Liệu có phải đây là tiền đề để sáp nhập hai nhà hát kịch lớn nhất miền Bắc? Thương hiệu Nhà hát Kịch Việt sẽ không còn có tên trong danh sách các đơn vị nghệ thuật sân khấu? Trả lời phỏng vấn Báo Văn Hóa, đạo diễn – NSND Lê Hùng khẳng định:
- Hiện tại không có chuyện sáp nhập hai nhà hát. Bộ VH,TT&DL quyết định giao cho tôi kiêm nhiệm vị trí giám đốc Nhà hát Kịch VN. Nhà hát Kịch VN có một đội ngũ những nghệ sĩ tài năng và việc chính của tôi là làm sao khôi phục lại hình ảnh vốn đã bị lu mờ mấy năm nay của Nhà hát này. Trách nhiệm được giao thật nặng nề nhưng đây là sự phân công của Bộ nên ở vị trí nào và ở đâu tôi cũng cố gắng hết sức mình.
Ông có tin rằng mình sẽ đưa Nhà hát Kịch VN thoát khỏi cảnh bế tắc và ảm đạm trong những năm qua?
- Nếu có những người quản lý tốt giúp tôi điều hành ở từng đơn vị và đặc biệt là sự đoàn kết, nhất trí của anh em diễn viên, tôi tin tưởng sẽ làm được. Cũng như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch VN không thiếu tài năng. Điều quan trọng để “thay đổi” là cần có một đầu mối mạnh đứng ra tập hợp để phát huy khả năng và sở trường của từng người, làm nên những tác phẩm có chất lượng.
Mỗi nhà hát có phong cách nghệ thuật riêng, điều này phụ thuộc rất nhiều vào người chỉ đạo nghệ thuật nhà hát. Có ý kiến băn khoăn, liệu phong cách nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam có giữ được hay không khi người chỉ đạo nghệ thuật lại “gánh” tới hai nhà hát?
- Phong cách của mỗi nhà hát một khác nhau, không thể nào trộn lẫn của đơn vị này sang đơn vị khác. Lê Hùng sang quản lý Nhà hát Kịch VN vẫn phải tôn trọng phong cách nghệ thuật riêng của đơn vị.
Quản lý hai nhà hát với 6 đoàn nghệ thuật, bài toán để làm sao cả hai nhà hát đều ăn nên làm ra hẳn không dễ dàng. Rõ ràng các nghệ sĩ của cả hai nhà hát sẽ phải chịu sức cạnh tranh rất lớn?
- Các nhà hát sẽ phải thi đua với nhau để có khán giả của riêng mình. Bên nào có tác phẩm hay khán giả sẽ đến với bên đó. Nhà hát Tuổi Trẻ đã vào guồng quay ổn định nên tôi sẽ tập trung phối hợp với các nghệ sĩ Nhà hát Kịch VN. Cái khó nhất hiện tại của Nhà hát Kịch VN hiện nay là địa điểm biểu diễn có sức chứa rất hạn chế, lại nằm khuất nẻo phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội. Tạm thời, Nhà hát Tuổi Trẻ với trách nhiệm của đơn vị cùng Bộ sẽ chia lửa để Nhà hát Kịch VN sang biểu diễn định kỳ một số buổi tại rạp của mình. Tôi sẽ ngồi lại với anh chị em nghệ sĩ để tính toán lại các vở trong dàn kịch mục. Vở nào có thể đưa ra biểu diễn xứng tầm với nhà hát nghệ thuật hàng đầu VN thì sẽ cho triển khai diễn. Song song là việc gấp rút tìm kịch bản để nhanh chóng có vở mới. Tôi hi vọng sẽ tìm được các kịch bản có ý tưởng hay, còn nếu không có, tôi có thể sẽ lấy truyện ngắn, tiểu thuyết chuyển thể để dựng.
Ông nghĩ sao về thông tin sẽ thành lập Trung tâm Kịch nghệ Quốc gia?
- Điều này chưa có trong kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, ý tưởng thành lập một Trung tâm Kịch nghệ Quốc gia với 4 – 5 nhà hát theo tôi không có gì là xa vời. Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn sẽ là hai thành viên của trung tâm. Cũng có thể sẽ xuất hiện thêm một số nhà hát khác nằm trong đó như Nhà hát Thử nghiệm, Nhà hát Thiếu nhi...
Theo VH |