Tạp chí Sông Hương -
Học Bác để tự rèn mình
14:55 | 19/05/2020

Những ngày tháng Năm lịch sử này, tôi lại nhớ tới họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Sinh thời, ông sáng tác nhiều bức tranh về Bác mà đến nay vẫn luôn được nhiều người nhắc nhớ, nể phục và trân trọng.

Học Bác để tự rèn mình
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (1921 - 2017).

1. Nhắc tới họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, người ta còn nhớ tới ông là họa sĩ vẽ chân dung Bác Hồ trên tờ tiền, là tác giả của Huy hiệu Đoàn. Đáng chú ý, ông còn sáng tác nhiều tranh cổ động về Bác Hồ. Sinh thời, ông tâm niệm “mình chuyên vẽ Bác Hồ, lại chuyên vẽ tranh cổ động về Bác thì càng phải gương mẫu trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức Bác Hồ. Có rèn luyện, học tập đạo đức Bác Hồ thì nét vẽ về Bác mới trong sáng, chân thật”.

Đến năm 1953, khi được giao nhiệm vụ khắc họa chân dung Bác Hồ trên những đồng tiền đầu tiên của nước nhà, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận lại càng cẩn trọng. Trong một hồi ức của mình, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận viết: “Công việc vẽ tiền phải tuyệt đối bí mật, thậm chí cả vợ con cũng không được biết. Do yêu cầu của tờ tiền là phải tinh xảo đến mức tối đa để tránh làm giả nên tôi vừa đeo kính, lại vừa phải soi kính lúp để nét vẽ suông, nhỏ và đều nhau. Chúng tôi cũng mất nhiều tháng lên các đền chùa để tham khảo phục trang của người dân tộc để nét hoa văn trên tờ tiền mang bản sắc Việt Nam”.

Riêng phần công việc của mình là thể hiện chân dung của Bác Hồ trên đồng tiền quốc gia, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã phác họa chân thực, phong thái khoan thai, giản dị của một lãnh tụ gần gũi với người dân, toát lên được vẻ nhân từ, khoan dung của Bác.

2. Tranh cổ động cũng là thể loại mà sinh thời họa sĩ Huỳnh Văn Thuận yêu thích, dành nhiều thời gian, tâm sức để sáng tạo. Những tư liệu gia đình họa sĩ lưu giữ lại cho thấy, ông vẽ tranh cổ động từ năm 1946 đến trước lúc về miền mây trắng (năm 2017), nhiều bức đã trở thành tiêu biểu cho thể loại này: “Việt Nam trường tồn, Hồ Chí Minh sống mãi”; “Độc lập Tự do” và hai bức không lời về bảo vệ hòa bình (bức đầu vẽ đôi cánh tay lực lưỡng - một dìm quả bom xuống, một nâng bổng con chim bồ câu, bức sau vẽ bàn tay chặn quả bom và trên tay đậu con chim hòa bình)…

Thuộc loại hình nghệ thuật đồ họa, tranh cổ động mang tính khái quát cao với những yêu cầu như súc tích, thời sự, điển hình hóa… được thể hiện qua hình vẽ, hình ảnh, mầu sắc và bố cục chữ. Tâm huyết với mảng sáng tác này, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã có những bức tranh cổ động vừa truyền tải được tính thời sự, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của loại tranh này và đặc biệt nó được nâng cao mang tính biểu trưng, gần gũi với người xem. Năm 1988, ông cùng họa sĩ Thục Phi tổ chức triển lãm tranh cổ động tại thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh), sau đó đưa về Hà Nội.

3. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong những người chuyên sâu vào nghệ thuật tranh sơn khắc. Tranh của ông gắn bó với đời sống của người dân, với bố cục chặt chẽ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao. Cùng với tranh sơn khắc, họa sĩ còn sáng tác nhiều tranh cổ động chất lượng tốt trong thời kỳ kháng chiến, góp phần vào thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt là bức tranh sơn khắc “Thôn Vĩnh Mốc” (1 m x 1,5 m) rất nổi tiếng, được giới nhà nghề luôn nhắc tới như một “cột mốc” sáng tạo của thể loại này. Tác phẩm này được Huỳnh Văn Thuận hoàn thành năm 1958, đoạt Giải Nhất của cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958. Ông khắc kỹ lưỡng cả một làng chài ven biển với nhiều nóc nhà tranh, cây cối, cổng chào, vô số nhân vật, thuyền bè, chài lưới, giàn bí, khung cửi, cối xay lúa, cờ đỏ sao vàng… Nhưng còn hơn thế nữa, bức tranh này toát lên sức sống phơi phới của một miền quê với tâm hồn dân dã nồng hậu, trong sáng. Bên cạnh đó, ông còn có nhiều bức tranh sơn khắc đến nay vừa có giá trị lịch sử vừa đong đầy cảm xúc: “Làm sạch thóc nộp kho”, “Ngày mùa ở Vĩnh Kim”, “Vết xích xe tăng giặc”, “Kéo bừa thay trâu”… Theo giới nghiên cứu mỹ thuật, trước Huỳnh Văn Thuận, ở Việt Nam chưa có ai thành công đến thế về tranh sơn khắc.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cũng còn để lại dấu ấn của mình ở trên những cánh tem thư. Ông từng tham gia vẽ bộ tranh truyện về nữ Anh hùng Nguyễn Thị Chiên đồng thời vẽ nhiều mẫu tem để tham gia các cuộc thi do Công ty Tem Việt Nam tổ chức các năm 1965, 1967, 1970…

Tác phẩm của ông, dù là sơn khắc, sơn mài hay tranh cổ động cũng thể hiện một cái nhìn tỉ mỉ đến từng chi tiết, thanh thoát và phóng khoáng trong cấu trúc của hình và nét. Nét dày, nét thưa được tập hợp trong các không gian dày đặc mà không rối, tạo được lớp lang của chiều sâu và chắt lọc được hình ảnh tiêu biểu của sự vật. Các mảng mầu giản dị và tinh khiết, giản lược mà không đơn điệu đã nói lên được sự mặn mà của ông đối với thể loại tranh mang tính phục vụ cao như loại hình tranh cổ động.

Theo Thư Hoàng - Thời Nay/ND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng