Tạp chí Sông Hương -
"Khu vườn ngôn từ" của Shinkai Makoto đẹp như một thước phim điện ảnh
14:31 | 07/09/2020

Nỗi buồn, sự cô đơn là một đề tài phổ biến trong văn học và trở đi trở lại qua các tác phẩm văn chương từ xưa tới nay. Khu vườn ngôn từ, cuốn tiểu thuyết đương đại của Shinkai Makoto, cũng đề cập đến đề tài ấy, nhưng mang màu sắc riêng gắn với tâm thức con người và không gian văn hóa của một xứ sở.

"Khu vườn ngôn từ" của Shinkai Makoto đẹp như một thước phim điện ảnh

Những kiếp người lầm lũi trong màn mưa

Cả 382 trang sách Khu vườn ngôn từ là những cơn mưa kéo dài không dứt. Mưa của thiên nhiên và cũng là mưa của cõi lòng những con người cô đơn, lầm lạc mãi chìm vào màn mưa trắng trời, trắng đất, trắng xóa cả đam mê, kí ức, hiện thực lẫn tương lai.

Với hình thức truyện lồng truyện, mỗi chương của tiểu thuyết Khu vườn ngôn từ lại kể về một kiếp đời với uẩn khuất riêng, sự lạc lõng, vô định giữa dòng đời chảy trôi không ngừng. Và từng câu chuyện đó như được viết lên bởi chính người trong cuộc. Họ tự kể lại bằng tất cả trải nghiệm đau thương qua sự đa dạng điểm nhìn, ngôi kể mà tác giả Shinkai Makoto xây dựng.

Khi người kể chuyện đứng ở ngôi thứ ba, bao quát cuôc đời nhân vật Takao, Yukari hay đó là khi người kể chuyện xưng tôi trong từng chương, tự thuật về cuộc sống, số phận họ. Các kiếp đời, các kiếp người khác nhau về tuổi tác, khác nhau về thân phận, khác nhau về cách thể hiện những ẩn ức đau thương trong tâm hồn nhưng họ đều gặp nhau ở nỗi buồn trong quá khứ, nỗi cô đơn vô tận nơi thực tại cùng sự bất định về tương lai trong những rắc rối cuộc sống vô tình đẩy đưa họ đến gần nhau. Họ như phần thiểu số trong xã hội, mãi vẫy vùng để kiếm tìm một chỗ đứng, khẳng định cái tôi bản ngã trong lòng người và giữa lòng cuộc đời mãi cuộn trôi. Nhưng càng vẫy vùng, cảm tưởng họ càng cô đơn hơn bao giờ hết.

Từng cá nhân, hiện lên trên mỗi trang viết, từ cậu học trò Takao tới cô giáo cổ văn Yukari, từ chàng trai 27 tuổi vẫn long đong lận đận tới cô gái tuổi phản nghịch Aizawa,… đều là những sáng tạo riêng của Shinkai Makoto. Nhưng các gương mặt ấy cũng như đại diện chung cho con người Nhật Bản, hay rộng hơn, là con người thời hiện đại. Ta tưởng rằng trao thương yêu sẽ nhận lại thương yêu. Song cuối cùng thứ ta nhận về chỉ là tổn thương, vụn vỡ, là những lánh xa, nghi kị của lòng người. Ta quen biết rất nhiều, nhưng một người thực sự thân thiết, một người thực sự là tri kỉ để dựa vào những khi yếu lòng, mệt mỏi, tuyệt vọng lại gần như chẳng có. Và ai có thể tự tin khẳng định, trước guồng quay cuộc sống, sự đổi thay lòng người, không có những khoảnh khắc trái tim ta như bị bóp nghẹt, muốn khóc mà chẳng thể khóc, lướt cả danh bạ điện thoại như Yukari cũng không tìm được một cái tên để… chỉ đơn giản là dựa vào và khóc thật to. Qua các trang văn của Shinkai Makoto, ta như nhìn thấy bóng hình của bản thân trong mỗi cá nhân lẻ loi, lầm lũi bước trong màn mưa ngỡ chẳng thấy ngày mai, tưởng chẳng có ánh mặt trời.

Khu vườn ngôn từ tái hiện không gian văn hóa Nhật Bản

Dòng chảy trong các sáng tác của Shinkai Makoto không đơn thuần chỉ là đời sống, tâm lí con người nước Nhật mà còn là không gian văn hóa của một Nhật Bản vừa truyền thống, vừa hiện đại. Khu vườn ngôn từ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của sự tái hiện đó trong văn chương Shinkai Makoto.

Quả thực, từ tiêu đề cuốn sách đã mang tính tạo hình, gợi tả mạnh mẽ. Khu vườn ngôn từ - Kotonoha no Niwa - danh từ “khu vườn” cụ thể, hữu hình nhưng lại gợi tả vô cùng khi đi liền với thứ vô hình, vô định: “ngôn từ”, đã tạo nên chất thơ trong trẻo của tác phẩm này. Cái tên khiến độc giả phải tò mò: Tại sao tên tác phẩm là Khu vườn ngôn từ?

Khi đọc những trang sách, ta mới nhận ra, “khu vườn ngôn từ” là những tình cảm đẹp nhất, cái đẹp nhất; là nơi nuôi dưỡng ước mơ cho những tâm hồn chìm trong tuyệt vọng; nhưng đồng thời cũng có những nỗi buồn, nỗi đau, những điều mong manh nhất.

Khu vườn ngôn từ hữu hình là khu vườn kiểu Nhật, nơi Takao và Yukari gặp gỡ. Khu vườn ngôn từ hư ảo như giấc mơ khi hình ảnh ẩn hiện trong những lời tha tanka. Lời thơ tanka trở đi trở lại như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả câu chuyện. Lời thơ xuất hiện ở đầu mỗi chương truyện như một lời đề từ cho cuộc đời nhân vật đồng thời kết lại cả chương như một lời khái quát cho số phận cá nhân đó. Ngoài ra, không ít chương truyện, thơ được lồng vào nội dung như nói lên tiếng lòng nhân vật, hay mang ý nghĩa như một lời dự báo cho cuộc sống của họ sau này.

Người giá buốt

Tôi bước đi một mình trong mưa lất phất

Bàn tay, vầng trán tôi đẫm ướt

Trái tim trùng xuống tự bao giờ

Cứ thế tôi nương tựa nơi đây

Đợi chờ khi ánh sáng tới.”

Cũng từ đấy, một không gian truyền thống hiện lên ngay giữa lòng thành phố Tokyo sầm uất, nhộn nhịp và cả một dòng chảy văn hóa, văn học đã xuất hiện trong Khu vườn ngôn từ. Con người hôm nay, có thể tìm thấy bóng hình mình trong tâm tư của các bậc tiền nhân. Lời thơ trong quá khứ, vẫn ứng nghiệm, thay bao lời muốn nhắn nhủ đến con người. Con người hiện đại đừng quay lưng với giá trị xưa cũ, mà hãy giữ gìn nét đẹp truyền thống. Bởi đó không chỉ là những nhắn gửi của tiền nhân mà còn là hồn cốt của cả một đất nước.

Ngoài ra, con người trong Khu vườn ngôn từ cũng đại diện cho một phần của văn hóa ở mảnh đất này. Đó là những cá nhân dần mất đi căn tính, chìm trong khủng hoảng căn cước trong văn chương Nhật Bản từ xưa tới nay. Tính liên văn bản của Khu vườn ngôn từ không chỉ dừng lại ở chất văn trầm lắng mà còn thể hiện ở tâm hồn nhân vật, tâm hồn con người Nhật Bản đi suốt chiều dài từ sau Thế chiến thứ Hai, tới thời hiện đại, đương đại, vẫn như chẳng thể thoát nỗi sầu của cuộc khủng hoảng cội rễ.

Là một tác giả đa tài, bên cạnh sáng tác văn chương, Shinkai Makoto còn là nhà biên kịch, đạo diễn. Vì vậy, Khu vườn ngôn từ đẹp như một thước phim điện ảnh, tạo tác lên từ chất hình, chất văn, chất thơ, chất nhạc về đất nước, không gian văn hóa, con người Nhật Bản.

Mưa có buồn tới thế, “tôi vẫn yêu cuộc sống này biết chừng nào” (Nàng và con mèo của nàng)

Khu vườn ngôn từ chất chứa một nỗi buồn từ những dòng văn đầu tiên cho tới những câu cuối cùng. Nhưng chữ “sầu” mà Shinkai Makoto viết trong cuốn sách này không phải để hướng độc giả tới sự tuyệt vọng, bi lụy, mà hơn cả, là gửi gắm niềm hi vọng ngay cả khi con người ở trong hoàn cảnh khó khăn, tuyệt vọng nhất.

Như mọi cá nhân trong câu chuyện, dẫu biết cuộc sống còn nhiều trắc trở, dẫu tương lai vẫn còn đầy bất định, họ vẫn can đảm tiến tới, bởi họ đã sống và “yêu cuộc sống này biết chừng nào”.

Cơn mưa rồi cũng sẽ qua, như mang đi nỗi buồn nặng trĩu nơi hồn người và trở thành kí ức, kinh nghiệm để người ta trưởng thành hơn, càng thêm vững tin hơn vào cuộc sống dù có nghiệt ngã nhưng muôn màu, muôn vẻ này. “Gương mặt căng thẳng như sắp khóc của Yukari dần chuyển thành nụ cười. Takao ngắm nhìn cô, có cảm giác cơn mưa này sắp tạnh rồi”.

Có thể nói, Khu vườn ngôn từ - Kotonoha no Niwa là một trong những sáng tác thể hiện rõ nhất tài năng, cũng như cái tâm của Shinkai Makoto với văn chương nói riêng, với nghệ thuật nói chung.

Theo Mọt Mọt - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng