Tạp chí Sông Hương -
Chuyên nghiệp hoá hát Xoan mới có thể bảo tồn được
15:11 | 07/07/2009
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đã gần 90 tuổi nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian nghiên cứu về hát Xoan. Ông hào hứng khi trò chuyện về Xoan và những trăn trở trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này. Theo ông, muốn bảo tồn hát Xoan, cần phải chuyên nghiệp hoá hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Chuyên nghiệp hoá hát Xoan mới có thể bảo tồn được
"Bợm gái" - một trong những màn diễn xướng mang đậm văn hóa phồn thực trong hát Xoan.

Xoan lãng mạn, tình tứ nhưng không dung tục

Thưa ông, hát Xoan có từ bao giờ ?

- Đây là vấn đề rất lớn, không ai có thể khẳng định chắc chắn Xoan có từ bao giờ nhưng theo những nghiên cứu của tôi, có ba cứ liệu để tìm hiểu về thời điểm xuất hiện của hát Xoan. Thứ nhất là dựa vào truyền thuyết huyền thoại. Thứ hai là dựa vào ngôn ngữ của hát Xoan. Thứ ba là dựa vào tín ngưỡng dân gian trong hát Xoan.

Truyền thuyết huyền thoại, là câu chuyện về người thiếp của Hùng Vương khó sinh. Khi đi qua vùng đất An Thái, nhờ tiếng hát của nàng Quế Hoa, bà đã sinh hạ các hoàng tử. Như vậy, có thể Xoan có từ thời Hùng Vương. 
 
Thứ hai, trong ngôn ngữ hát Xoan có những câu ca ngợi vua Lê, ca ngợi chiến thắng thành Bồ Đề, lại có những câu nói về vua Lê, chúa Trịnh. Như vậy, ngôn ngữ Xoan thể hiện thời kỳ nó tồn tại. Hơn nữa, thời hậu Lê cũng là thời kỳ văn hóa phát triển vô cùng rực rỡ. 

Thứ ba, hát Xoan là loại hình hát thờ nên nếu không đi vào tín ngưỡng thì rất khó tìm ra nguồn gốc của nó. Trong hát Xoan có một phần là bắt cá (mó cá) sau đó là tắt đèn. Đây là tín ngưỡng phồn thực thờ lễ sinh thực khí, thờ lễ âm dương cầu mong cho mùa màng tốt đẹp, sinh sôi nảy nở.

Như vậy, dựa vào ba cứ liệu trên có thể suy đoán rằng, Xoan manh nha có từ thời Hùng Vương và phát triển rực rỡ vào thời hậu Lê. 


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương. Ảnh: Tuấn Hải


Vì sao lại có tên gọi là hát Xoan, thưa ông ?

- Xoan thường được hát vào mùa xuân nên ngày xưa còn gọi là hát Xuân, đọc trệch ra thành hát Xoan. Hát Xoan là loại hình hát thờ vào mùa xuân và chỉ hát với đình chứ không hát với miếu hay đền. 

Hát Xoan có loại nhạc cụ nào đặc trưng ?

- Nhạc cụ của Xoan cũng giống như nhiều loại hình dân ca khác, bao gồm trống khẩu, mõ, phách. Trống và phách thì do nam gõ, phần hát và múa do đào đảm nhận. Có những phần có sự tham gia của kép, có điệu múa lại do hai em bé nam khoảng 10 tuổi múa. 

Trong lịch sử, nhất là vào thời kỳ "thịnh trị" của Xoan, có tất cả bao nhiêu phường Xoan ?

- Chỉ có 4 phường Xoan là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét thuộc hai xã Phượng Lâu và Kim Đức, xưa thuộc huyện Phù Ninh, nay thuộc địa bàn thành phố Việt Trì – Phú Thọ. Các phường Xoan này hàng năm đi hát ở các đình khác nhau, và chỉ có 4 phường đó thôi, nên trong tục Xoan có tục giữ cửa đình: Dù có đi hát ở đâu, thì đầu tiên phải hát ở đình của mình trước đó. 
 
Điều gì làm ông cảm thấy thú vị nhất khi nghiên cứu hát Xoan ?

- Hát Xoan bao gồm hai phần, hát lễ và hát hội. Điều tôi thấy thú vị nhất ở hát Xoan chính là ngôn ngữ Xoan: Nó rất lãng mạn, giữ được phong cách dân dã nhưng không dung tục. Ngay cả những phần diễn xướng liên quan đến tín ngưỡng phồn thực như bắt cá không hề dung tục mà làm cho khán giả thích thú khi nghe những câu hát như thế. Ngôn ngữ và nghệ thuật Xoan gắn với tín ngưỡng phồn thực nhưng đã có tính chọn lọc và mang tính biểu tượng, cách điệu. Nó đã biểu tượng hóa, nghệ thuật hóa tín ngưỡng phồn thực chứ không phải diễn thô sơ, có sao diễn vậy. 

Tình tứ như thế, các cụ già làm sao diễn nổi ? 
 
Hiện nay, đã tìm lại được hết những bản Xoan cổ chưa, thưa ông ? 

- Tôi không dám khẳng định là đã sưu tầm được hết nhưng chúng tôi đã sưu tầm lại được khá nhiều. Trong số đó có những bản bằng chữ Nho, cả những bản do các nghệ nhân lớn tuổi đọc cho con cháu chép lại tương đối đầy đủ. 

Thưa, đã có nhạc sĩ nào ghi lại bản nhạc của Xoan chưa? 

- Hiện nay, Viện Âm nhạc còn lưu lời Xoan của tôi ghi, bản nhạc do các nhạc sĩ Tú Ngọc và Cao Khắc Thùy ghi lại. 

Ông thấy sự quan tâm của giới trẻ ở Phú Thọ với loại hình âm nhạc truyền thống này ra sao ? 

- Hiện nay, mê hát Xoan và còn hát Xoan đa phần là những người lớn tuổi chứ không phải trẻ trung như ngày xưa. Thanh niên họ không quan tâm một phần là vì thế. Các cụ nghệ nhân hát hay, nhưng phần diễn xướng đầy tình tứ, với những lời nhạc đầy tình tứ mà để các cụ hát thì chẳng còn gì là xúc cảm. Hát Xoan là hát thờ nhưng lại là trữ tình, lãng mạn trai gái giao duyên.

Tôi cho rằng muốn phục hồi lại hát Xoan ở Phú Thọ thì phải chuyên nghiệp hóa hát Xoan bằng bước đầu bán chuyên nghiệp tức là phải có đạo diễn, có trang phục rồi phải có những người có tay nghề về sân khấu tổ chức phường xoan chứ không thể lúc nào cần thì đưa các cụ ra biểu diễn như hiện nay.

Ngày xưa, những người như thế nào sẽ được chọn hát Xoan, thưa ông ? 

- Người trưởng trò là người đứng tuổi chứ không nhất thiết phải là người cao tuổi. Còn người diễn phải là người trẻ thì mới là đào xoan, kép xoan được. Không thể lôi các cụ cao tuổi ra hát đúm hay bắt cá được vì nếu bắt cá mà đưa một cụ 70 tuổi lên giường thờ thì không ổn. Nó mất đi cái lúng liếng của Xoan. Bây giờ tôi mới nói là phải phục hồi hát Xoan đúng như các cụ truyền lại, nhưng phải trẻ hóa và chuyên môn hóa.

Đối tượng của hát Xoan phải là lớp trẻ và nó tồn tại là nhờ lớp trẻ. Các cụ nghệ nhân thì chỉ nên làm công việc truyền nghề thôi chứ không nên biểu diễn. 

Theo ông, có nên nhân rộng các phường Xoan không ?

- Tôi nghĩ rằng, đó là việc nên làm và phải làm. Tuy nhiên, nhân rộng làm sao để phù hợp với khả năng của Xoan và quan trọng nhất là giữ nguyên dạng nghệ thuật của Xoan gốc. 

Tục hát Xoan gắn với cửa đình. Nếu như chuyên nghiệp hóa hoạt động hát Xoan có thể làm mất đi không gian linh thiêng của nó, làm dung tục hóa nó đi ? 

- Chúng ta không sợ dung tục hóa. Hát Xoan rất lãng mạn và đấy là cái lãng mạn dân gian trong sáng thì làm sao mà dung tục được. Cái dung tục nhất là giã cá và dâng cá lên thần linh thì nó cũng thể hiện rất khéo léo. Hơn thế nữa, đưa lên sân khấu cũng phải đưa biểu tượng cửa đình lên chứ không thể đưa sân khấu tạp nham. 

Hơn nữa, hát Xoan có cả lễ, cả hội, có cả đình, cả đám. Có cả phần lễ lẫn phần vui chơi chứ nếu chỉ có phần lễ thì dân sẽ không tìm đến với Xoan chỉ để xem các cụ tế lễ thôi đâu. Nếu bỏ phần hát hội thì sức lan tỏa sẽ giảm đi rất nhiều. 

Nhưng liệu tự thân hát Xoan có sức lan tỏa mạnh không nếu được phát triển đúng lộ trình ? 

- Theo tôi nhận định là hát Xoan hấp dẫn hơn ca trù ở tính giao lưu với khán giả. Xoan hấp dẫn bởi có cả phần nhạc lễ và nhạc hội nên nó có sức thu hút nhiều người. 

Có nên đặt lời mới cho Xoan để nó có thể đến gần hơn với khán giả trẻ ? 

- Theo tôi là không nên. Đấy có thể là ý muốn tốt nhưng quan trọng là ngôn ngữ nó không phù hợp với Xoan. Giá trị dân gian đích thực và người nghe đều thấy đây đúng là hát Xoan, đúng là dân gian vì nó hoàn toàn gắn với nông thôn và nông nghiệp.

Bọn trẻ bây giờ không thích Xoan đâu. Nhiệm vụ của những người làm công tác quản lý văn hóa và nghiên cứu văn nghệ dân gian là phải làm cho người ta thích, nghĩa là phải chuyên nghiệp hóa, nghệ thuật hóa chứ cứ để ông bà già ra biểu diễn mãi thì làm sao người ta thích được. 

                                                                                           Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng