Tạp chí Sông Hương -
Soạn giả cải lương - Tre già, măng chưa mọc!
15:14 | 17/08/2020

Thị trường tổ chức biểu diễn cải lương tại TPHCM những năm gần đây sôi động hẳn vì sự xuất hiện của nhiều đơn vị xã hội hóa cùng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng nhiều chương trình, vở diễn, thu hút được sự quan tâm của khán giả mộ điệu. 

Soạn giả cải lương - Tre già, măng chưa mọc!
Vở cải lương kinh điển Đời cô Lựu được nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hóa chọn tái dàn dựng

Tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo về sự thiếu hụt đội ngũ sáng tác, khi các soạn giả giỏi nghề đã lớn tuổi và ngày một giảm dần, lực lượng trẻ chưa thể đáp ứng nhu cầu tác phẩm chất lượng, hấp dẫn.

Hiếm hoi soạn giả giỏi nghề

Đội ngũ tác giả giỏi nghề của sân khấu cải lương hiện thời chỉ còn vài người. Kỳ cựu nhất là soạn giả Đức Hiền đã hơn 70 tuổi, tiếp đó là 2 soạn giả Đăng Minh, Hoàng Song Việt cũng đã U60.

Trong khi đó, lớp tác giả trẻ kế thừa vẫn chưa định hình được tên tuổi, thể hiện được sức bật và dấu ấn mạnh mẽ bằng các tác phẩm sân khấu độc đáo riêng.

Thực trạng quá ít ỏi người giỏi nghề chuyên sáng tác cho sân khấu cải lương hôm nay, khiến các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa và công lập buộc lòng phải chọn cách trở lại với các vở tuồng cũ, kinh điển để dàn dựng, tổ chức biểu diễn, duy trì hoạt động sáng đèn. 

Soạn giả Đăng Minh chia sẻ: “Vì là công việc, là đam mê nên tôi cứ viết cho “đã mình” trước và ai đặt hàng thì mình sáng tác theo nhu cầu vậy thôi. Trước đây soạn giả sống khỏe bằng cải lương, giờ thì khó khăn hơn, dù nhu cầu thực tiễn vẫn rất nhiều, từ sáng tác kịch bản dài, kịch bản ngắn, chặp, bài ca lẻ hay tân cổ giao duyên. Trong sáng tác, tôi vẫn luôn cố gắng đổi mới mình, trên nền tảng chấp nhận được để phù hợp thực tiễn. Ở mỗi một vở cải lương đều có cái mới, từ ý tưởng, cấu trúc âm nhạc, tiết tấu âm nhạc, cách xây dựng hình tượng, bố trí không gian… Cải lương luôn thay đổi từng ngày, nhưng điều kiện để quảng bá, phổ biến không rộng nên người ta khó nhìn thấy rõ ràng. Tôi thấy làm cải lương hôm nay rất khó, cần nhiều yếu tố, không chỉ là sự nhiệt tình mà còn phải hiểu nghề, có sự thay đổi tươi mới, cân nhắc sao cho phù hợp, vì trong nghệ thuật không mới là không thể tồn tại”. 

Mỗi tác giả đều dành nhiều thời gian nghiên cứu, ấp ủ, sáng tạo và cho ra đời một tác phẩm làm sao hội đủ cả chất và hồn cải lương, dung hòa giữa cũ và mới, sử dụng tất cả kinh nghiệm đã tích lũy cùng với cập nhật thời đại để đưa vào tác phẩm sao cho phù hợp nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hôm nay.

“Ngay với vở cũ dựng lại, nhiều khán giả hiện không chấp nhận nổi vì đa số tiết tấu chậm, thời lượng dài, sự kiện ít, trong khi kỹ thuật ca diễn xưa - nay khác nhau quá xa. Khán giả ngày nay đòi hỏi ở sân khấu cải lương sự đa năng. Họ muốn thưởng thức một vở diễn như thưởng thức một tác phẩm điện ảnh, chứ cải lương vừa mở ra khán giả đã biết kết thúc như thế nào thì mất hẳn sức hấp dẫn, ít sự kiện mà kéo dài lê thê chỉ khiến họ chán. Đó là một trong những nguyên nhân lớn khiến sân khấu mất dần khán giả”, soạn giả Đăng Minh cho biết thêm. 

Đào tạo các tay viết trẻ kế thừa

Việc am hiểu cải lương chính là tiêu chí cần thiết phải có của một tác giả viết kịch bản. Để cho ra đời một tác phẩm cải lương hấp dẫn, bài bản nên đặt vào những tình huống như thế nào cho hợp lý, chỗ nào Bắc, chỗ nào Nam, đoạn nào nên Oán, và cũng không được lạm dụng quá nhiều bài vọng cổ, hoặc có thể khai thác thêm những bản nhạc mới sao cho phù hợp với từng thể loại kịch bản; sáng tác kịch bản lịch sử, đề tài lịch sử hay đề tài xã hội; phải chú ý yếu tố nắm bắt được nhu cầu giải trí của khán giả thời đại mới. Những đòi hỏi mang tính cơ bản và cần thiết cho một tác phẩm sân khấu chất lượng luôn “làm khó” tác giả trẻ như thế. 

Tâm tư về vấn đề thiếu hụt đội ngũ chuyên sáng tác kịch bản sân khấu cải lương, NSƯT Ca Lê Hồng bày tỏ quan điểm: “Sân khấu hôm nay quá thiếu vắng đội ngũ viết kịch bản. Một số em tốt nghiệp diễn viên, đạo diễn có khả năng viết, sáng tác, nhưng Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM chưa có lớp biên kịch. Do vậy nên có nguồn kinh phí tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho những nhân tố tiềm năng này. Từ kiến thức học ở nhà trường và năng khiếu cá nhân, các em đã thích và am hiểu cải lương thì phải biết một kịch bản cải lương cần những gì, đặc trưng kịch bản như thế nào, phải nắm bắt được âm nhạc cải lương, các bài bản, hiểu phương pháp biên kịch bên cải lương có đặc thù riêng như thế nào… trước khi có sáng tạo riêng. Với các bạn trẻ năng động, thích tìm tòi sáng tạo cái mới, nếu không có kinh nghiệm, hiểu sâu về cải lương cũng khó có những tác phẩm hay”. 

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt đội ngũ sáng tác cho sân khấu hôm nay và tương lai, cấp thiết phải có sự quan tâm xây dựng dự án đào tạo bài bản cho những người trẻ, thích sáng tác, để từng bước nâng chất tay viết mới, phát hiện thêm tài năng sáng tác trẻ, tạo nguồn tác giả kế thừa đa năng, giỏi nghề. 

Riêng với các trại sáng tác của TPHCM, phải xây dựng phương án tổ chức trại sáng tác chuyên viết về cải lương, với nội dung đa dạng, mở rộng nhiều thể loại, đi sâu đi sát vào nhu cầu tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả thực tiễn… để tác phẩm sau khi ra đời từ trại sáng tác có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả, giải tỏa vấn nạn khan hiếm kịch bản biểu diễn cho các sân khấu cải lương đang hoạt động tại TPHCM.

Một khi có sự thay đổi trong đào tạo, đầu tư, chú trọng, nâng chất đội ngũ sáng tạo kịch bản - điều kiện đầu tiên trong dây chuyền hình thành và công diễn một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh mới có hy vọng sân khấu cải lương tại TPHCM có nhiều sự tươi mới, thu hút được khán giả tìm đến sàn diễn nghệ thuật để thưởng thức và yêu thích.

Theo Thúy Bình - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng