Tạp chí Sông Hương -
Vụ Google vi phạm bản quyền số hóa sách của Việt Nam: google chỉ trả hơn 4 tỉ đồng
10:17 | 13/07/2009
Google đã số hóa hơn 4.000 tác phẩm của Việt . Ngay trong tháng 7, VLCC sẽ đưa lên trang web của trung tâm danh sách các tác giả đã có tác phẩm được số hóa để họ tiện theo dõi và tham gia các thỏa thuận
Vụ Google vi phạm bản quyền số hóa sách của Việt Nam: google chỉ trả hơn 4 tỉ đồng
Những tác phẩm văn học đã được Google mã hóa

Đứng trước nguy cơ đối diện với một vụ kiện liên quan tới dự án thư viện sẽ diễn ra vào tháng 10-2009, trong đó rất nhiều thành viên thuộc Liên đoàn Quốc tế về quyền sao chép đã khiếu nại Google vi phạm bản quyền khi quét những cuốn sách đã có bản quyền và hiển thị các đoạn trích mà không được phép, Google vừa có văn bản đề nghị đàm phán với các bên khiếu nại, trong đó có Việt Nam, để đạt được một thỏa thuận liên quan đến hoạt động số hóa sách.

Bồi thường từ 60 USD/tác phẩm gốc

Trên trang chủ trung tâm hỗ trợ thỏa thuận thu xếp sách của Google http://www.googlebooksettlement.com/help/bin/answer.py?answer=134644&hl=vi, người ta có thể dễ dàng nhận được các thông tin về thỏa thuận thu xếp cũng như điền và nộp mẫu đơn yêu cầu trực tuyến để khiếu nại. Cũng trên trang web này, Google thông báo sẽ thanh toán bồi thường ít nhất là 60 USD/tác phẩm gốc, 15 USD/phụ trang hoàn chỉnh, 5 USD/phụ trang từng phần cho người nắm giữ bản quyền (bao gồm nhà xuất bản (NXB) và tác giả). Tiếp đó, Google sẽ thanh toán 63% doanh thu từ mỗi lần sử dụng cho những người nắm giữ bản quyền. Thời hạn cuối cùng để các tác giả và NXB bên ngoài nước Mỹ không tham gia hoặc phản đối thỏa thuận nêu trên là ngày 4-9-2009. Ngược lại, nếu đồng ý dàn xếp, Google sẽ được quyền hợp pháp khi quét và duy trì cơ sở dữ liệu điện tử về các cuốn sách và phụ trang xuất bản bên ngoài nước Mỹ.

Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), cho biết phía Google đã gửi thông báo pháp lý đến VLCC, tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả các tác phẩm văn học, để thương thảo việc Google đã tự động sao chép nhiều tác phẩm của Việt Nam mà không xin phép chủ sở hữu. Theo tìm hiểu của VLCC, dự án thư viện số khổng lồ của Google hiện đã “quét” và số hóa hơn 4.000 tác phẩm của các tác giả Việt Nam, trong đó chủ yếu là sách phi hư cấu (từ điển, giáo trình, sách khoa học kỹ thuật, tác phẩm báo chí...), phần còn lại là tác phẩm hư cấu (văn học). Trên thực tế, việc các tác giả Việt muốn tìm hiểu tác phẩm của mình đã được Google số hóa hay chưa không phải là điều dễ dàng bởi việc này phải nhờ cậy vào những người giỏi chuyên môn vi tính. Theo bà Lam Luyến, phía VLCC đã nhiều lần đề nghị Google cung cấp danh sách những tác phẩm đã được số hóa nhưng không được họ đồng ý. Bà Lam Luyến cho biết từ danh sách hơn 4.000 tác phẩm này, VLCC sẽ tìm đến các NXB xin thông tin cụ thể về các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả của họ.

Tác phẩm phi hư cấu: Chưa ai đại diện

Theo tính toán, số tiền Google phải bồi thường cho việc số hóa các tác phẩm của Việt Nam có thể lên đến 4 – 5 tỉ đồng, riêng khoản 63% số tiền họ sử dụng sau này sẽ còn lớn hơn. Đó là chưa kể bên cạnh lợi ích về kinh tế, các tác giả còn có lợi trong việc quảng bá tác phẩm của mình một cách rộng rãi. Tuy nhiên, cái khó đối với VLCC hiện nay là trung tâm mới chỉ đạt được thỏa thuận với Hội Xuất bản và một số NXB trong nước, số còn lại trung tâm chưa nhận được ủy thác. Thống kê của VLCC cho thấy số tác giả văn học có tác phẩm được Google số hóa không nhiều, chỉ khoảng 200 tác giả. Theo bà Lam Luyến, điều quan trọng cần tính đến là làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho cả chủ sở hữu những tác phẩm phi hư cấu. Hiện VLCC đã kiến nghị Bộ Nội vụ mở rộng phạm vi quản lý quyền của trung tâm, theo đó, VLCC sẽ được phép quản lý các tác giả không chỉ là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam mà là tất cả chủ sở hữu của các tác phẩm viết được thể hiện dưới dạng chữ in. Ngay trong tháng 7, VLCC sẽ đưa lên trang web của trung tâm danh sách các tác giả đã có tác phẩm được số hóa để họ tiện theo dõi và tham gia các thỏa thuận.

Nhà văn muốn ký trực tiếp

Trong khi kiến nghị của VLCC vẫn chưa có hồi âm, nhiều nhà văn Việt khi được hỏi, lại tỏ ý muốn ký thỏa thuận trực tiếp với Google chứ không qua VLCC. Nhà văn Trần Thị Trường cho biết sẽ ký hợp đồng trực tiếp với Google chứ không qua VLCC, bởi Google là một mạng đáng tin cậy và bà tin tưởng đối tác sẽ thực hiện đúng như trong thỏa thuận. Trả lời câu hỏi liệu VLCC sẽ giải quyết thế nào đối với những trường hợp không ủy thác cho trung tâm, bà Lam Luyến cho biết những trường hợp này VLCC đành “thả nổi”. Hiện để bảo đảm việc thỏa thuận với Google thành công cao, VLCC đã thành lập văn phòng dự án liên hệ, đàm phán với luật sư của Google về việc sử dụng các tác phẩm đã và đang trong kế hoạch được số hóa, đồng thời phân loại và hình thành cơ sở dữ liệu về các cuốn sách trên. VLCC cũng sẽ đứng ra thu tiền bồi thường từ phía Google, phân phối tiền bồi thường đến các chủ sở hữu quyền tác giả tại Việt .

Google từng trả 125 triệu USD vì vi phạm bản quyền

Ngày 28-10-2008, Google cùng đại diện các NXB và tác giả đã đạt được một thỏa thuận bước ngoặt nhằm giải quyết vụ tranh chấp bản quyền suốt nhiều năm. Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Hiệp hội Tác giả và Hiệp hội Các NXB Mỹ (AAP) đã đồng ý không tiếp tục theo đuổi vụ kiện “xâm hại bản quyền quy mô lớn” đối với dịch vụ “Tìm kiếm sách Google” (Google Book Search), trong đó cung cấp hàng triệu cuốn sách được sao chụp từ thư viện nhiều trường đại học lớn của Mỹ. Tuy nhiên, Google phải chi 125 triệu USD, trong đó 30 triệu USD dành để thiết lập một “Sổ đăng ký bản quyền sách” (Book Rights Registry), 45 triệu USD bồi thường cho các tác giả và NXB sở hữu những cuốn sách đã bị sao chụp không được phép, số còn lại dùng để chi trả chi phí vụ kiện.

Cũng theo thỏa thuận mới, độc giả sẽ chỉ được đọc miễn phí tối đa 20% nội dung một cuốn sách có bản quyền và phải trả tiền để xem toàn bộ cuốn sách trực tuyến. Giá bán sách trực tuyến sẽ do những người nắm giữ bản quyền hoặc Google ấn định nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ cuốn sách. Lợi nhuận thu được từ quảng cáo trên dịch vụ bán sách trực tuyến sẽ được chia sẻ theo tỉ lệ 63%-37% giữa những người nắm bản quyền và Google.

                                                                                                           Theo NLĐO

Các bài mới
Các bài đã đăng