Tại đây, trưng bày khoảng 1.000 tựa sách in không có bản quyền cùng với sách gốc nhập khẩu để so sánh.
Theo thống kê của Khối liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ (IIPA) năm 2008, VN là một trong những nước có mức vi phạm cao nhất thế giới.
Ông Võ Đại Phúc - đại diện 6 NXB nước ngoài ở VN - nhấn mạnh: "Nếu tính riêng các NXB nước ngoài có mặt tại VN thì tổng số đầu sách chúng tôi đã cấp phép chưa đến 100, nhưng hiện trên thị trường có đến 90% số những đầu sách vi phạm. Các nhà sách tư nhân hay nhà nước, quầy sách vỉa hè, hiệu sách trong trường đại học, tiệm photocopy... đều bán sách lậu. 90% số sách dạy và học tiếng Anh là sách vi phạm, phổ biến nhất ở các trung tâm ngoại ngữ và trường đại học".
Trong số 393 đầu sách bị vi phạm bản quyền mà các NXB đưa ra, nhiều "thành tích" in lậu nhất là NXB Đồng Nai và Cty TNHH phát hành sách Sài Gòn (nhà sách Quỳnh Mai) với trên 330 đầu sách! Còn lại là một số NXB như: Tổng hợp, Hải Phòng, Đà Nẵng, Trẻ, Lao Động, Thanh Niên, Văn hoá - Thông tin... cùng một số đối tác như: First News, nhà sách Minh Cường, Nhân Văn, Minh Trí, Tiến Thọ... Điều bất ngờ ở đây là một số NXB, công ty đã có thương hiệu cũng vô tình "nối giáo cho giặc".
Theo ông Phúc, nguy hiểm hơn, những người vi phạm đã thay đổi, thêm bớt nội dung, hình ảnh tuỳ tiện, thậm chí dịch sai, ảnh hưởng đến tác phẩm, mà vẫn tung ra thị trường để thu lợi nhuận trong thời điểm nóng. Những đối tượng vi phạm này có thái độ thách thức pháp luật và làm xấu đi hình ảnh của VN trên trường quốc tế.
Thông thường, các NXB phải đầu tư từ 1-3 năm để hoàn thiện một tác phẩm, thì nay với công nghệ tiên tiến, các nhà làm sách chỉ cần 1-2 ngày là có sản phẩm nhái, giả, lậu. Nguồn lợi bất chính khổng lồ từ việc in lậu với lượng lớn sách giáo trình của các NXB nước ngoài, cộng thêm mức xử phạt chưa nghiêm, nên các nhà sách ngang nhiên qua mặt pháp luật.
Mặt khác, sách lậu có giá rẻ (giảm giá 30-50%), nên dù chất lượng in không đạt, vẫn hấp dẫn sinh viên, học sinh. Chính vì thế, một trong những giải pháp chống in lậu đầu tiên mà Fahasa đưa ra là phối hợp các NXB in một số tựa sách được sử dụng nhiều ở VN để hạ giá thành thấp.
Tuy nhiên, một số giải pháp khác bị coi là không khả thi, như kêu gọi nhà trường tẩy chay sản phẩm lậu, các NXB trong nước nghiên cứu kỹ hơn nguồn gốc của sách, trước khi cấp phép và không cấp phép cho đối tượng đã từng vi phạm bản quyền.
Bởi trên thực tế, nhiều trường dạy ngoại ngữ từng bị phát hiện bán sách photocopy với giá trên trời, các NXB vẫn ung dung cấp phép cho sách lậu dưới hình thức đội mũ. Và quan trọng nhất là cơ quan quản lý, thì như bà Nguyễn Thị Loan - Phó Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông - thừa nhận, chỉ khi đến dự hội thảo mới biết... có tình trạng này.
Trong khi đó, TS Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả VHNT - cho rằng: "Tôi khuyến nghị các NXB nước ngoài nên kiện ra toà hành chính để tóm tận tay kẻ ăn cắp, hay tìm đến cơ quan có chức năng xử lý. Thanh tra văn hoá có quyền xử lý những nhà sách vi phạm và tiêu huỷ sản phẩm in lậu; thậm chí có thể phạt với mức phạt cao nhất- 500 triệu đồng.
Rất tiếc là cho đến nay, mức xử phạt hành chính cao nhất mới chỉ 30 triệu đồng. Còn nếu biện pháp dân sự không xong, thì sang toà hình sự, hành vi sao chép tác phẩm bị kết án tù 3 năm. Song từ trước đến nay chưa có vụ hình sự nào và chỉ có hơn 20 vụ dân sự về quyền tác giả với cách giải quyết chưa triệt để. Trong đó, có những vụ giải quyết theo Luật Xuất bản, mà người bị thiệt hại lại không đòi bồi thường. Tôi mong rằng các cơ quan có thẩm quyền tích cực hơn, quyết liệt hơn, mới mong cuộc chiến này có kết quả".
Theo LĐ |