Tạp chí Sông Hương -
Cần có những bảo tàng văn hoá chuyên đề
10:09 | 13/07/2009
Vấn đề trên thực sự đáng được quan tâm khi đến thăm cuộc trưng bày vô cùng đồ sộ về văn hoá khảo cổ Sa Huỳnh ở Bảo tàng Lịch sử VN (khai mạc ngày 8.7) do bảo tàng phối hợp với Viện Khảo cổ học và bảo tàng Nhân học tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm phát hiện văn hoá Sa Huỳnh (1909 - 2009).
Cần có những bảo tàng văn hoá chuyên đề
Trưng bày văn hoá khảo cổ Sa Huỳnh ở Bảo tàng Lịch sử VN.

Thêm một nền văn hoá đáng tự hào

Một tin ngắn do bà Vinet (nhân viên thuế quan ở tỉnh Quảng Ngãi thời đó) thông báo về việc phát hiện những quan tài bằng gốm ở đầm muối Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) đăng trong biên niên của tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã trở thành mốc dấu mở đầu cho một nền văn hoá khảo cổ nổi tiếng: Văn hoá Sa Huỳnh (cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm).

Đến nay, đã có ngót 80 di tích thuộc văn hoá Sa Huỳnh được phát hiện, trong đó hàng chục địa điểm đã được nghiên cứu khai quật. ẹt nhất có 3 hội thảo quốc gia về văn hoá Sa Huỳnh được tổ chức và cuối tháng 7 này, một hội thảo quốc tế sẽ được tổ chức ở Quảng Ngãi.

Đặc trưng phân bố của nền văn hoá khảo cổ này rất rộng, trên nhiều địa hình khác nhau và các nghiên cứu trước cho thấy phần lớn nằm trên cồn cát cạnh các dòng chảy lớn, nhỏ ở miền Trung (từ Quảng Bình trở vào).
 
Nhưng mới đây, kết quả khai quật di chỉ Bãi Cọi (Hà Tĩnh) lại chỉ ra rằng, văn hoá Sa Huỳnh hoặc chính xác hơn là nét văn hoá Sa Huỳnh thể hiện rất đậm nét ở di chỉ này. Hơn 100 hiện vật trưng bày ở bảo tàng cho thấy: Đặc trưng nổi trội nhất của văn hoá Sa Huỳnh là mộ chum với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau. Trong chum có nhiều đồ tuỳ táng.

Đồ sắt cũng là một đặc trưng của văn hoá Sa Huỳnh: Kiếm, giáo, lao, rìu, thuổng... được chế tác khá công phu và còn được làm hàng hoá trao đổi buôn bán với cư dân khác trong khu vực. Nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học đã cho đồ sắt ở khu vực này có nguồn gốc từ Sa Huỳnh và có mối quan hệ mật thiết với Sa Huỳnh.

Đồ trang sức của nền văn hoá này chủ yếu là được làm bằng đá, thủy tinh, số ít là kim loại, mã não... Khuyên tai hai đầu thú là sản phẩm đặc trưng độc đáo của văn hoá Sa Huỳnh, bên cạnh đó còn có khuyên tai 3 mấu, vòng đeo tay, hạt chuỗi...

Để có cái nhìn rõ hơn

Lâu nay, ngành bảo tàng VN luôn than phiền về sự trùng lặp, đơn điệu trong nội dung trưng bày, khiến cho khách tham quan ít hứng thú và bảo tàng không phát huy được chức năng như nó vốn có. Ông Phạm Quốc Quân - GĐ Bảo tàng Lịch sử VN cho rằng: "Trong thời sơ sử, trên mảnh đất nhỏ bé của chúng ta có ba nền văn hoá nổi tiếng đuợc cả thế giới biết đến như Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và OÁc Eo ở miền Nam".

Ba nền văn hoá nói trên trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt. Thành tựu nghiên cứu về ba nền văn hoá ấy cho đến nay là rất đáng ghi nhận. Sự phong phú vật chất và đa dạng của loại hình di vật của ba nền văn hoá cũng khiến chúng ta phải ngạc nhiên, không biết cha ông ta đã vật vã vươn lên với bao thử thách để cho chúng ta ngày nay một khối lượng di sản đồ sộ và kỳ thú, không kém bất cứ một nền văn minh cổ nào trên thế giới.

Tuy nhiên, những di sản ấy hiện bị xé nát thành những bộ sưu tập nhỏ, trưng bày khiêm tốn ở các bảo tàng khác nhau. Do vậy, để có thể phát huy tốt những thành tựu nghiên cứu ấy, nhằm mang lại cho mỗi người dân Việt, mỗi khách quốc tế về một bức tranh toàn cảnh của các nền văn hoá chói lọi ấy, ông Quân gợi ý nên có bảo tàng văn hoá chuyên đề: Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Đông Sơn (Thanh Hoá) và OÁc Eo (ở ĐBSCL). Có như vậy, khối lượng hiện vật đồ sộ của cả 3 nền văn hoá sẽ được tập trung hơn, phong phú hơn, xứng tầm hơn.

                                                                                                                Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng