Tạp chí Sông Hương -
Sách sử “lên ngôi” mùa dịch
10:03 | 25/08/2020

Cuối năm 2019, từ cuộc tổng kết các đầu sách bán chạy nhất trong năm của các đơn vị xuất bản cho thấy sách sử chỉ “thua” sách kỹ năng. Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm 2020, nhất là giai đoạn phải đương đầu với Covid-19, sách sử lại được rất nhiều bạn đọc quan tâm. 

Sách sử “lên ngôi” mùa dịch
Một số ấn phẩm trong Tủ sách Pháp ngữ do Omega Việt Nam phát hành

Từ những cuộc “đụng” nhau

Trên thực tế, sách sử trong nước và thế giới vẫn đến với độc giả, trở thành một dòng chảy âm thầm suốt nhiều năm qua. Có điều phải đến thời gian vừa rồi, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, sách sử bỗng nhiên được quan tâm và chú ý nhiều hơn. Bình thường, cuộc sống bận rộn, người ta đơn thuần tìm đến sách với nhu cầu giải trí, giải tỏa áp lực. Còn trong giai đoạn giãn cách xã hội, khi có nhiều thời gian hơn, độc giả quan tâm sách nhiều hơn, có nhu cầu được tìm hiểu kiến thức một cách sâu rộng hơn. Và sách sử là một trong những lựa chọn đó.

Tuy vậy, không thể không nhắc tới một lý do khiến sách sử được quan tâm và chú ý trong thời gian qua, chính là những cuộc “đụng” nhau giữa các đơn vị xuất bản trong nước khi cùng lúc thực hiện chung một ấn phẩm. Đó là trường hợp ấn phẩm Một chiến dịch ở Bắc kỳ, ghi lại khoảng thời gian hơn 2 năm (1884-1886) của bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp đến Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn, ấn phẩm này cùng lúc xuất hiện trên thị trường với 2 phiên bản do Đông A và Omega Việt Nam thực hiện.

Chưa dừng ở đó, trên website của Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã xác nhận đăng ký xuất bản ấn phẩm Một chiến dịch ở Bắc kỳ đến từ Nhã Nam. Hay như trường hợp ấn phẩm Nghệ thuật Huế của Léopold Michel Cadière, được xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi, từng được công bố rộng rãi từ năm 1919. Ấn phẩm này do Thái Hà và Nhã Nam cùng thực hiện, mỗi nơi lại có những sự chăm chút và đầu tư riêng.

Chính từ những cuộc “đụng” nhau giữa các đơn vị xuất bản, cộng thêm MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của ca sĩ trẻ Hòa Minzy, lấy cảm hứng từ chuyện tình Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại ra mắt trong thời điểm này, đã trở thành nguồn động lực để độc giả, trong đó có nhiều độc giả trẻ tìm hiểu về lịch sử. Từ đó, các đơn vị xuất bản cũng mạnh dạn đầu tư cho sách sử nhiều hơn.

Cùng thời điểm, ngoài Một chiến dịch ở Bắc kỳ, Omega Việt Nam còn có Vua Gia Long và Đế quốc An Nam và người An Nam. Sau Nghệ thuật Huế, Thaiha Books vừa ra mắt Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaigneau (1803-1894) ghi lại những ký ức về kinh thành Huế của một người mang 2 dòng máu Pháp - Việt.

Công ty Sách Khai Tâm ra mắt bộ sách 2 tập Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của tác giả Nguyễn Quốc Trị. NXB Tổng hợp có Trang sách cũ phiến bia xưa của 2 tác giả Phan Mạnh Hùng - Nguyễn Đông Triều; Nhìn lại Gia Định và cuộc nội chiến Tây Sơn Nguyễn Ánh 1777-1789 của Nguyễn Hữu Hiếu; Nguyễn Thị Tây Sơn Ký do Nguyễn Duy Chính dịch và giới thiệu. NXB Văn hóa - Văn nghệ có Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa do Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu; tái bản bộ tiểu thuyết dã sử Loạn 12 sứ quân của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. 

Gây ấn tượng hơn cả là bộ truyện tranh Lịch sử thế giới (Edibooks và NXB Giáo dục) gần 2.000 trang với 12 tập được biên soạn tương ứng với 12 giai đoạn khác nhau của lịch sử thế giới, trải dài từ trước Công nguyên cho đến đầu thập niên 2000 và mở rộng tới mọi châu lục. Qua các tập như Thời tiền sử và Ai Cập cổ đại, Sự hình thành châu Âu và thế giới Hồi giáo, Thập tự chinh và đế quốc Mông Cổ, Thời kỳ Phục hưng và Kỷ nguyên khai sáng, Cách mạng Pháp và cách mạng công nghiệp... người đọc có cơ hội được tiếp cận những chiến dịch kinh điển như Waterloo, những công trình kiến trúc vĩ đại như đấu trường Colosseum; những phát minh về động cơ hơi nước, ô tô. Edibooks phải mất gần 2 năm để triển khai dịch và biên soạn bộ sách này. 

Tìm hướng đi lâu dài 

Với ấn phẩm Một chiến dịch ở Bắc kỳ, trong khi Omega Việt Nam đã hoàn thành Tủ sách Pháp ngữ với tổng cộng 15 đầu sách (ra mắt tựa đầu tiên vào tháng 3-2019); với Đông A lại là sự khởi đầu cho Tủ sách Đông Dương mà đơn vị này sẽ lần lượt giới thiệu trong thời gian tới. Sau Một chiến dịch ở Bắc kỳ, Đông A vừa bổ sung vào tủ sách ấn phẩm thứ 2 là Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ, được xem là bảo tàng hình ảnh thu nhỏ về Việt Nam hơn 100 năm trước qua 261 bức ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils. Nguồn sách/tư liệu tiếng Pháp về Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều, mỗi tựa sách mang đến bạn đọc những góc nhìn rất khác về lịch sử. Đây sẽ là cơ hội để các đơn vị xuất bản khai thác, cũng là cơ hội để bạn đọc được tiếp cận với những sử liệu quý giá. 

Với Thaiha Books, sau Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho ra mắt những ấn phẩm tiếp theo nằm trong Tủ sách Huế. Trong phạm vi đề tài này còn nhiều ấn phẩm chưa xuất bản hoặc đã ra mắt như Đô thành Phú Xuân hồi thế kỷ XVIII, Kinh thành Huế cuối thế kỷ XIX, Kinh thành Huế thế kỷ XX

Theo đại diện Ban biên tập Thaiha Books, đơn vị này có định hướng phát triển sách sử từ năm ngoái và một trong những trọng tâm là sách về Huế. Mong muốn của Thaiha Books là vẽ một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về kinh thành Huế, từ lúc mới hình thành cho đến năm 1945 khi cuộc Cách mạng Tháng Tám nổ ra.

“Chúng tôi không khai thác khía cạnh lịch sử đơn thuần mà muốn vẽ một bức tranh tổng thể, đa chiều về Huế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ giới thiệu các ấn phẩm về văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật của kinh thành Huế”, vị này cho biết. 

Việc các ấn phẩm về lịch sử được tập hợp trong các tủ sách riêng biệt cho thấy các đơn vị xuất bản trong nước đã và đang nhìn thấy được sức hút của dòng sách này; đồng thời có sự đầu tư nhất định để có thể đi đường dài, cả chăm chút kỹ hình thức.

“Đây là những cuốn sách có giá trị, vì thế chúng tôi mong muốn sách có một diện mạo xứng đáng. Hình thức đẹp cũng là một cách tôn vinh chữ nghĩa”, đại diện Thaiha Books chia sẻ.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng