôi: “Đất này mua năm 1959 của ông Trương Vĩnh Tống (dòng họ Trương Vĩnh Ký). Đến nay (1997) đã có hơn 400 ngôi mộ khang trang dành cho nghệ sĩ”. Tiếp chuyện, bà bảo: “Đời NS nghèo nhưng rất giàu tình nghĩa. Do đó trong chúc thư để lại, tôi đề nghị sau khi tôi qua đời thì mọi người đừng mua hoa làm gì, hãy để dành tiền đó dành cho anh em nghệ sĩ nghèo”. Có đúng là tâm nguyện của bà không? Nếu bạn còn nghi ngờ xin hãy đọc lại bài tôi viết về sự việc này trên báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 12-11-1997.

Vậy đó, NSND Phùng Há chẳng dành gì cho riêng mình. Trước đây cũng chính bà đứng ra xin Thủ tướng Võ Văn Kiệt cấp một khu đất 6.000 m2 để làm nơi an dưỡng cho NS nghèo neo đơn, bệnh tật. Vốn là người am hiểu và thông cảm sâu sắc với NS nên Thủ tướng đã đồng ý. Trong thư viết ngày 12-5-1993 gửi cho bà, Thủ tướng chia sẻ: “Đây là việc làm rất đáng khuyến khích, UBND TP.HCM cũng ủng hộ và giúp đỡ cấp đất xây dựng”. Viện Dưỡng lao (nằm cuối đường Âu Dương Lân, Q.8, TP.HCM) đã hoàn thành, thỏa điều tâm nguyện của biết bao NS.

Nay, NSND Phùng Há đã về cõi trời. Không chỉ vĩnh biệt tài năng tót vời của NS tiên phong của nghệ thuật cải lương bộ, chúng ta còn cúi đầu trước tâm đức của một con người luôn ý thức sống vì mọi người.

Xin thắp một nén nhang vĩnh biệt bà.

                                                                                                Theo TNTT>

Các bài mới
Các bài đã đăng