Tạp chí Sông Hương -
Một Nabokov khác
08:45 | 10/10/2019

“Ai cũng một thời trẻ trai”, kể cả đó là những nhà văn nổi tiếng nhất. Làm sao có thể ngờ được, trước khi bước vào ngôi đền huyền thoại với những hồi ức chiến tranh và sự khai sinh ra một Thế hệ lạc lối bị hủy hoại đến âu sầu, Ernest Hemingway đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Những dòng chảy mùa xuân (The torrents of spring) là một bản văn giễu nhại về nghề chữ? Và cuốn tiếu thuyết đầu tiên của Arthur Conan Doyle cũng không một chút liên quan tới trinh thám, mà thay vào đó, là tự sự của một người đàn ông trung niên độc thân, mắc bệnh gout ngẫm về đời.

Một Nabokov khác
Một ấn bản Mashenka bằng tiếng Nga. Nguồn: Amazon

Cũng như thế, đọc Mashenka (bản tiếng Anh là Mary) - tác phẩm đã khởi sự con đường viết tiểu thuyết của Vladimir Nabokov - là một trải nghiệm thật kỳ lạ, bởiMashenka là một cuốn sách ngây ngất đẹp và miên man buồn, không giễu nhại, không chơi chữ, không lắt léo những hình tượng, không trang sức bằng các ngôn ngữ khác (như ông vẫn thường dụng công trong những năm sau), mà lại giống hơn một giấc mộng của Pushkin “giữa cô quạnh âm u tù hãm”, nhưng làm sống dậy “cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc/cả đời, cả lệ, cả tình yêu”. Thật khó mà tin, Nabokov - vị văn hào vướng bao “tai tiếng” đến mức ngày đó người vợ Véra thân mến còn phải giấu trong xắc tay một khẩu súng lục nho nhỏ phòng khi có kẻ ám sát chồng mình, người mà khi xuất bản Lolita từng ngông ngênh tuyên bố “tôi không muốn chạm tới những trái tim; tôi thậm chí cũng không muốn chạm vào lí trí. Cái tôi muốn tạo ra là tiếng nức nở nho nhỏ nơi xương sống bạn đọc” - lại có thể viết một Mashenka nên thơ rung động đến đáy tâm cam như thế. Có lẽ bởi, khi nhớ về mối tình đầu, người ta thường đột ngột để lòng trở nên trong veo và ủy mị.

Nàng Mashenka ấy trở đi trở lại trong những tác phẩm của Nabokov, dưới nhiều nhân dạng, khi thì là Mashenka, khi thì là Tamara (trong Hãy nói đi, ký ức), dường như nàng Nina với cái cổ nhẵn và nóng hừng hực trong Xuân Fialta cũng là Mashenka, mà Ada trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ nhất của ông có lẽ cũng vẫn là nàng - tên thật là Valentina (Lyussya) Shulgin, người con gái mà Nabokov hạnh ngộ năm 16 tuổi, và cùng nàng trải qua hai mùa hè thật đẹp tại Vyra, hai mùa hè trôi qua chóng vánh nhưng nán lại mãi mãi trong hoài niệm.  

Mashenka bắt đầu bằng lời đề từ là hai dòng thơ của Pushkin: “Nhớ chuyện năm xưa/Nhớ tình thuở cũ”, và rồi từ đó mở ra thế giới của những kẻ tha hương rạc rời ôm mộng hão, một nhà thơ già người Nga chờ ngày đi Pháp, một thiếu nữ xinh đẹp cùng mối tình câm, một anh chàng mong từng ngày tới thứ Bảy này - Mashenka, vợ anh sẽ đáp tàu tới Berlin để đoàn viên, và trung tâm của những dòng kể ấy, Ganin - người tình cờ nhận ra Mashenka là mối tình mà anh đã bỏ lại ở nước Nga, và anh, cũng mơ tới ngày trùng phùng với nàng.

Mashenka là kiểu tiểu thuyết mà nhiều người cho rằng, nó chỉ dành cho những người mến yêu Nabokov đến cuồng nhiệt, bởi nó có đem lại cho người đọc gì đâu, ngoài “một đoàn tàu như bóng ma chạy xuyên qua ngôi nhà, những bông tuyết Nga, một con bướm cải bắp màu trắng, đôi mắt tartar bừng sáng của Mary, và niềm muộn phiền thời hậu chiến”, như học giả Marianne K. Hultquist bày tỏ. Thậm chí có thể nói đọcMashenka, người ta như mường tượng ra “chân dung một nhà văn thời cún con”, với ngòi bút còn thơ ngây, non nớt, không nhiều toan tính và tham vọng, nhưng trong số những tiểu thuyết của mình, có lẽ không ở đâu Nabokov đã viết ra ít đến thế mà lại viết được nhiều đến thế. Đọc Nabokov luôn là một sự mở mắt về văn chương, về sức mạnh thuần khiết của ngôn từ, và Mashenka không là ngoại lệ. Cuốn sách tiết chế đến cùng cực, toàn bộ nỗi lòng bị dồn ép lại, thu bé lại chỉ còn những hình ảnh bé nhỏ mà thăm thẳm, (ai có thể chỉ dùng một cục đường để gói gọn toàn bộ tuyết mùa xuân ẩm ướt của nước Nga như Nabokov?), mà tài tình thay, nó vừa hay trùng khớp với tâm thế một người lưu vong, giữa nơi xa lạ, tự cô lập, tự thu bé sự hiện diện của mình. 


Nhà văn Vladimir Nabokov thời trẻ. Nguồn: Bảo tàng Nabokov.

Cả tiểu thuyết lơ lửng trong một cơn mộng huyễn nguy nga hư ảo nơi mối tương tư dành cho người tình đã chia xa hòa nhập cùng niềm thương nhớ danh cho nước Đại Nga đang dần tận số, nơi mọi thứ xảy ra đều chấp chới, như có đó rồi lại như không có, như thể người kể chuyện đang đối xử với ký ức như với một sinh vật yếm thế dễ tổn thương, vừa muốn nâng niu, vừa không muốn làm phiền đến nó. Ngay cả khoảnh khắc chàng Ganin bày tỏ tình yêu với nàng Mashenka, khoảnh khắc đáng nhẽ phải là cơn thăng hoa của ái tình, cuối cùng lại diễn ra như một giấc mơ kín đáo, mập mờ, không thể đối mặt: “Khi cả cái bàn đổi màu tím một cách tức cười, và các ngón tay Mashenka thành ra giống như thể cô vừa hái việt quất, Ganin quay đi và nhíu mắt nhìn chăm chú vào cái gì đó xanh-vàng, di động, ấm áp, mà lúc bình thương vẫn là tán lá đoan, và bảo Mashenka rằng yêu cô đã lâu.” 

Vào thời đại của Nabokov, tiến trình văn chương hiện đại được kích thích bởi những nguồn tri thức mới, đó là thuyết tương đối của Einstein, phân tâm học của Freud hay triết học về hữu thể của Heidegger. Với riêng Nabokov, người ông đả kích nhiều hơn cả hẳn là Freud, và hâm mộ hơn cả là Henri Bergson, vị triết gia được so sánh như Socrates, như Kant, như Copernicus. 

Thừa nhận Henri Bergson là một trong những tác giả yêu thích nhất của mình trong những năm tháng lưu vong, và những gì ông viết  “không bao giờ mất đi sự lôi cuốn và rúng động”, Nabokov ngay từ buổi đầu văn nghiệp đã tạo nên những nhân vật đồng dạng với “kẻ mộng mơ” trong triết học về ký ức của Bergson, “kẻ sống trong quá khứ chỉ vì niềm mãn nguyện thuần túy khi sống trong đó, và ở kẻ đó, hồi ức hiện thân thành ánh sáng ý thức mà không đem tới bất cứ ưu thế nào cho hoàn cảnh thực tại”. 

Ganin là “kẻ mộng mơ” đầu tiên trong văn chương Nabokov. Anh ta như phân thân thành hai ngả, một Ganin với cuộc đời vong thân ở Berlin, Ganin thứ hai vẫn kẹt lại trong hư ảnh huy hoàng của tình đầu, của nắng và tuyết nước Nga. Thế mà, cuối cùng, ký ức cũng không còn mãi. Vào cái ngày thứ bảy, khi anh rời khỏi căn nhà trọ để đến ga tàu với vọng tưởng sẽ gặp lại Mashenka và cùng nàng cao bay xa chạy, anh bất giác nhìn thấy những người công nhân đang chuyền những khung gỗ vàng, màu vàng sống động hơn tất thảy những giấc mơ anh, và trong phút chốc, anh biết vạn sự đã kết thúc. Mashenka là như vậy, chợt đến, chợt đi, “mau tàn như giấc hoa”, chỉ vừa chớm thành hình đã vội vã tan biến, trong thế giới ấy, hiện thực chỉ là một vở kịch buồn, còn quá khử là một bài thơ đã từ lâu chấm dứt.

Và chính điều đó đã khiến Mashenka, bất luận khác biệt đến nhường nào với những danh tác sau này của Nabokov, thì cuốn tiểu thuyết ngắn ngủi ấy vẫn để lại một vệt bóng dài dằng dặc trên những trang viết mai sau. Nơi Mashenka, Nabokov đã khởi điểm thứ nghệ thuật tiểu thuyết của mình, nghệ thuật về ký ức.

Franz Kafka từng viết một ngụ ngôn về Sancho Panza, người hầu của chàng hiệp sĩ Don Quixote, trong đó thay vì để Don Quixote là kẻ điên khùng, ông lật lại “sự thật”, rằng chính Sancho Panza mới là kẻ hoang tưởng say mê kiếm hiệp và Don Quixote là con quỷ bên trong gã, con quỷ mà gã trục xuất ra khỏi mình, đi theo y và cùng tạo nên những chuyến phiêu lưu vĩ đại. Nhiều học giả cho rằng, nếu so sánh Nabokov giống như nhân vật Sancho Panza của Kafka, thì ký ức chính là Don Quixote, là con quỷ bên trong Nabokov, và nghệ thuật tiểu thuyết của ông chính ở chỗ đó, ông phù phép cơn ác mộng của mình trở thành một hành trình văn chương không tưởng.

Bởi, Humbert Humbert và Ganin, Lolita và Mashenka có thể những cặp nhân vật khác nhau một trời một vực, nhưng người ta sẽ còn mãi thấy, nơi hình ảnh Humbert Humbert ngồi trong nhà lao “lật đi lật lại những ký ức khốn khổ” về tuổi thơ, về Annabel, về Lolita và những tiểu nữ thần, lúc nào cũng vang vọng cái dư âm của giây phút mà Ganin, sau bốn năm ly biệt, bỗng bắt gặp tấm ảnh Mashenka trong hộc bàn người hàng xóm, để rồi từ đó anh sống trong bốn ngày mơ tưởng về mối tình tuổi thanh xuân, bốn ngày mà anh gọi là “thời kỳ hạnh phúc tột cùng của đời mình”. 

Còn với chính mình, Nabokov đã định nghĩa “hạnh phúc là khi một nhà tiểu thuyết lưu tồn được lá thư tình mà anh ta nhận được thời trai trẻ.”

Ký ức dù không vĩnh viễn và không vô tận, như Ganin đã “dùng đến cạn kiệt ký ức của mình, đã no nê đến phát ngấy với nó”, nhưng đôi khi nó là tất cả mọi hành lý mà một người đem theo để lên đường, dù cuối cùng anh đã quyết định bỏ lại thứ hành lí cồng kềnh ấy ở sân ga.

Theo Hiền Trang - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng