Tạp chí Sông Hương -
Hoàn thành “Lời thề độc lập”
09:19 | 29/04/2020

94 tuổi, Trung tướng Phạm Hồng Cư tuy dáng đi đã chậm chạp nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn. Suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, cả cuộc đời binh nghiệp của ông trở về, trong đó sâu đậm và xúc động là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó cũng là dấu mốc ông hoàn thành lời thề thiêng liêng đối với Tổ quốc.

Hoàn thành “Lời thề độc lập”
Xe tăng 390 chuẩn bị tiến vào dinh Độc Lập ngày 30.4.1975 - Ảnh tư liệu
Từ lời hịch non sông

“Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã có những lần nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng tôi ấn tượng nhất là mệnh lệnh ngày 7.4.1975, trên đường hành quân tiến về Sài Gòn. Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Đây được coi là kim chỉ nam để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù”, Trung tướng Phạm Hồng Cư bắt đầu câu chuyện.

Nhận được điện, ông lập tức báo cáo bộ chỉ huy cánh quân. Đồng chí Lê Quang Hòa chỉ thị cho ông và đồng chí Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2, đến các đơn vị trực tiếp đọc bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho bộ đội nghe. “Tôi và anh Lê Linh cầm loa tay, đọc to và dứt khoát bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh. Ngay khi chúng tôi dứt lời, cả đoàn quân hô vang liên hồi: “Thần tốc, thần tốc. Quyết chiến và toàn thắng”. Từng tham gia nhiều cuộc chiến đấu, cổ động chiến trường trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng chưa khi nào ông thấy khí thế mạnh mẽ, hào hùng và sục sôi như thế. Đó không phải là mệnh lệnh quân sự mà là “lời hịch” của Tổ quốc, nên các đơn vị bộ đội như được chắp cánh sau “lời hịch” ấy.

Trung tướng Phạm Hồng Cư đi theo Bộ Tư lệnh cánh quân duyên hải với tư cách là phái viên của Tổng cục Chính trị. Đến Xuân Lộc, được biết từ ngày 9.4.1975, Quân đoàn 4 do đồng chí Hoàng Cầm làm Tư lệnh, đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy, đã mở cuộc tiến công vào tuyến phòng ngự phía đông Sài Gòn. Bấy giờ, cánh quân của ông di chuyển cả ngày và đêm nhằm tranh thủ thời gian vào nội đô theo đúng kế hoạch.

“Dọc đường tiến quân, chúng tôi gặp phải tuyến phòng thủ từ xa của địch tại Phan Rang, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 thống nhất quyết định chia làm các mũi đánh chiếm Phan Rang rồi tiến lên giải phóng sân bay Thành Sơn khiến địch không còn khả năng chi viện. Sau trận Thành Sơn, tôi rất xúc động, bởi tôi biết mình chuẩn bị được tham gia một trận đánh lớn. Niềm vui ấy thôi thúc chúng tôi nhanh chóng đi theo hướng duyên hải, thần tốc tiến vào cửa ngõ Sài Gòn”, Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại.

"Vui sao nước mắt lại trào"

Trung tuần tháng 4.1975, Bộ Chính trị đồng ý đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. “Anh Văn Tiến Dũng là Tư lệnh, anh Phạm Hùng là Chính ủy. Tôi đi theo cánh quân hướng Đông gồm Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 (Quân khu 5), do anh Lê Trọng Tấn chỉ huy. Anh Tấn lúc đó là Phó Tư lệnh chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông”, Trung tướng Phạm Hồng Cư tiếp tục kể.

Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, 5 giờ 30 phút sáng ngày 30.4.1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Riêng Phó Tư lệnh Lê Trọng Tấn đề nghị cho cánh quân phía Đông nổ súng sớm từ 18 giờ ngày 29.4 vì phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ đến không kịp. Đề nghị này được Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch đồng ý.

Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 qua cầu Sài Gòn đánh thẳng vào dinh Độc Lập. Chiếc xe tăng 843 dẫn đầu đến cổng dinh dừng lại do bị kẹt ở cổng phụ và không thể di chuyển tiếp, ngay lập tức chiếc xe tăng 390 (do Trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy) đã nhanh chóng tiến vào húc tung cổng chính của dinh. Chính ủy Bùi Văn Tùng sau đó thảo lời đầu hàng và đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc lời đầu hàng.

Chứng kiến toàn bộ giây phút cuối cùng của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các, nhà báo người Đức Von Boris Gallasch đã cho mượn chiếc cassette thu lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng.

“Một giờ sau, anh Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn 2 vào kiểm tra về mặt quân sự. Anh Lê Linh - Chính ủy Quân đoàn 2 vào kiểm tra về mặt chính trị. Sau khi phân công nhiệm vụ cho đoàn báo chí quân đội, tôi bước qua thảm cỏ thềm sân phía trước dinh Độc Lập và 3 chúng tôi ôm lấy nhau. Khi ấy anh Lê Linh - một trong những người giơ tay thề độc lập đã ghé vào tai tôi nói: Chúng ta đã hoàn thành lời thề độc lập! Chỉ chừng ấy thôi mà nước mắt trào ra, vui sướng, không kịp nghĩ đến điều gì”.

Tưởng rằng mỗi mình xúc động, nhưng nhìn sang ông thấy Lê Linh, Hữu An cũng đều lau nước mắt. Đó là những giây phút khắc sâu trong ký ức Trung tướng Phạm Hồng Cư cho đến tận bây giờ. “Lúc ấy, tôi tự hào là đã từng giơ tay thề độc lập từ năm 1945 và mang lời thề ấy trong trái tim mình đi suốt cuộc kháng chiến chống Pháp tới Điện Biên Phủ. Sau đó lại suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ tới Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thế hệ của tôi đã hoàn thành lời thề độc lập. Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi thì trận đánh làm tôi xúc động nhất là trận cuối cùng này - Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc nhiệm vụ đối với Tổ quốc của một thế hệ, xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ của quân đội anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng!”.

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng