Tạp chí Sông Hương -
Diễn viên đừng là…ma- nơ- canh!
14:51 | 14/07/2009
Chất lượng đáng báo động của phim truyền hình cũng phần lớn tại diễn viên không có nghề.
Diễn viên đừng là…ma- nơ- canh!
Cảnh trong phim 'Có lẽ nào ta yêu nhau' (Ảnh minh họa)

Người đẹp đóng phim, tại sao không?

Có một câu so sánh gần như là hiển nhiên: Đẹp…như diễn viên. Nghĩa là diễn viên thì phải đẹp. Việc chọn diễn viên, tiêu chuẩn đầu tiên thường là chọn “thanh và sắc” (giọng nói và sắc mặt, vẻ đẹp).

Các nhà làm phim hiện nay đang làm ngược lại, lấy người đẹp đi đóng phim. Người mẫu, hoa hậu, ca sĩ… cũng đua nhau đi đóng phim. Việc đó thế giới đã làm nhiều và vẫn làm. Tuy nhiên, những người đẹp đóng phim không nhuyễn, không đạt thì chỉ là những cái máy nói, những ma- nơ- canh di động mà thôi.

Chỉ cần điểm qua một vài bộ phim gần đây như: Xin lỗi tình yêu, Có lẽ nào ta yêu nhau, 13 nữ tù…. thì số người đẹp ngoại đạo với nghiệp diễn “chạy ngang” qua đóng phim không ít.

Và vấn đề là người đẹp lại làm cho nhân vật trở nên vô hồn, không cảm xúc, xem phim, chỉ thấy vẫn là người đẹp ấy, khi thì nhăn nhó (đau khổ), cười cười (khi vui vẻ) chứ không có một thế giới nội tâm, một nhân vật sống động.

Cô diễn viên chính trong ‘Xin lỗi tình yêu’ khi đau khổ chỉ nhăn nhăn được khuôn mặt, nước mắt rơm rớm và khán giả vẫn thấy nét lạnh lạnh của một… “ngôi sao” ca nhạc.

Người đẹp đóng phim không phải là một điều không hay, vấn đề là người đẹp đừng là ca sĩ, đừng là hoa hậu, đừng là ngôi sao khi vào vai diễn nữa. Và cũng cần một thái độ của khán giả để không phải các nhà làm phim muốn làm thế nào thì làm.

“Việc người mẫu, ca sĩ, hoa hậu đóng phim là xu hướng rất bình thường, khi nào khán giả còn muốn đi xem người đẹp này đóng phim như thế nào thì vẫn còn đạo diễn mời người đó đẹp đóng phim. Làm phim cũng như làm bất kỳ sản phẩm nào khác, đã làm ra phải bán được. Như thời xưa cấm quần loe nhưng người ta vẫn thích mặc, giờ bảo người ta mặc chưa chắc đã có ai mặc. Vấn đề là chúng ta đừng cấm mà phải tạo thói quen phản ứng với những điều khiến ta khó chịu”- Diễn viên, đạo diễn Quốc Tuấn chia sẻ: “Khi nào mà còn những khán giả sẵn sàng đi xem những bộ phim do người đẹp này đóng, ca sĩ kia đóng thì vẫn có những đạo diễn làm phim như thế. Có cầu thì có cung. Việc đó không có gì là không đúng, chỉ có điều, khán giả nên phản ứng nếu những người đẹp đó không đóng được phim, sẽ quay lưng lại với bộ phim và đặc biệt là báo chí, truyền thông, nếu cần chê thì đừng khen”.

Lỗi ở đào tạo?

Phim Việt hiện nay đang thiếu những diễn viên để lại dấu ấn như thời của các diễn viên tài năng, để lại những ấn tượng khó quên trong lòng công chúng như: Trà Giang, Chánh Tín, Chiều Xuân, Như Quỳnh… Trong khi nhiều nhà làm phim khẳng định, quyết định thành bại của một bộ phim thì diễn viên chiếm đến 40% (kịch bản 50%).


Phim Việt hiện nay đang thiếu những diễn viên để lại dấu ấn như thời của các diễn viên tài năng như Trà Giang

Nhiều người đổ lỗi cho chất lượng đào tạo, không sai nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn đúng.

Một thực tế đáng buồn là hiện tượng nhiều học sinh không thi được vào trường nào thì đành vào trường Sân khấu Điện ảnh (SKĐA) để làm diễn viên.

Cũng là một cựu sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh, đạo diễn- diễn viên Quốc Tuấn cho hay: “Bản thân là người diễn viên được đào tạo từ nhà trường ra nhiều khi cũng thấy “tự ái” và từ thực tế bản thân tôi nhận thấy, phải nỗ lực rất nhiều vì thực tế đào tạo và công việc chẳng ăn khớp gì lắm với nhau”.

Tuy nhiên, anh cũng cho biết: “Là một trong những người đầu tiên được mời vào làm giám khảo của một cuộc tuyển sinh diễn viên vòng sơ loại của trường Sân khấu Điện ảnh mới thấy cái khó của người làm giáo viên của trường này. Lượng thí sinh quá ít, có khi cả buổi sáng được 1, 2 người tạm được về thanh sắc, chưa nói đến năng khiếu. Trong khi trường thì năm nào cũng phải tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu”.

Nhưng không hẳn tất cả là lỗi ở đào tạo. Vấn đề vẫn chính là những diễn viên đã không chịu đầu tư cho nghề.

Đạo diễn Quốc Tuấn nhận xét: “Ở ta, tôi chưa thấy một diễn viên nào để dành thời gian rảnh rỗi mà học thêm đầu tư cho nghề. Diễn viên Trung Quốc, Mỹ… khi rảnh, họ học vũ đạo, tập võ để bổ trợ cho nghề, nâng trình độ diễn xuất… nhưng chúng ta thì phải chạy sô, đóng hết phim này đến phim khác”.

Các diễn viên thì chỉ mong được xuất hiện trên truyền hình cho mọi người biết mặt, biết tên rồi đi làm việc khác. Vì ham chạy sô, phim nào cũng lên hình một loạt, đạo diễn bảo gì làm vậy, không có thời gian đọc kịch bản, không sống trong nhân vật mà mình hoá thân mà ngược lại, đem bản thân ra áp đặt cho nhân vật. Hậu quả là một diễn viên rất nhanh bị cũ mặt.

Điển hình là bộ phim “Những người độc thân vui vẻ”, 2-3 ngày phải quay xong 1 tập phim. NSƯT Chí Trung cho biết: “Có khi ra trường quay, cả đạo diễn và diễn viên mới đọc kịch bản, đọc rồi diễn luôn, thu âm trực tiếp nên phải cố mà nhớ lời thoại. Thế là thôi rồi, chỉ cần nhớ lời thoại thôi diễn viên cũng phải căng ra, thành ra, người diễn viên như cái máy nói. Vì phải quay nhanh nên mỗi cảnh chỉ quay 2-3 đúp là thôi, chọn đúp nào ít dở nhất mà dùng”. Diễn viên lúc đó chỉ là mình chứ không là nhân vật được nữa.

“Hiện không hiếm những trường hợp sinh viên năm thứ hai trường SKĐA đã đi chạy sô đóng một ngày 2 phim khác nhau- Quốc Tuấn chia sẻ- mỗi nơi cách nhau khoảng 40km thôi là đã không còn thời gian đâu để mà đọc kịch bản chứ chưa nói đến ngẫm ngợi để có được cách diễn tốt'.

Đạo diễn làm phim nhanh, dễ dãi, diễn viên chạy sô, kịch bản cũ nhàm…Tất cả những khâu đó tự làm hỏng nhau và cùng dẫn đến hệ quả là phim Việt không vươn lên được.

Muốn một sự thay đổi của phim Việt không chỉ chờ ở thời gian như câu chuyện chiếc quần loe mà cũng cần sự phản ứng của khán giả, của báo chí. Đừng khen những bộ phim không đáng khen và nên phản ứng với những điều làm ta khó chịu.

                                                                                                      Theo Toquoc

Các bài mới
Các bài đã đăng
(14/07/2009)