Tạp chí Sông Hương -
Văn học thế giới: Những ẩn sĩ lừng danh
14:18 | 24/07/2020

Lịch sử văn học biết đến nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng từ bỏ cuộc sống xã hội, ở ẩn để chuyên tâm vào công việc sáng tác.

Văn học thế giới: Những ẩn sĩ lừng danh
Văn hào Marcel Proust

Marcel Proust, Jerome Salinger, Emily Dickinson, Thomas Bernhard, và nhiều nhà văn khác – những ẩn sĩ nổi tiếng đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với nền văn học thế giới.

Marcel Proust

Nhà văn Pháp Marcel Proust (1871 - 1922) – tác giả của một trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ XX, thiên sử thi 7 tập "Đi tìm thời gian đã mất", đã sáng tạo tác phẩm vĩ đại của mình gần như trong sự cô đơn tuyệt đối suốt 13 năm cuối đời.

Tuổi trẻ Proust trôi qua trong các phòng khách quý tộc Paris cuối thế kỷ XIX và đến năm 30 tuổi, điều duy nhất ông kịp làm trong cuộc đời là viết được hai cuốn tiểu thuyết. 

Cái chết sớm của bố mẹ đã đánh thức Proust khỏi sự lười nhác và giúp ông vươn tới một cuộc sống có mục đích. Để đạt được sự tập trung tối đa, Proust xây một phòng làm việc cách âm bằng rễ bần bọc kín các bức tường. 

Còn một nguyên nhân nữa dẫn tới lối sống ẩn dật của nhà văn là bệnh hen không cho phép ông thưởng thức mùi vị. Mỗi lần đi ra ngoại ô để ngắm cây sơn trà nở hoa, Proust không bước ra khỏi xe mà chỉ xem hoa qua cửa kính.

Năm 1905, khi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết "Tìm lại thời gian đã mất", Proust ghi nhật ký: "Tôi sẽ không bước ra khỏi nhà…". Và quả thật, những năm về sau ông chỉ ra ngoài vào ban đêm để lấy cảm hứng cần thiết cho công việc sáng tác. 

Nhờ lối sống ẩn dật, Marcel Proust đã phục hồi được vô số hồi ức về tuổi thơ, về những tình cảm và cảm xúc đã trải qua, tái hiện quá khứ một cách hết sức chi tiết.

Emily Dickinson

Nữ thi sĩ Mỹ Emily Dickinson (1830 – 1886) đã để lại một di sản thơ ca phong phú, nhưng sinh thời bà chỉ công bố 7 bài thơ. 

Năm 1862, sau khi chia tay với người yêu, Emily Dickinson hoàn toàn cắt đứt quan hệ với thế giới bên ngoài, trừ những người ruột thịt và bạn bè thân thiết nhất. Và từ đó, bà thực sự hiến mình cho thơ ca. 

Những người hàng xóm coi bà là một kẻ lập dị, một phần vì bà luôn luôn mặc áo dài trắng và hiếm khi chào hỏi mọi người. Bà chỉ giao tiếp với bạn bè qua thư từ.

Tác phẩm đầu tay "Thơ Emily Dickinson" được xuất bản sau khi bà qua đời, năm 1890, và thu được thành tựu nhất định. Tiếp theo là những tác phẩm khác lần lượt được xuất bản. Emily Dickinson được coi là một trong những tác giả quan trọng nhất của nền thơ ca thế giới và là nhà thơ Mỹ được được nhiều người đọc nhất.

Trong giới văn học, người duy nhất bà giữ quan hệ là nhà văn kiêm phê bình gia Thomas Higginson. Nhà văn Anh John Priesley sau này viết: "Thi sĩ thể hiện tính cách và tinh thần của New England một cách chân thực nhất lại là một người hoàn toàn vô danh cuối thế kỷ XIX, Emily

Dickinson – một con người gay gắt, bồng bột, thường vụng về, hay nghĩ về cái chết. Nhưng trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình, bà là một thi sĩ cực kỳ quả cảm và tập trung tư tưởng. So với bà, các nam thi sĩ chỉ là những kẻ nhút nhát và buồn tẻ".

Thomas Bernhard

Thomas Bernhard (1931 - 1989) là nhà văn kiêm nhà viết kịch Áo có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của ngôn ngữ Đức thế kỷ XX. Ngay từ năm 25 tuổi, ông đã hoàn toàn cống hiến cho văn học, sau khi chuyển đến sống trong pháo đài tại Gmunden, một vùng xa xôi của nước Áo và sống ở đấy cho tới những ngày cuối đời.

Bằng sự phê phán kịch liệt tất các các thiết chế của xã hội Áo, Bernhard bị mang tiếng là một kẻ vu khống và gây rối công khai. 

Trong di chúc, ông cấm công bố và dàn dựng các tác phẩm của mình ở Áo. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Bernhard "Băng giá" hàm chứa ẩn dụ về trạng thái tâm hồn của con người. Theo Bernhard, con người khép kín, "đóng băng" trong chính bản thân và cách tồn tại thích hợp duy nhất trong xã hội hiện đại là hoá điên.

Jerome Salinger

Nhà văn Jerome Salinger.


Jerome Salinger (1919 - 2010) là nhà văn Mỹ, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng "Bắt trẻ đồng xanh". Cả cuộc đời, ông chỉ trả lời phỏng vấn một lần, và trong suốt 40 năm không công bố một tác phẩm nào. Mặc dù vậy ông vẫn là một tác giả hết sức nổi tiếng không chỉ ở Mỹ. 

Được mệnh danh là thiên tài lúc sinh thời, ông là một nhà văn bí ẩn nhất, gây ra nhiều tò mò nhất và chỉ muốn một điều – được yên thân. Sau khi tiểu thuyết "Bắt trẻ đồng xanh" trở nên nổi tiếng, Salinger bắt đầu sống ẩn dật, từ chối gặp gỡ mọi người. 

Một lần, vốn rất yêu mến trẻ em, ông trò chuyện với một học sinh phổ thông, sau đó cô bé đã kể lại cuộc trò chuyện này trên báo tường của nhà trường, khiến Salinger hết sức tức giận. Các trợ lý của ông thường xuyên theo dõi để trên các phương tiện thông tin đại chúng không xuất hiện những bài viết về ông.

Sau năm 1965, Salinger kiên quyết không cho xuất bản tác phẩm của mình, chỉ sáng tác cho bản thân. Cũng như Bernhard, Salinger cấm tái bản các tác phẩm hồi trẻ (trước truyện ngắn "Ngày hoàn hảo cho cá chuối") và đã phản đối ý định xuất bản các bức thư của ông. 

Những năm cuối đời, ông tuyệt đối không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, sống trong một biệt thự được bao bọc bởi bức tường cao tại thị trấn Cornish, bang New Gampshir, và nghiên cứu đạo Phật, Hindu, y học và luyện yoga...

Theo Trần Hậu - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng