Tạp chí Sông Hương -
Quảng bá văn học VN ra nước ngoài: Con đường “tiểu ngạch” của văn chương Việt
14:10 | 14/07/2009
Văn chương VN chưa nhận được nhiều sự chú ý ở nước ngoài, trước hết là do ta chưa làm cho họ biết đến ta, biết một cách toàn diện, đầy đủ; biết một cách chất lượng. Việc này thuộc tầm vĩ mô của Nhà nước.
Quảng bá văn học VN ra nước ngoài: Con đường “tiểu ngạch” của văn chương Việt

Các dịch giả dịch tác phẩm của nhà văn Ba Lan Kapuscinski chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội quốc tế các dịch giả văn học Ba Lan lần thứ 2 do Viện Sách (Book Institute) tổ chức vào tháng 6-2009. Chương trình dịch thuật Copyright Poland của Viện Sách trở thành biểu tượng của văn học Ba Lan ở nước ngoài, trong 10 năm đã tài trợ cho việc xuất bản 800 cuốn sách ở hơn 40 nước trên thế giới. Ảnh: Marta Jedras - Nguồn: blog dịch giả Thái Linh







Trong khi chờ đợi một sự quảng bá ở tầm vĩ mô như vậy thì các nhà văn, nhà thơ đã tự mình thực hiện sự quảng bá cá nhân. “Hữu xạ tự nhiên hương”, trước hết chính chất lượng tác phẩm đã làm tên tuổi một số nhà văn, nhà thơ trong nước được biết đến ở nước ngoài. Đặc biệt là Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp.

Tại Thụy Điển, đất nước Bắc Âu với thị trường sách dịch chủ yếu của Anh, Pháp, văn học VN cũng đã được biết đến với các đầu sách ở Nhà xuất bản Tranan như Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp), Khi người ta trẻ (Phan Thị Vàng Anh), Giường đôi xóm Chùa (Đoàn Lê), Trong sương hồng hiện ra (Hồ Anh Thái), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), Cơn mưa cuối mùa (Lê Minh Khuê). Dịch giả những cuốn sách này chuyển ngữ từ bản tiếng Anh, tiếng Pháp, sau khi được giới thiệu và đọc thấy thích.

Đang ở Canada, nhà văn Trung Trung Đỉnh “chat” về cho biết cuốn tiểu thuyết Lạc rừng của anh đang được một dịch giả chuyển ngữ sang tiếng Anh, với sự giúp đỡ từ tiếng Việt của nhà văn Nguyễn Thị Tư. Trường hợp của Đỗ Hoàng Diệu vừa qua được Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) mời làm khách văn chương đi giao lưu vòng quanh Nhật Bản (mỗi năm mời một nhà văn nước ngoài). Chuyến đi thành công là vì bản dịch một truyện ngắn ra tiếng Nhật được đánh giá cao của dịch giả nổi tiếng Kato Sakae.

Chính bà Kato khi chọn dịch cuốn tiểu thuyết Chim én bay (Nguyễn Trí Huân) đã ngạc nhiên hỏi tại sao ở VN ít bạn đọc biết đến cuốn đó. Bà đã dịch vì thấy nó giúp độc giả Nhật Bản hiểu thêm về cuộc chiến tranh VN ở một góc nhìn khác. Sắp tới, vào giữa tháng 10-2009, nhà văn Bảo Ninh sẽ sang Pháp dự hội thảo “Tiểu thuyết ở châu Á” do Đại học Provence tổ chức, trên căn cứ cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của ông đã được dịch ra tiếng Pháp và được bạn đọc đón nhận.

Như vậy, văn chương VN ra nước ngoài lâu dài sẽ vẫn là theo đường “tiểu ngạch”. Trên hết và trước hết, điều đảm bảo cho văn chương VN được chú ý, coi trọng và đánh giá cao ở nước ngoài vẫn là “văn chương là văn chương”, tức là giá trị nghệ thuật của nó. Phải làm sao cho tác phẩm văn chương VN ra nước ngoài là ở giá trị tự thân hấp dẫn, thu hút người đọc tìm đọc để thưởng thức, để cùng tìm về những giá trị nhân văn phổ quát, những vấn đề chung của con người, chứ không chỉ đơn thuần là một thứ tài liệu dân tộc học, xã hội học bổ sung.

Ở đây còn phải tính đến vai trò và hiệu lực của nhà văn khi ra nước ngoài. Việc xuất ngoại của các nhà văn ta hiện nay đã là chuyện bình thường, dễ dàng. Càng ngày thế giới càng biết “chọn mặt gửi vàng” khi mời các nhà văn VN tham gia một sự kiện, một hoạt động văn chương nào đó. Nghĩa là một nhà văn VN bây giờ ra nước ngoài, xuất hiện ở một diễn đàn nào đó là chính ở tư cách nhà văn, tư cách tác giả. Cho nên nhà văn ta khi xuất ngoại cũng phải biết và phải cần hành xử đúng tư cách đó ở tầm văn hóa và văn chương.

Cần một hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN

Năm nay được ngành ngoại giao VN xem là năm thực hiện ngoại giao văn hóa, tôi không biết trong chương trình này ngành ngoại giao có nghĩ ra được việc kết hợp với ngành văn hóa giới thiệu văn học VN với bạn bè một cách bài bản, quy củ hay không. Nghĩa là phải đệ trình lên Chính phủ một danh sách tác phẩm tiêu biểu của VN qua các thời đại cần phải dịch ra những thứ tiếng chính trên thế giới. Nghĩa là phải tổ chức một đội ngũ dịch thuật có chuyên môn cao, uy tín để cho ra những bản dịch chất lượng tốt. Nghĩa là phải tiến hành những hoạt động quảng bá, giới thiệu văn học VN ở nước ngoài, khuyến khích dịch giả nước ngoài tham gia dịch các tác phẩm văn học VN.

Lẽ ra cần một hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN được tổ chức ở tầm quốc gia, với những quyết sách lớn, thực chất là phải có sự đầu tư ngân sách thích đáng cho việc giới thiệu văn học VN ra nước ngoài.

                                                                                                                 Theo TT

Các bài mới
Các bài đã đăng
(14/07/2009)