Tạp chí Sông Hương -
Đọc "Thời thơ ngây" sau 100 năm xuất bản
10:18 | 09/09/2020

Tháng 9 này, chúng ta hãy cùng nhau đọc và nhìn lại tuyệt tác The Age of Innocence (Thời thơ ngây) xuất bản năm 1920 của nhà văn Edith Wharton (1862-1937). Đã 100 năm kể từ ngày câu chuyện về xã hội Mĩ, về gia đình, về tình yêu, về những yêu thương cùng mất mát ra đời, và dường như trong thế giới hiện đại, cuốn sách vẫn có chỗ đứng của riêng mình.

Đọc "Thời thơ ngây" sau 100 năm xuất bản
“Cái thế giới mà tôi được sinh ra, lớn lên đã bị hủy hoại vào năm 1914” - nhà văn Edith Wharton.

Nhắc đến Edith Wharton (1862 – 1937), người ta nhắc đến một nữ văn sĩ tài năng, đầu thế kỉ XX mà tên tuổi và sự nổi tiếng của bà chưa bao giờ khép kín trong biên giới một quốc gia. Những cuốn tiểu thuyết của Wharton như The House of Mirth (Ngôi nhà của niềm vui - 1905), The Custom of the Country (Tập tục địa phương - 1913), Summer (Mùa hè - 1917), The Age of Innocence (Thời thơ ngây - 1920), và cuốn tiểu thuyết ngắn được trau chuốt tuyệt vời Ethan Frome (1911)… đã từng chinh phục độc giả đến từ rất nhiều nước và nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Nổi bật trong số đó là tiểu thuyết Thời thơ ngây viết năm 1920.

Dễ dàng bắt gặp trong Thời thơ ngây là bối cảnh quen thuộc: những biến chuyển của xã hội Mĩ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Xuất thân từ một gia đình giàu có, danh giá trong xã hội New York bà đã được tận mắt nhìn thấy sự suy vong của tầng lớp xã hội văn minh này. Cùng lọt vào tầm mắt của bà là sự phất lên của những gia đình kinh doanh, trưởng giả vừa học đòi vừa thô bạo. Tất cả sự thay đổi của xã hội này đều được phản ánh khá trung thực trong cuốn sách.

Thu hút sự chú ý của người đọc qua các trang truyện là tình yêu đặc biệt của hai nhân vật chính: Newland Archer và Ellen Olanska. Ellen bất ngờ xuất hiện trong cuộc sống của Acher khi cuộc đời của chàng trai đang chuẩn bị bước sang một trang mới - sẽ kết hôn với May Welland, người phụ nữ xuất thân trong gia đình trâm anh quý tộc, xinh đẹp, thông minh, dịu dàng và luôn tuân thủ các quy tắc chuẩn mực của xã hội.

Còn Ellen là chị họ của May. Từ phong cách ăn mặc, trang trí nhà cửa, lối sống, Elen không theo bất kì chuẩn mực nào của xã hội New York và chính cô là người đã bỏ trốn khỏi cuộc hôn nhân với người chồng tệ bạc (mà trong xã hội thời ấy khó lòng chấp nhận).

Trước khi gặp Ellen, Archer hầu như chấp nhận mọi thứ: những lề thói mà chàng không ưa, sự giả tạo qua cách ứng xử có vẻ cao thượng của tầng lớp quý tộc New York thực tế che giấu một lối sống cũ kĩ và đầy định kiến… Archer thản nhiên và hài lòng với những gì anh có: tương lai đã được định sẵn, địa vị trong xã hội và sự kính trọng của mọi người. Vậy nên, từ đầu khi Ellen xuất hiện, anh có phần lo lắng.

Archer sợ những tiếng xấu mà cô mang lại, sẽ gây những ảnh hưởng không tốt đến cuộc hôn nhân sắp tới của anh với May. Song càng tiếp xúc với Ellen, anh càng trở nên khác biệt. Archer chợt nhận ra cái mỏi mòn, tẻ nhạt trong cuộc sống của anh. Ellen khiến anh hiểu rằng, đã từ rất lâu rồi, anh đã bị giới hạn bởi chính những đạo đức, chuẩn mực tưởng như là tốt đẹp của xã hội. Tình yêu với Ellen dường như có cả sự ngưỡng mộ một người dám sống khác và có cả niềm khao khát được sống khác với những gì đang sống.

Cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.


Không giống Archer, Ellen hoàn toàn độc lập, tự do, kiêu hãnh ngay từ đầu tác phẩm. Tiếp xúc với cô, Archer mới hiểu, ý nghĩ về sự đáng thương của cô quả là hài hước. Song, Ellen lại ngây thơ không hiểu được cái nhìn của New York với mình. Cô đâu biết, mình không được New York cũ kĩ chào đón, không hiểu, mình trở thành tâm điểm của những lời đàm tiếu của xã hội. Nơi mà Ellen ngộ nhận là “thiên đường” cuối cùng khiến cô phải trốn chạy khỏi nó. Nơi cô không hiểu rằng, chính những định kiến và đạo đức, trở thành bức tường ngăn không thể vượt qua giữa cô và Archer.

Edith Wharton quả thực rất tinh tế khi miêu tả mối tình lặng lẽ của Ellen và Archer. Giữa họ, có muôn vàn điều để nói mà không thể cất lời. Chỉ những ánh mắt, chỉ những cái nhìn và những khao khát gào thét trong họ. Cuộc sống của họ trở nên không còn ý nghĩa khi họ không ở bên nhau. Nhưng họ chưa đủ sức mạnh để vượt quả cả đạo đức và định kiến. Mãi mãi, Archer và Ellen không thể đến được với nhau. Đứa con của May và Archer đã đã giữ Archer trong cuộc sống vốn có của anh. Sự chia lìa tình yêu ấy thể hiện sự bất lực của cả Ellen và Archer trong nỗ lực thay đổi quỹ đạo cuộc sống của họ…

Thời thơ ngây cũng khiến chúng ta suy nghĩ về những đổi thay của xã hội, khiến chúng ta hoài niệm về những gì tốt đẹp lẽ ra nên có trong xã hội và những gì chỉ nên thuộc về quá khứ… Chắc chắn vấn đề mà Wharton đặt ra trong tác phẩm, sẽ tiếp tục theo chúng ta trong hành trình thức nhận cuộc sống.

Nhà văn Edith Wharton từng chia sẻ, trong quá trình viết sách, bà đã tìm thấy được một lối thoát thoáng qua trong chốc lát, để được trở về với những kí ức bé thơ, kí ức về một nước Mĩ đã biến mất từ lâu. Bà nhận thấy ngày càng rõ ràng cái thế giới mà bà sinh ra và lớn lên đã bị hủy hoại vào năm 1914. Có lẽ sau cùng, con người ở mọi thế hệ đều sẽ cảm nhận được nỗi buồn về thời đại, về sự chảy trôi của thời gian ấy. Và rõ ràng, thập niên 80 của thế kỉ XX, thời điểm cách đây bốn mươi năm dường như đã rất xa vời, khác hẳn với kỉ nguyên của virus Corona và chủ nghĩa dân túy của chúng ta ngày nay.

Năm 1920, một nhà phê bình đã bình phẩm khiếm nhã tiểu thuyết Thời thơ ngây trên tờ The Guardian: “Wharton đã cố gắng hết sức để câu chuyện trở nên sống động. Thế nhưng, thứ mà bà bàn luận lại đều là những vật thể đã chết, những con người đã chết. Những nhân vật trong câu chuyện của bà sinh sống ở New York trong những năm 70 của thế kỉ XIX. Wharton, bản thân bà chẳng thể làm gì để những nhân vật đó có thể trở nên sống động trở lại. Những bức thư, những bài báo cũ là thứ khiến họ lôi cuốn trong mắt chúng ta nhưng bản thân họ lại không thể làm chúng ta hứng thú như những người con thật, thuộc cùng thế hệ, thuộc cùng xã hội”. Dù rằng không phải ai cũng đồng tình với thái độ này ở thời điểm đó, thế nhưng nó cũng khiến người đọc hình dung con người của 100 năm trước trở nên rất xa xôi.

Qua thời gian, Thời thơ ngây đã được nhìn nhận đúng về giá trị, ý nghĩa đối với nền văn chương nước Mĩ và thế giới. Sách đoạt giải thưởng Pulitzer vào năm 1921, đưa Wharton trở thành nhà văn nữ đầu tiên đạt giải thưởng quan trọng này. Giám khảo giải thưởng cho rằng cuốn tiểu thuyết đã vén màn “bầu không khí lành mạnh của cuộc sống trên đất Mĩ, hé lộ những tiêu chuẩn cao nhất trong cách ứng xử và nhân cách của người Mĩ”. Đánh giá của học giả Vernon Parrington cũng rất đáng chú ý. Năm 1921, ông tỏ ra rất vui thích khi “Thời thơ ngây không chứa bất cứ cảnh tượng, màn buộc tội hay ghen tuông dung tục nào, không hề đả động tới những điều nhạy cảm, gây chướng tai gai mắt. Thế nên, đừng để những nhận xét không hay khiến bạn do dự!”.

Năm 2014, Robert McCrum nhận định rằng Thời thơ ngây là “một bản cáo trạng hùng hồn về một xã hội vô văn hóa”. Điều này lại một lần nữa tạo ra nhiều sự cộng hưởng trong chúng ta về giá trị mà cuốn sách mang lại. Năm 2018, tác phẩm được NXB Penguin bình chọn là một trong số 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại (nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập Tủ sách kinh điển), sánh cùng các kiệt tác khác như Đồi gió húChiến tranh và hòa bìnhLolita, Anh em nhà Karamazov...

Thật tuyệt vời khi chúng ta một lần nữa đọc và nhìn nhận lại nội dung, giá trị và những ảnh hưởng của Thời thơ ngây đã soi chiếu đến cuộc sống ngày hôm nay.

Theo Ngân Ngân - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng