Tạp chí Sông Hương -
“Nhà quê” xài hàng hiệu hay là chuyện Taka ở Sài Gòn
14:32 | 14/07/2009
Một cuộc triển lãm thời trang khá đặc biệt - không khai trương hoành tráng, không “chân dài”, và diễn ra trong đúng ba ngày đầu tuần (ngày 6, 7, 8/7 vừa qua), tại một trong những quán cà phê độc đáo nhất Sài Gòn- La Fênetre Soleil, hay còn được biết với cái tên nổi tiếng Cửa sổ mặt trời, đã cho tôi gặp lại anh, chủ của triển lãm thời trang và chủ của quán cà phê độc đáo.
“Nhà quê” xài hàng hiệu hay là chuyện Taka ở Sài Gòn
Taka

Takayuki Sawamura có lẽ là một trong những nhà thiết kế thời trang nước ngoài lập nghiệp ở Việt Nam sớm nhất và cũng sớm thành công với thương hiệu Taka - một trong ba thương hiệu thời trang đầu tiên (cùng Công Trí và Ngô Thái Uyên) “làm nên” Đẹp Fashion Show 1997, mở ra một “cuộc chơi thời trang” đẳng cấp. Gần như từ tay trắng tạo dựng danh tiếng trên đất khách, rồi lại lần lượt đóng cửa các shop thời trang ở TP.HCM, đã chấp nhận “dừng lại” vì nhiều lý do và bây giờ lại tiếp tục một cuộc dấn thân mới. Câu chuyện của Taka, một người Nhật gắn liền với nhịp sống Sài Gòn đã hơn 10 năm, không chỉ dừng lại ở quần áo, túi xách...

Vốn là một kỹ sư tin học được đào tạo ở một đất nước hàng đầu về công nghệ, từ hơn 30 năm trước, khi công nghệ thông tin còn là một ngành học mới và đầy hứa hẹn cho giới trẻ Nhật Bản. Thế nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, Taka lại cảm thấy mình không thuộc về guồng máy công nghiệp đang đốt tuổi trẻ của hàng triệu thanh niên Nhật Bản cùng thời. “Tôi nhận ra rằng mình đã chọn học ngành này vì tương lai tốt đẹp nó có thể mang lại, chứ không phải là con đường tôi muốn. Tôi chắc chắn, công việc chỉ để kiếm tiền không thể cho bạn hạnh phúc”. Hành trình để hiểu mình là ai, mình thực sự ham mê điều gì đã đưa chàng trai Nhật không một chữ tiếng Anh bẻ đôi lên đường sang Mỹ. Tại đây, kỹ sư công nghệ thông tin chấp nhận làm bồi bàn cho một nhà hàng của người đồng hương để tìm cách hội nhập vào xã hội được cho là cởi mở của Mỹ.

Bản tính độc lập của Taka được bồi đắp thêm bởi chiều hướng tự do (và tự chủ) của người bản xứ. Anh tự nghĩ ra một công việc kiếm tiền từ lòng đam mê tiềm ẩn nào đó mách bảo, mua những chiếc áo bình thường, về thiết kế lại theo cách nhìn và cảm nhận của mình về thời trang, rồi đích thân đem rao bán ngoài chợ trời. Và anh bắt đầu tìm thấy niềm say mê với cái đẹp, với thời trang như anh nói, là “có duyên phận”. Taka quen với những người bạn họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ... sống đời lang bạt, kiếm tiền bằng tài năng nghệ thuật của mình trong những quán bar, thậm chí đường phố New York . Có lẽ chính sự ảnh hưởng máu nghệ sĩ này, đã kéo anh mạnh hơn về phía con đường của những sáng tạo, và cả phiêu lưu.

Chính máu phiêu lưu và sáng tạo này đã đưa anh đến Việt Nam trong một chuyến ngao du châu Á. Điểm dừng chân này này thực sự làm anh sốc nặng vì sự khác biệt quá lớn về môi trường sống và văn hóa, so với sự tiện nghi và cởi mở của New York. Bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bị “dội” trước khung cảnh nghèo nàn, hiu hắt, nhưng điều làm Taka thắc mắc lớn nhất là vì sao tất cả nhân viên làm việc ở đây gương mặt lại rất... nghiêm trọng?

Đổi 100 đô la Mỹ lấy một cọc dày cả gang tay giấy 5.000 đồng Việt , Taka bắt đầu khám phá Sài Gòn...

Đêm đầu tiên tại một khách sạn bình dân trên đường Phạm Ngũ Lão, anh thức trắng vì... mất điện. Chưa bao giờ Taka chứng kiến một trường hợp như vậy trong đời mình. Có lẽ cảm giác giữa đô thị nhưng lại như đang ở một vùng nông thôn náo nhiệt, khiến anh thấy ngồ ngộ... Những âm thanh chan chát đến tận một giờ sáng không khác gì những đường phố không ngủ của New York , nhưng lạ ở chỗ có những tiếng gõ lốc cốc mà sau này anh mới biết là của những người bán mì...

Sáng dậy, từ một quán phở ven đường, Taka nhìn thấy một thanh niên cởi trần, mình đầy những dấu giác hơi, có vẻ bệnh rất nặng mà vẫn lao đi trên chiếc xe gắn máy... “Vì sao anh ta lại phải đi nhanh như vậy? Vì sao anh ta bệnh nặng mà vẫn phải đi ra đường?”...

Anh có rất nhiều băn khoăn như vậy trong mấy ngày đầu tiên đến Sài Gòn... Những băn khoăn ấy đã kéo anh trở lại Việt lần nữa, năm 1994, và rồi ở lại liền một mạch cho tới tận bây giờ (nước ngoài Nhật mà Taka ở lâu nhất là Mỹ cũng chỉ chín năm). Những năm cuối thập niên 1990, thời trang và hàng hiệu (có thương hiệu) còn khá xa lạ với văn hóa tiêu dùng của số đông người Việt, Taka là một trong những nhà thiết kế thời trang nước ngoài đầu tiên có mặt ở đây. Cuộc sống “nhiều dấu hỏi” ở Sài Gòn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những thiết kế mang tinh thần đương đại, phá cách ở người đàn ông Nhật Bản mang sẵn trong mình sự pha trộn văn hóa Đông Tây. Màn trình diễn thời trang Taka theo phong cách nhiệt đới hoang dã Tahiti tại Đẹp Fashion Show 1997 quá ấn tượng phải nói là “quá” vì mãi tới Hè năm nay, 12 năm sau, thời trang mới “chạy” tới trào lưu hoang dã nhiệt đới. Và cũng vì “quá” như thế nên Taka... thất bại, nói đúng hơn là thời trang Taka thất bại ở Việt . Những cái áo sơ mi thanh lịch thêu những câu ca dao, tục ngữ ngộ nghĩnh bằng tiếng Việt, thậm chí cả hai chữ “Trời ơi!” quá “khác người”, quá “sốc”. Khi mà người ta tìm đến thời trang để được giống nhau, như đã là túi xách phải L.V, phải Gucci..., thì thời trang cá tính, riêng biệt như Taka khó có đất sống. Đấy là chưa kể, một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp luôn sáng tạo theo mùa và biến đổi không ngừng (một trong những thứ hay thay đổi nhất chính là thời trang), nhưng mùa của thời trang Sài Gòn chỉ có một! Cửa hàng Taka trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đóng cửa. Rồi cửa hàng Taka trên đường Đồng Khởi cũng đóng cửa nốt. Chỉ còn lại Cửa sổ mặt trời...


Triển lãm túi xách Tarasa ở cà phê Cửa sổ mặt trời


Cũng lạ như phong cách thiết kế của Taka, Cửa sổ mặt trời được mở chỉ hai năm sau khi người đàn ông ở xứ sở mặt trời đến Sài Gòn, một thành phố đầy ánh sáng. Có điều, quán lại nằm ở một nơi khá... “tăm tối”, nơi mà không ai nghĩ có thể kinh doanh gì, nhất là một quán cà phê và còn khá sang trọng nữa: căn hộ cũ trong một chung cư cũ nát, chung một lối đi không mấy sạch sẽ. Thế nhưng décor không gian lạ (trong quán có cả một cái... giường!) đã đưa địa chỉ này vào top những quán cà phê độc đáo nhất Sài Gòn. Và có lẽ Cửa sổ mặt trời cũng mở ra ý tưởng cà phê mới ở thành phố này, dạng những quán cà phê được thiết kế như một ngôi nhà, mang tinh thần thư giãn thay vì “trình diễn”. Một khách hàng ruột, thường xuyên “cắm chốt” ở đây để viết kịch bản phim, chính là đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Bây giờ, quán cà phê ấy là nơi Taka “tuyên bố” (nhẹ nhàng thôi, như đã nói, một triển lãm thời trang không khai trương rầm rộ, không “chân dài”...) sự trở lại với thời trang của mình: triển lãm những chiếc túi xách, thương hiệu Tasara, vẫn phong cách độc đáo, riêng biệt của Taka. Không cửa hàng, không quảng cáo, ai thích thì đến, ai muốn sở hữu thì đặt hàng qua E-mail...

Thật ra Tasara đã sống được bằng các khách hàng ở Nhật, Hongkong, và sắp tới đây sẽ có mặt tại kinh đô thời trang Paris nước Pháp, nhưng Taka muốn nó sống được ở chính đất nước đã làm nên Tarasa. Điều đơn giản ấy hóa ra chẳng đơn giản chút nào. Taka khiến người đối diện bật cười khi anh nói bằng thứ tiếng Việt không sõi hai chữ “nhà quê” trong câu chuyện về thói chuộng hàng hiệu theo kiểu “bầy đàn”, để rồi kết cục rất nhiều người bỏ ra cả đống tiền để được... giống nhau. 60 năm trước, văn hóa thời trang Nhật Bản cũng giống Việt bây giờ. Người có tiền thích dùng hàng hiệu, như một dấu hiệu chứng tỏ đẳng cấp. Giờ đây, khi đa số phụ nữ Nhật đã có túi L.V, thậm chí tới vài chiếc trong tủ (Nhật là thị trường lớn nhất của nhà thời trang xa xỉ Louis Vuitton), nhiều người trong số ấy bắt đầu tìm đến sự khác biệt mà chỉ khi đầy đủ sự tin tin, họ mới có thể... Và đấy chính là “cửa sổ mặt trời” của những nhà thiết kế độc lập, cá tính như Taka.

“Nhưng tôi không thể đợi 60 năm” - Taka nói vui. Ở Việt có một bài hát mà Taka không biết, “em ơi có bao lâu, 60 năm cuộc đời”, nhưng dù “có bao lâu” anh vẫn không muốn chờ đợi. Nói về sự thành công của Cửa sổ mặt trời, Taka bảo: 99% khách hàng đến quán này đều cảm thấy không hài lòng với lối vào, nhưng bước vào đây thì họ “ồ” vì bất ngờ với một không gian khác hẳn. Và họ chấp nhận đến đây, cho dù lối vào của quán thì vẫn cũ như vậy, tôi không thể làm gì với nó. Tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể làm điều gì đó tốt ngay trong tình trạng xấu nhất. Và những chiếc túi xách Tarasa được triển lãm, dù chỉ trong ba ngày, với những vị khách đơn lẻ, đến để ngắm nghía và trò chuyện với những chiếc túi xách, thay vì được lên báo trong những màn party sôi động.

                                                                                      Theo TT&VH Cuối tuần

Các bài mới
Các bài đã đăng
(14/07/2009)