Tạp chí Sông Hương -
Haruki Murakami muốn viết sâu về nữ giới
16:02 | 10/07/2009
Khẳng định sex và bạo lực là những cánh cửa bước vào thế giới tâm linh con người, tiểu thuyết gia người Nhật còn cho biết, trong cuốn sách mới "1Q84", ông muốn khám phá sâu vào đời sống tâm cảm của phái đẹp.
Haruki Murakami muốn viết sâu về nữ giới
Nhà văn Murakami.

- Ông đã sáng tạo ra hai nhân vật chính Aomame - một phụ nữ độc thân làm việc tại một phòng thể dục và Tengo - một giáo viên mơ ước trở thành nhà văn trong cuốn tiểu thuyết mới như thế nào?

- Tôi quyết định kể câu chuyện về Aomame và Tengo một cách luân phiên. Nhưng trước khi làm như vậy, tôi phải nghĩ ra hai cái tên cho họ đã. Aomame (đậu xanh) chợt lóe lên trong đầu tôi trong một lần nhìn vào menu của một nhà hàng. Gần như cùng lúc đó, cái tên thứ hai Tengo cũng xuất hiện. Tôi biết, cuốn tiểu thuyết của mình đã được định hình. Trong suốt hai năm viết nó, tôi chưa bao giờ dao động bởi ý nghĩ, mình không thể hoàn thành cuốn sách.

Tôi bắt đầu viết vào một ngày mùa thu năm 2006, khi đang đi nghỉ tại Hawaii . Lúc đó, chỉ có hai ý nghĩ xuất hiện trong đầu tôi: Thứ nhất, đó sẽ là câu chuyện về một người đàn ông và một phụ nữ, đều 30 tuổi. Họ tìm kiếm nhau sau khi có dịp gặp gỡ rồi lạc nhau từ hồi lên 10. Thứ hai, tôi sẽ làm cho câu chuyện đơn giản này trở nên càng phức tạp, càng dài, càng tốt.

- Dù đã viết văn suốt 30 năm qua, tác phẩm của ông vẫn là những trang viết về độ tuổi trưởng thành, vì sao vậy?

- Thường thì các nhà văn viết tốt nhất về những nhân vật cùng độ tuổi với họ. Nhưng tôi thích viết về thế hệ trẻ hơn - lớp người sống trong thời hiện đại và vẫn tiếp tục trưởng thành. Tôi không tự hòa mình vào những người tuổi 20, tôi biết rất ít về tiểu thuyết điện thoại di động. Nhưng tôi nghĩ những yếu tố đó không quyết định nhiều vào việc tạo nên một tác phẩm có giá trị văn học thực sự.

Khi tôi 30 tuổi, tôi đáng ra chỉ viết tốt nhất về độ tuổi 30 của mình. Nhưng tôi đã miêu tả thành công một cậu bé 15 tuổi trong Kafka on the Shore, nhân vật 19 tuổi trong After Dark. Trong cuốn sách mới này, tôi bắt đầu bằng cách kể lại cảm xúc của cô bé Aomame 10 tuổi. Đặc biệt, tôi rất muốn đi sâu vào thế giới suy tư và cảm xúc của phụ nữ trong tác phẩm này.

- Cuốn tiểu thuyết có nhiều cảnh sex và bạo lực. Ông nói gì về điều này?

- Bạo lực và sex, không có trong Hear the Wind Sing và Pinball, 1973 nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong những cuốn tiểu thuyết về sau của tôi. Hai yếu tố này có thể coi là những cảnh cửa quan trọng để bước vào thế giới tâm linh của con người.

Tiểu thuyết mới không có quá nhiều cảnh thô bạo nhưng có một số lượng kha khá cảnh sex. Chúng có thể thực sự gây khó chịu cho một số người nhưng chúng cần cho câu chuyện.

- Tập 2 kết thúc vào tháng 9 (cũng trải qua một giai đoạn 3 tháng như tập 1). Rất nhiều người hy vọng có tiếp tập 3. Ông nghĩ sao?

- Tôi không biết. Tôi thường dành ra một khoảng thời gian dài, nghĩ thật chậm về những điều mình sẽ làm tiếp theo.

- Một cuốn tiểu thuyết dày đến 1.000 trang như "1Q84" không thể thực hiện được nếu thiếu sức làm việc phi thường. Ông từng ngợi ca Raymond Chandler là cây bút "tích lũy đầy tỉ mỉ các giả thuyết và chi tiết". Phải chăng, "1Q84" cũng được xây dựng trên phương pháp như vậy?

- Sau khi viết xong Kafka on the Shore, tôi dành ra 7 năm để dịch tác phẩm văn học kinh điển của Mỹ sang tiếng Nhật, hết cuốn này đến cuốn khác. Trong số đó có The Long Goodbye của Chandler, The Catcher in the Rye của J.D. Salinger, Breakfast at Tiffany's của Truman Capote's và The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald. Mỗi câu từ trong từng tác phẩm này đều thể hiện thứ tiếng Anh tuyệt đẹp.

Tôi bắt đầu dịch chỉ khi đã đủ tự tin rằng mình có thể chuyển ngữ như một dịch giả thực thụ. Nhưng cũng từ quá trình dịch, một ý nghĩ nảy sinh với tôi, rằng đây là lúc tôi cần phải viết ra, thay vì tiếp tục học hỏi điều gì đó mới từ những người khác.

- Kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, uy tín của nền văn hóa Mỹ cũng bị sụt giảm. Ông nghĩ sao?

- Tôi luôn đánh giá cao báo chí Mỹ nhưng từ khi cuộc chiến tranh xảy ra, các phương tiện truyền thông nước này yếu ớt đi một cách nhanh chóng do bị dao động vì các cuộc tranh cãi. Các nhà xuất bản ở Mỹ, cũng hoạt động chậm chạp hẳn đi.

Nhưng bắt đầu từ bây giờ, tôi nhận ra, khoảng cách giữa Mỹ, châu Âu với các nước Đông Á chắc chắn sẽ bị bó hẹp lại. Giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các khu vực sẽ được đẩy mạnh và trở nên ngày càng quan trọng với tất cả các nước.

Hiện tại, đạo diễn Trần Anh Hùng đang chuyển thể cuốn tiểu thuyết Rừng Nauy của tôi thành phim. Anh có ý tưởng đảm nhận việc này xuất phát từ nguồn gốc của anh: sinh ra ở Việt , mang quốc tịch Pháp. Tôi hy vọng, bộ phim sẽ là một bức thông điệp của châu Á gửi đến thế giới.

                                                                                                               Theo eVan

Các bài mới
Các bài đã đăng