Tạp chí Sông Hương -
Ra mắt bản dịch Tiếng Việt “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế”
09:13 | 10/10/2019

Chiều ngày 9/10, Viện Pháp tại Huế, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách với nhan đề “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” của tác giả Léopold Michel Cadière và Edmond Gras, do TS. Lê Đức Quang dịch, nhân kỷ niệm 100 năm ra đời cuốn sách.

 

Ra mắt bản dịch Tiếng Việt “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế”

Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế (L’Art à Hué) là một ấn phẩm đặc biệt của B.A.V.H (Số 1/1919), sau đó được in lại trở thành một tác phẩm độc lập với 398 trang trong đó có 176 trang viết cùng 222 trang phụ bản được thể hiện sinh động, độc đáo với nhiều hình vẽ và hình ảnh minh họa cả đen lẫn trắng. Cuốn sách được xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi được công bố rộng rãi từ năm 1919.

Cuốn sách đã trở thành tư liệu quý giá để người đời nay có thể bổ sung, đối sánh, mà qua bao nhiêu biến động và thời gian, nhiều di tích, nhiều tác phẩm đến nay đã không còn. Bố cục của tác phẩm này được cấu tạo thành nhiều phần, mở đầu bằng một chương tổng quát trình bày về nghệ thuật ở Huế của  L. Cadière; và phần khác viết về thành phố, nhà cửa, đồ đạc trang trí nội thất Huế của Edmon Gras. Sau những nhận định tổng quát về nghệ thuật Huế, tác giả Cadière bắt đầu tiếp cận một cách chi tiết với từng phần cụ thể, liên quan đến nghệ thuật tạo hình.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ về cuốn sách tại buổi ra mắt 



TS. Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế nhận định: “ L’Art à Hué là một tác phẩm bàn về nghệ thuật và quan trọng hơn, chính nó cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm này có vị trí then chốt không chỉ trong chiến lược nghiên cứu nghệ thuật của A.A.V.H giai đoạn 1914 – 1944 mà đến nay, vẫn còn nguyên giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc. Qua L’Art à Hué, càng thổn thức nỗi niềm thiêng liêng trước di sản của tiền nhân, những khó khăn phải gánh chịu, những khoảng trống còn lại cho hậu bối kế thừa và làm tiếp để lấp dần những khoảng trống đáng tiếc đó. Nhiệt huyết của những học giả nghiệp dư đến từ chân trời Âu Tây xa lạ hơn trăm năm trước đã kịp thời hòa điệu với những nỗi niềm bản xứ để cùng nhau khám phá, sẻ chia, khẳng định đầy thiện chí những giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt. Nhờ đó, nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX dần được hiện ra rõ nét với nhiều dấu ấn đặc trưng vùng Kinh sư, nổi bật với kiến trúc đô thị và nhà cửa, đặc biệt là những giá trị, ý nghĩa biểu tượng, khát vọng phồn thực, Thái Hòa qua hệ biểu thức trang trí hình học, cát tường tự, cổ đồ, họa tiết cỏ cây muông thú hay phong cảnh… với sự biến hóa đa dạng, nhiệm mầu để mây nước, cỏ cây hoa lá cũng lại là rồng, là phượng, là phúc lộc khang ninh, phù hợp tối ưu cho từng bối cảnh, không gian thể hiện, đem lại cho con người cuộc sống an bình, tĩnh tại”.

 

Phương Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng