Tạp chí Sông Hương -
Google mua tác quyền của nhà văn Việt Nam
08:23 | 14/07/2009
Tự ý số hóa hàng triệu đầu sách, trong đó có hơn 4.000 tác phẩm của VN, dự án Google Books đối diện với vụ kiện tập thể liên quan đến tác quyền. Để đối phó, Google gửi thư đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Văn học VN (VLCC) và các nhà văn đề nghị thỏa thuận.
Google mua tác quyền của nhà văn Việt Nam
"Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh đã được Google Books số hóa.

Dự án Google Books được tập đoàn Google xây dựng từ nhiều năm nay. Google khẳng định, đây là thư viện sách trực tuyến khổng lồ, giúp người dùng Internet có thể tìm, đọc sách một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Ngoài việc cung cấp cho độc giả thông tin cơ bản về cuốn sách, mức giá, các bài phê bình, địa chỉ tìm mua, Google Books còn cho phép người dùng xem một vài trang (Limited Preview) hoặc các trích dẫn (Snippet View)... Tất nhiên, Google không xây dựng dự án này với mục đích từ thiện. Họ thu lợi từ nguồn quảng cáo, hoặc trong tương lai, có thể là các khoản phí truy cập từ người sử dụng.

Tuy nhiên, Liên đoàn quốc tế Các tổ chức quản lý tập thể quyền sao chép cho rằng, đây là hành vi vi phạm bản quyền, vì Google đã tự động số hóa tác phẩm mà không xin phép tác giả hoặc nhà xuất bản, làm ảnh hưởng đến doanh thu của chủ sở hữu. Tổ chức này và Hiệp hội NXB nhiều nước đệ đơn kiện Google. Vụ kiện đã kéo dài từ 2004 đến nay. Nhằm đối phó, Google đề nghị thương lượng tác quyền với các chủ sở hữu bằng cách gửi Thông báo pháp lý đến các NXB, nhà văn và các trung tâm bản quyền ở nhiều nước trên thế giới.

Trong hơn 50 trang in Thông báo Pháp lý gửi cho (VLCC) và một số nhà văn VN, Google nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của Việt nếu hợp tác với Google. Theo đó, nếu phía Việt Nam đồng ý với thỏa thuận và từ bỏ quyền khiếu nại Google, Google trả 60 USD (khoảng 1 triệu đồng) cho việc số hóa mỗi tác phẩm và 63% doanh thu từ mỗi lần sử dụng tác phẩm. Đổi lại, Google được quyền quét và lưu trữ các cuốn sách dưới dạng điện tử, bán quyền truy cập và tận dụng một số hình thức kinh doanh khác từ tác phẩm. Nếu Việt không đồng ý, ấn bản phẩm của các tác giả Việt sẽ không tồn tại trên công cụ tìm kiếm của Google. Thời hạn cuối cùng để chủ sở hữu tác quyền tại Việt trả lời là 30/9.

Thực tế, sự sửa sai của Google đem lại cho các nhà văn Việt cơ hội quảng bá tác phẩm và lợi ích vật chất nhất định. Bà Đoàn Thị Lam Luyến, giám đốc VLCC phân tích, dự án Google Books được xây dựng với mục đích khai thác giá trị thương mại từ các tác phẩm. Nhưng bên cạnh đó, đây cũng là dịp để tác phẩm văn học Việt được biết đến, được tìm kiếm nhiều hơn trên thế giới.

Nhà văn Tạ Duy Anh cho biết: "Tôi có nhận được thư của Google, nhưng tôi chưa hiểu cặn kẽ. Nếu đây là hình thức để phổ biến tác phẩm của Việt thì là quá tốt. Văn học trong nước bây giờ in ra hàng đống, nhưng làm gì có ai đọc đâu".

Nhà văn Bảo Ninh - người chỉ biết tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của ông đã được Google số hóa khi VnExpress đề cập - cũng chia sẻ. "Nếu có thể giới thiệu văn học Việt một cách rộng rãi, mình cần phải tận dụng. Nếu họ có thiện chí mà không có tiền, mình cũng không đặt nặng chuyện tiền bạc. Nhưng nếu họ làm như vậy với mục đích kinh doanh, họ cần thực hiện theo đúng luật".


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hy vọng đây là cơ hội tốt để quảng bá tác phẩm trong nước. Ảnh: H.T.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một trong những tác giả Việt được xuất bản sách ở nước ngoài nhiều nhất - nhận xét theo cách ngậm ngùi hơn: "Trước đây, mình không cho, nó vẫn cứ số hóa. Bây giờ, nhờ có vụ kiện, nó chi cho mình ít tiền, không phải là tốt sao? Còn kéo nhau đi kiện, lại kiện về bản quyền thì khác nào 'chờ được vạ thì má đã sưng".

Số tiền mà Google chi ra để đổi lấy quyền khiếu nại của Việt Nam là khoảng hơn 240.000 USD (hơn 4 tỷ đồng) từ việc số hóa hơn 4.000 tác phẩm (mỗi tác phẩm số hóa được trả 60 USD). Ngoài ra, còn phải kể đến khoản tiền nhận được từ 63% doanh thu truy cập tác phẩm một khi dịch vụ này được Google đưa vào khai thác. Số tiền này sẽ được thanh toán qua VLCC, từ đó, VLCC sẽ chia cho các tác giả trong nước. "Cá nhân tôi nghiêng về lựa chọn đồng ý với thỏa thuận. Bởi không từ bỏ quyền khiếu nại Google thì Việt mình cũng không có tiền, không có người mà theo đuổi một vụ kiện quốc tế. Hơn nữa, mức giá 60 USD cho mỗi cuốn sách được số hóa và 63% doanh thu là con số khá cao. Chưa có website trong nước nào trả được mức giá cao như thế này cho các tác giả cả", bà Lam Luyến nói.

Tuy nhiên, nếu chịu thỏa thuận, các nhà văn Việt không chỉ phải từ bỏ quyền khiếu nại mà còn phải chấp nhận một số điều kiện của Google. Trong đó, được quan tâm nhất là việc các nhà văn phải nhường cho Google một số quyền hạn nhất định trong việc khai thác lợi nhuận từ tác phẩm. Họ cũng có thể mất quyền công bố tác phẩm trên các website trong nước. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ: "Nếu phải từ bỏ quyền công bố tác phẩm trong nước thì cũng là vấn đề cần cân nhắc. Nói chung, cần phải nghiên cứu thật kỹ các điều khoản trước khi đặt bút ký".

Nhà văn Bảo Ninh lại nói ngắn gọn: "Mình trước hết phải viết cho độc giả Việt đọc đã".

Đứng trước các lựa chọn này, một cán bộ Cục Bản quyền phân tích: "Đây không phải là vấn đề đơn giản, vì nó liên quan đến vụ kiện quốc tế. Nếu hợp tác với Google, ngoài các thỏa thuận với Google, Việt sẽ phải tuân thủ các phán quyết của tòa án một khi vụ kiện hoàn tất. Tất nhiên, đề nghị của Google trước hết xuất phát từ mục đich đối phó với vụ kiện. Nhưng cũng không thể quy kết ngay như thế là thiếu thiện chí. Vấn đề là, sau này, họ có thực hiện đúng cam kết hay không?".

Nhà văn Tạ Duy Anh cũng lo ngại, khi vụ kiện qua đi, nếu Google "bội ước", việc Việt Nam đơn độc đấu tranh đòi quyền lợi là chuyện rất khó khăn.

Một vấn đề khác đặt ra là để đủ tư cách đại diện Việt ký thỏa thuận với Google, VLCC phải có được sự ủy thác của các tác giả có tác phẩm được số hóa. Hiện tại, trung tâm mới được hơn 1.000 nhà văn ủy thác với hầu hết tác phẩm hư cấu. Trong khi đó, Google số hóa cả các đầu sách phi hư cấu, các sách nghiên cứu, khoa học và sách thuộc nhiều lĩnh vực khác. VLCC đang vận động thành lập Hiệp hội Quyền tác giả Phi hư cấu, đồng thời vận động các tác giả nhanh chóng ủy thác. Với thời hạn chưa đầy hai tháng để trả lời, bà Lam Luyến cho biết, đây không phải là việc làm dễ dàng, nếu những người viết sách không có tinh thần hợp tác.

Sự ra đời và các vụ kiện tụng quanh dự án Google Books

- 12/2004: Google triển khai dự án Google Print (tiền thân của Google Books) với sự hợp tác của thư viện các trường đại học lớn như Đại học Michigan, Harvard, Stanford, New York Public Library. Google thông báo sẽ xây dựng thư viện online với gần 15 triệu đầu sách trong vòng 10 năm. Ngay lập tức, dự án này vấp phải sự phản đối của các nhà xuất bản và nhiều nhà văn tại Mỹ về vấn đề bản quyền.

- Tháng 9/2005: Hiệp hội các nhà văn Mỹ kiện Google vi phạm tác quyền. Vụ kiện khiến Google phải tạm dừng dự án Google Print.

- Tháng 10/2005: Google tiếp tục bị 5 NXB tại New York đệ đơn kiện và đòi bồi thường.

- Tháng 11/2005: Google đổi tên dự án Google Print thành Google Book Search và tiếp tục theo đuổi mục tiêu đặt ra ban đầu.

- Năm 2006 - 2007: Một số đại học như California System, Đại học Madrid, Đại học Wisconsin-Madison, Đại học Virginia… tuyên bố đồng ý với thỏa thuận để Google Books số hóa các đầu sách của mình.

- Năm 2008: Google mở rộng quy mô số hóa, nâng tổng số sách lên 750.000 cuốn và hơn 80 triệu bài báo. Cũng trong năm này, Google chi tiền bồi thường cho một số đối tác có thỏa thuận tác quyền với họ.

- Năm 2009: Google tiếp tục bị Liên đoàn quốc tế các Tổ chức quản lý quyền sao chép (IFRRO) khởi kiện.

                                                                                                          Theo eVan

Các bài mới
Các bài đã đăng