Tạp chí Sông Hương -
Nhiệt huyết và khát vọng dân tộc
09:07 | 01/09/2020

Nhìn vào những tác phẩm tranh cổ động vắt qua hai thế kỷ mà sống dậy cả một giai đoạn lịch sử, thấy ở đó nhiệt huyết, khát vọng của dân tộc Việt Nam trên suốt dặm trường đầy gian nan, thử thách.

Nhiệt huyết và khát vọng dân tộc
Tranh cổ động nói lên nhiệt huyết, khát vọng của dân tộc Việt Nam

Theo con đường Bác Hồ đã chọn”

Trên nền đỏ tươi là hình ảnh Bác Hồ với chòm râu dài, nụ cười hiền từ và đôi mắt sáng, dòng chữ ngay ngắn in hoa: KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO, phía dưới là khẩu hiệu cũng là tên tác phẩm: “Theo con đường Bác Hồ đã chọn”. Nổi bật chính giữa hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh. Bác đã dành trọn đời mình hiến dâng cho Tổ quốc, Bác là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Trước khi qua đời, Bác luôn mong miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất, kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao.

Khi vẽ bức tranh cổ động này năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, họa sĩ Đỗ Mạnh Cương chia sẻ, ông đã thể hiện góc nhìn tự sự, kể lại các hoạt động của đất nước sau ngày được hoàn toàn giải phóng: học tập, lao động sản xuất... “Tất cả được lồng trong hình ngôi sao, hiện thân cho niềm tin, đồng lòng quyết tâm trong bất cứ thời điểm nào đều đi theo con đường Bác Hồ đã chọn”. Đó là con đường của một thời đại mà lịch sử vẫn còn tiếp tục ghi dấu: Thời đại Hồ Chí Minh.

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, sự xuất hiện của tranh cổ động như tiếng còi báo hiệu làn sóng cách mạng sẽ bùng lên ở đất nước hình chữ S, bắt đầu từ những hình vẽ đầu tiên về phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc vẽ, đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ, xuất bản tại Pháp). Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh với cơ quan ngôn luận là báo Việt Nam Độc lập. Trên tờ báo này (số 3, ngày 21.8.1941), Người vẽ kết hợp các chữ “Việt Nam độc lập” thành một người dân Việt Nam đội nón, tay cầm cờ đỏ sao vàng, miệng thổi kèn loa, kèm theo bốn câu thơ kêu gọi: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa/ kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ để cùng nhau cứu nước Nam ta”.

Một thời đạn bom

Bước vào kháng chiến chống Pháp, với tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai tất thắng, các họa sĩ lên chiến khu, tự nguyện đứng trong mặt trận văn hóa kháng chiến, biến nghệ thuật thành vũ khí chống quân thù. Tiên phong trong hoạt động này, ở chiến khu hay vùng địch tạm chiếm là những bức tranh cổ động nhạy bén về đề tài, phong phú về bút pháp của các họa sĩ: Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Bích... Tại chiến hào, trên đường tiếp vận, nơi hậu phương, đâu đâu cũng có tranh cổ động, cổ vũ tinh thần yêu nước, niềm tin vào cuộc kháng chiến trường kỳ, những bức tranh phản ánh chủ trương, chiến lược, sách lược của Đảng, động viên nhân dân chiến đấu giữ làng, giữ nước, tăng gia sản xuất, và cả những bức tranh cổ động địch vận, nhằm thức tỉnh binh sĩ trong quân đội Pháp rời bỏ hàng ngũ...

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước bước vào cuộc chiến đấu mới, những bức tranh cổ động lại tiếp tục sứ mệnh, góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ ý chí quyết thắng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Xuân Hồng, “Thừa thắng xông lên” của Huỳnh Văn Gấm, “Kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Cao Trọng Thiềm, “Lên đường tiếp chiến công” của Nguyễn Tiến Cảnh... các tác phẩm được sáng tác trong mọi hoàn cảnh. Các thế hệ họa sĩ không tiếc công sức, thời gian xây dựng các cụm pa-nô lớn ở quảng trường Nhà hát Lớn, ở nhà Bách hóa tổng hợp, ở nhà thông tin phố Đinh Tiên Hoàng, Vân Hồ, và các công viên lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

“Chiến tranh chống Mỹ, tôi ở Hà Nội, địch đánh nhiều nhất ở cầu Long Biên và Nhà máy điện Yên Phụ. Điện mất liên miên, tôi vẽ bức tranh này vào ban ngày, khi có ánh sáng” - họa sĩ Đỗ Mạnh Cương chia sẻ về bức tranh “Bảo vệ Thủ đô, bảo vệ dòng điện” vẽ năm 1972. Ông bảo, lúc bấy giờ, vẽ như một sự thôi thúc bản năng phải hành động, trước từng khoảnh khắc lịch sử của dân tộc. Nói như họa sĩ Trường Sinh, cuộc chiến đó không diễn ra ngoài chiến tuyến mà diễn ra đằng sau giá vẽ: “Thời kỳ vẽ tranh 'Điện Biên Phủ trên không', nhiều đêm tôi dường như không ngủ. Trái tim như bốc lửa, như sôi lên. Ánh sáng bừng lên trong đầu thôi thúc tôi vẽ. Phải vẽ, phải ghi nhận kịp thời những cảm hứng, những ý tưởng chợt bừng sáng trong khoảnh khắc. Để chậm, có nguy cơ biến mất”.

Và khát khao hòa bình

Bao nhiêu năm trôi qua, đối với nhiều người dân Thủ đô và cả du khách, bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” ở mặt tiền Trung tâm thông tin - triển lãm Hà Nội, số 93 Đinh Tiên Hoàng, đã trở thành một biểu tượng thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Hình ảnh Bác tươi cười hiền hậu ôm em bé bố cục ở chính giữa, bên phải là hình chữ S biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc. Đằng sau hình ảnh đó là suy tư riêng của tác giả - họa sĩ Trần Đình Thành: “75 năm kể từ ngày độc lập, dân tộc Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh, gia đình tôi cũng đã chịu đựng quá nhiều mất mát. Tôi rất thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh và khát khao mãnh liệt về hòa bình. Tôi thấm thía giá trị của độc lập, tự do của một dân tộc. Và tôi vẽ về điều đó”.

Nhiều họa sĩ như tác giả Trần Đình Thành chọn vẽ tranh cổ động để nói lên tinh thần Việt Nam trong từng thời khắc lịch sử, để rồi tất cả hợp thành bức tranh lịch sử lớn. “Chung một ngọn cờ” (của Huỳnh Phương Đông), “Mùa xuân vĩnh viễn” (Lê Đức Lai), “Việt Nam hòa bình thống nhất” (Thục Phi)... Mỗi tiêu đề tranh là khẩu hiệu, nhưng cũng là biểu trưng cho ý tưởng tốt đẹp, gợi mở từ ước mơ, khát vọng, đến ý chí của dân tộc. Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú gọi đó là “vẽ như hơi thở”, trong từng nhịp thở đều trọn vẹn với tình yêu đất nước. Còn theo nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: “Tất cả là diện mạo của Tổ quốc Việt Nam: Thanh xuân - Cường thịnh - Độc lập - Tự chủ. Đó là thông điệp luôn đồng hành với con người Việt Nam trong muôn ngàn gian khó. Đó là niềm khát khao yêu chuộng hòa bình, hạnh phúc, ấm no của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay”.

 
Theo Hải Đường - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng