Tạp chí Sông Hương -
Trong bóng chiều nghiêng nhớ bạn văn
15:18 | 17/08/2020

Tôi xúc động rưng rưng khi đọc những trang đầu cuốn sách mới của nhà văn Ngô Thảo với đầu đề “Nghiêng trong bóng chiều” (Nxb. Quân đội nhân dân, 2020), mừng ông tròn tuổi 80. Ông mở đầu: Khi trò chuyện với người già, lớp trẻ sợ nhất là các vị ôn nghèo, kể khổ về thời bao cấp.

Trong bóng chiều nghiêng nhớ bạn văn
Bìa sách Nghiêng trong bóng chiều của nhà văn Ngô Thảo.

Và, Ngô Thảo khẳng định tiếp như đinh đóng cột: “Đó là một tài sản đặc biệt của thế hệ chúng tôi. Và tận lòng sâu mỗi người lại biết ơn những năm tháng nghèo khổ, gian lao đó. Nó giúp chúng tôi hiểu sâu sắc cái hạnh phúc của ngày hôm nay, nếm được hương vị của hạnh phúc, cả trong những gì nhỏ nhất”.

Tôi xúc động do đồng cảm. Chừng 5 năm trước, tôi nhận được tập sách in những bức ảnh đen trắng của John Ramsden chụp về Hà Nội những năm 1980-1982. Tác giả là nghệ sĩ nghiệp dư bởi ông làm Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội, nhưng hầu hết các ảnh của ông đều chộp được những khoảnh khắc diệu kỳ, hết sức gợi cảm. Hào hứng, tôi hạ bút viết luôn một bài “đọc... ảnh” khá dài.

Qua tập ảnh của một người nước ngoài, “tôi gặp lại tuổi trung niên của mình, sống lại một thời bao cấp thật lắm nhiêu khê, mà lớp trẻ ngày nay nghe người cao tuổi kể chuyện nếu không phá ra cười thì cũng trố mắt: Sao kỳ cục vậy? Tuy nhiên, đằng sau lắm thứ nhiêu khê ấy hiển hiện cái đẹp của tình người”. Chính tác giả John Ramsden cũng kể lại trong Lời giới thiệu in đầu tập sách: “Vào buổi chiều cuối cùng của cuộc triển lãm, có một phụ nữ lớn tuổi đến xem. Bà mặc áo trắng quần đen truyền thống. Bà chậm rãi xem từ bức ảnh này tới bức ảnh khác, nhìn thật kỹ rồi lại nhìn ra xa như thể chìm vào ký ức của mình. Đến khi triển lãm chính thức đóng cửa bà mới ra về” (*).

*

Trở lại với cuốn “Nghiêng trong bóng chiều” của Ngô Thảo. Đọc Lời nói đầu, tôi tự hỏi: Phải chăng nhà phê bình văn học viết hồi ký về cuộc đời của mình? Đúng. Nhưng vẻn vẹn qua sáu trang sách. Còn lại hơn 200 trang, ông dành cho những vấn đề khác, những con người khác. Tôi nghĩ có thể coi đây là một tập bút ký chân dung văn học qua ký ức của Ngô Thảo về những văn nghệ sĩ ông quen thân. Từ những người lớp trước như Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp đến những đồng nghiệp của ông ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và những nghệ sĩ tài danh như Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi thời ông là Phó Tổng Thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Sau mấy lời tự sự, Ngô Thảo dành hai bài đầu, có lẽ là những bài tác giả nhiều suy tư nhất, bàn về người lính Cụ Hồ với tư cách là những tác giả và những nhân vật văn học chủ chốt trong bối cảnh đất nước dốc toàn lực giành chiến thắng vì sự nghiệp không có gì quý hơn độc lập, tự do và hạnh phúc của người dân. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, cây bút nổi tiếng khi nước ta còn dưới ách áp bức của nước ngoài, người am hiểu xã hội cũ, đã nhấn mạnh sự đổi thay kỳ lạ ấy: “Thời thực dân Pháp đô hộ, vai trò người lính hình như không có trong xã hội Việt Nam... Nếu như người ta có nói đến người lính thì chỉ để chế nhạo hoặc oán ghét mà thôi. Vậy mà bây giờ dân chúng yêu người lính, coi người lính như ruột thịt trong gia đình. Người lính gọi người dân là đồng chí”.

Chỉ mấy tháng sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nhà văn Trần Đăng đã có tác phẩm đầu tiên viết về người lính là bút ký “Một lần tới Thủ đô”. Sống ở chiến khu cùng bộ đội trong ngày gian khó nhất, Nam Cao tác giả tiểu thuyết “Sống mòn”, từng ước mong với lòng cảm phục: “Các anh hãy dạy tôi biết hy sinh, biết chiến đấu, chiến đấu lặng lẽ, chiến đấu không nghĩ gì đến cái tên mình, không nghĩ gì đến cả thân mình nữa...”.

Từ những bước đầu có thể gọi là non sơ ấy, chúng ta dần dà có một đội ngũ nhà văn quân đội hùng hậu với một kho tác phẩm đồ sộ, trong số đó nhiều tác phẩm đã và sẽ tồn tại lâu dài với thời gian. Tuy nhiên, qua đôi mắt Ngô Thảo, “những giá trị đặc biệt quý báu” ấy, hay hình như không còn như trước, “những người có trách nhiệm hiện nay (do đó cần) kịp thời có những chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị tinh thần, tư tưởng của những tác phẩm ra đời trong chiến tranh để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm xứng tầm” với thời đại ngày nay.

Ông phân chia theo trình tự thời gian các “Nhà văn Việt Nam qua 30 năm đổi mới” thành mấy thế hệ:

Thế hệ tiền chiến, gồm lớp nhà văn cầm bút trước năm 1945.

Thế hệ chống thực dân Pháp, trong số này nhiều nhà văn mặc áo lính đến những năm 1990 vẫn còn sức sáng tạo qua những đổi mới quyết liệt. Cũng có một số người gặp trắc trở nhưng đến thời đổi mới, nhiều điều được giải tỏa, nhiều tác phẩm và tác giả được đánh giá lại.

Thế hệ các nhà văn thời chống Mỹ, cứu nước là đông đảo và thành công nhất. Tác phẩm của các nhà văn thuộc thế hệ này về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trong đó nhân vật chính là người lính, chiếm số lượng chủ yếu trong tác phẩm của họ.

Đóng góp vào văn học và kháng chiến của các nhà văn được vinh danh bằng nhiều Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước. Năm nhà văn được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang là Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Sơn Tùng.

Sang thời đổi mới, tình hình có khác trước nhiều. Số người sáng tác văn học đông, khối lượng tác phẩm in ấn nhiều khó kể xiết. Giao lưu và hòa nhập với thế giới qua nhiều loại hình giải trí tràn ngập trong đời sống thường nhật. Dù vậy, nói đến những nhà văn thật sự có đóng góp vào đời sống xã hội và những tìm tòi được xã hội công nhận thật không dễ.

Có những nhà văn xuất hiện sáng chói một thời rồi cứ mờ dần như ngọn đèn hụt bấc. “Để trong những năm tới, văn học nước nhà có một thế hệ, nhà văn và tác phẩm sánh vai với bạn bè quốc tế, một chiến lược phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những người có năng khiếu văn chương cần được sớm cụ thể hóa” - Ngô Thảo kết luận.

*

Phần còn lại chiếm đến 90% số lượng trang in của cuốn sách, như đã nói ở trên, dành cho những phác họa chân dung các nhà văn, nghệ sĩ. Mở đầu với “Nhà văn một thuở” viết về Lê Anh Xuân, nhà thơ đã để lại cho đời “Dáng đứng Việt Nam” cùng một số bạn văn thân thiết của Ngô Thảo - mà tôi cảm thấy xấu hổ nhưng vẫn phải thú nhận rằng nhờ đọc một số bài của anh tôi mới được nghe bút danh họ lần đầu - tác giả đều có những đánh giá sắc sảo, chi tiết dồi dào, đặc biệt là tình cảm ấm nóng đối với bất kỳ ai.

Thật khó nén được bồi hồi xúc động khi Ngô Thảo, qua ký ức của mình kể lại câu chuyện ông cùng nhà viết kịch Xuân Trình và một số anh em ở Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lao về cầu Phú Lương, Hải Dương nơi vừa xảy ra tai nạn khiến chúng ta mất luôn một Lưu Quang Vũ và một Xuân Quỳnh (cùng cháu bé Lưu Quỳnh Thơ của hai anh chị), đưa về Bệnh viện Hải Dương nhờ nhân viên tắm rửa, thay quần áo cho cả ba người trước khi đưa họ về Hà Nội - nơi hàng trăm nghệ sĩ và bạn bè thân quen đang đứng chờ trước Bệnh viện Việt Đức và cùng gào khóc khi xe về đến. Ngô Thảo cũng là người viết Điếu văn để NSND Dương Ngọc Đức, Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu đọc tại lễ tang ngày 31-8-1988.

Ngô Thảo kết thúc: “Không lâu trước khi mất, Lưu Quang Vũ vẫn hoài nghi: Như tia nắng, chúng mình không còn mãi/ Những câu thơ chắc gì ai đọc lại. Hội thảo về Lưu Quang Vũ tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày nhà thơ, nhà viết kịch qua đời đã “chúng khẩu đồng từ” gửi tới Lưu trong cõi nhớ câu trả lời đầy thuyết phục”.

Tôi nghĩ không riêng Ngô Thảo, nhiều vị trong số những bằng hữu được nhà văn tưởng niệm, đầy trân trọng và nhớ thương trong tác phẩm “Nghiêng trong bóng chiều” rồi đây sẽ tồn tại bất chấp thời gian trong ký ức của nhiều người.

_______

(*) “Hà Nội một mảnh hồn xưa”, sách Thời gian không đổi sắc màu, Nxb. Văn học 2017.

 
Theo Phan Quang - NDĐT
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng