Tạp chí Sông Hương -
100 năm mới chỉ biết
08:41 | 09/07/2009
Ta mới chỉ biết về "bề ngoài" của văn hóa Sa Huỳnh, còn cơ cấu đời sống của cư dân Sa Huỳnh biến chuyển ra sao để đạt tới nhà nước cổ đại Chămpa... vẫn là những khoảng trống lớn.
100 năm mới chỉ biết
Mộ chum hình cầu tại di chỉ Bãi Cọi (Nghi Xuân- Hà Tĩnh)

Sáng 8/7/2009, Bảo tàng Lịch sử Việt phối hợp với Viện Khảo cổ học và Bảo tàng nhân học khai trương trưng bày chuyên đề: “Sa Huỳnh – 100 năm phát hiện, nghiên cứu”.

Trưng bày tập hợp hơn 100 hiện vật tiêu biểu, được lựa chọn từ nhiều cuộc khai quật khảo cổ học trong những năm gần đây

Những hiện vật đầu tiên của văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện tại đầm muối Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào năm 1909. Từ đó đến nay, các nhà khoa học, khảo cổ học trong và ngoài nước đã phát hiện ngót 80 di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, hàng chục địa điểm đã được nghiên cứu khai quật trên địa bàn từ Hà Tĩnh tới lưu vực sông Đồng Nai (theo trục Bắc - Nam) và từ Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đến Tây Nguyên theo trục Đông - Tây.

Độc đáo nhất là bộ sưu tập mộ chum đa dạng về kiểu dáng (hình trụ, hình trứng, hình cầu, chum lồng nhau...), kích thước (chum lớn nhất có chiều cao tới 1,8m đường kính 1m). Đặc biệt là chiếc chum mai táng hình trái đào mới được phát hiện vào cuối năm 2008 tại di tích Bãi Cọi (Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Chính cuộc khai quật di tích này đã làm thay đổi nhận thức trước đây khi lấy đèo Ngang (Quảng Bình) làm ranh giới phân bố giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn.

Hiện vẫn tồn tại 3 giả thuyết: hoặc Bãi Cọi là gạch nối giữa Đông Sơn - Sa Huỳnh, hoặc Bãi Cọi thuộc không gian Sa Huỳnh, hoặc... Bãi Cọi có những yếu tố kiến tạo nền văn hóa riêng (sẽ gọi là văn hóa Bãi Cọi).
 
Các di vật của văn hóa Sa Huỳnh phần lớn là các đồ tùy táng được chôn theo các ngôi mộ, gồm đồ gốm, công cụ đá, sắt, đồng và đồ trang sức. Khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu bằng đá và thủy tinh thể hiện óc sáng tạo của cư dân Sa Huỳnh. Về chuỗi hạt trang sức bằng mã não, nhiều ý kiến cho rằng nó có nguồn gốc từ Ấn Độ và nó thể hiện mối quan hệ buôn bán với thế giới bên ngoài của cư dân Sa Huỳnh (?!).


Mộ chum tại di chỉ Tam Mỹ - Quảng Nam


Tuy đã đạt được những nhận thức mới về văn hóa Sa Huỳnh, nhưng như lời ông Phạm Quốc Quân, GĐ Bảo tàng Lịch sử VN thừa nhận, khi chuẩn bị cho trưng bày mới thấy hiện vật còn nhiều thiếu hụt, so với hai nền văn hóa cổ đại Đông Sơn (ở miền Bắc) và Óc Eo (ở miền Nam).

Ta mới chỉ biết về "bề ngoài" của văn hóa Sa Huỳnh, còn cơ cấu đời sống của cư dân Sa Huỳnh biến chuyển ra sao để đạt tới nhà nước cổ đại Chămpa v.v... vẫn là những khoảng trống lớn, cần được tập trung nghiên cứu để làm hiện rõ diện mạo.

Ông Quân cũng khẳng định, sau khi mở rộng nghiên cứu thì sẽ có đề xuất bảo tồn khu di chỉ Bãi Cọi, vốn đang bị phá hủy trầm trọng, lại nằm trong vùng bị khai thác cát rất mạnh mẽ. Các nhà khoa học sẽ đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch nên làm việc với các cơ quan ban ngành để nắn con đường, không để chạy thẳng qua khu di chỉ.

Những người tha thiết với văn hóa cổ còn mong muốn sẽ tiến tới thành lập 3 bảo tàng chuyên đề ở 3 miền để tôn vinh 3 nền văn hóa cổ: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo.

                                                                                                  Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng